Việt Nam hiện đang vận hành chính sách nào về phát triển nông nghiệp bền vững?
Phát triển bền vững nông nghiệp đã và đang là mục tiêu chiến lược mà Đảng và Nhà nước ta quyết tâm thực hiện, điển hình là Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quan điểm là cơ sở hình thành mục tiêu
Đây cũng là chiến lược hiện thực hóa định hướng Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thị trường.
Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát tập trung vào “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính...”.
Cụ thể, chiến lược coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển nông nghiệp trên quan điểm hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại; phát triển môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Cư dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đến năm 2030, chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể về vấn đề tăng trưởng, xuất khẩu, thu nhập người dân, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, phát triển nông nghiệp xanh,... Từ đây, chiến lược cũng tạo nền tảng đề ra các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, cấp thiết, hiệu quả cho từng lĩnh vực.
Đưa ra giải pháp dựa trên định hướng thực tế
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ động lực thúc đẩy phát triển bền vững trong nông nghiệp, đó là: “Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân”.
Căn cứ vào mục tiêu chung, Chiến lược chỉ rõ 8 nhóm định hướng và nhiệm vụ chính cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 như sau: Thứ nhất, hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; Thứ hai, tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; Thứ ba, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; Thứ tư, phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; Thứ năm, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hoá, giữ gìn văn hoá truyền thống; Thứ sáu, phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; Thứ bảy, xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp; Thứ tám, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu.
Tương ứng với đó, chiến lược cũng xác định 11 nhóm giải pháp sau: (1) Tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy,thống nhất nhận thức và hành động; (2) Đổi mới tổ chức sản xuất - kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất; (3) Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (4) Phát triển thị trường trongvà ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản; (5) Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; (6) Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (7) Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; (8) Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro; (9) Hội nhập và hợp tác quốc tế; (10) Xây dựng, hoàn thiện và triển khaimột số chính sách đột phá; (11) Giám sát và đánh giá.
Ngoài ra, việc thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm và ưu tiên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Chiến lược.
Tuy phát triển nông nghiệp bền vững chỉ là một bộ phận cấu thành trong định hướng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, song nó bao hàm những nội dung có tính mới mẻ, tiến bộ và tương đối hoàn thiện với tình hình hội nhập quốc tế. Hiện thực hóa phát triển nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc giúp nông dân tiến gần hơn tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp nông nghiệp đáp ứng đầy đủ trước những nhu cầu mới của một quốc gia phát triển.
Kế Toại