Thứ năm, 28/11/2024 01:11 (GMT+7)
Thứ tư, 05/10/2022 05:50 (GMT+7)

Việt Nam hướng tới phát triển kết cấu hạ tầng xanh, an toàn và bền vững

Theo dõi KTMT trên

Với sự tác động của BĐKH và quá trình hóa đô thị hiện nay, chất lượng sống của người dân đang ngày một suy giảm. Để giải quyết vấn đề này, từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hạ tầng xanh.

Phát triển hạ tầng xanh (HTX) là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm giao thông, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải…) và các công trình hạ tầng xã hội (gồm công viên, cây xanh…) trong đô thị theo hướng xanh, an toàn và bền vững. HTX không chỉ đơn giản là không gian trồng nhiều cây xanh hay xây dựng các không gian xanh đô thị mà còn rất nhiều các giải pháp phải được thực hiện đồng thời và trên tất cả các quy mô (từ quy mô nhà ở, đơn vị ở, đô thị đến quy mô vùng). Các giải pháp HTX khá đa dạng với những đặc trưng tự nhiên (ví dụ bảo tồn không gian xanh, không gian mặt nước) hoặc dưới dạng nhân tạo (như mái xanh, cây xanh, các bề mặt thấm hút). Đây là một mạng lưới liên kết những không gian xanh nhằm bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang lại lợi ích đa dạng đối với người dân, cộng đồng.

Về kinh tế, phát triển HTX giúp giảm đáng kể các chi phí đầu tư cho các giải pháp đầu tư như chống ngập đô thị, nâng cao chất lượng và trữ lượng nước (đặc biệt là nước ngầm), và tiết kiệm năng lượng sử dụng thông qua việc giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Ngoài ra, phát triển HTX còn làm tăng giá trị bất động sản, phát triển du lịch và tạo cơ hội việc làm tại các khu vực có các không gian xanh.

Về mặt xã hội, HTX mang những lợi ích vô hình, giúp cải thiện tính thẩm mỹ của đô thị, cải thiện hình ảnh cuộc sống đối với người dân, tạo ra các cơ hội cho người dân tiếp cận với thiên nhiên, tương tác xã hội, giáo dục về văn hóa và môi trường, qua đó nâng cao chất lượng sống. Bên cạnh đó, các ứng dụng của HTX còn mang lại lợi ích về mặt môi trường, ví dụ như các công viên, không gian cây xanh, hay khu vực bảo tồn thiên nhiên giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước, chất lượng không khí và tăng cường sự đa dạng sinh học của môi trường.

Trong những năm qua, HTX là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và ưu tiên phát triển. Ví dụ như tại Mỹ, việc giảm thiểu CSO - lượng nước thu tăng nhanh và lớn hơn sức chứa của các trạm xử lý, nước thu là vấn đề sống còn cho các thành phố. Năm 2010, chính quyền thành phố New York đã ban hành bản quy hoạch HTX với hệ thống các công trình HTX kết hợp với các công trình hạ tầng xám thông thường với mục tiêu giảm thiểu đáng kể CSO và quản lý hiệu quả nước mưa. Theo quy hoạch này, đến năm 2030, thành phố New York sẽ đầu tư 2,9 tỷ USD vào việc xây dựng hệ thống hạ tầng xám hiệu quả về chi phí, ví dụ như các công trình chứa nước mưa chảy tràn, nâng cấp các công trình xử lý nước thải và cống thoát nước mưa. Bên cạnh đó, 10% các bề mặt không thấm hút tại thành phố sẽ được thay thế bằng các công trình HTX, ví dụ như mương lọc sinh học, mái xanh và vườn mưa. Dự tính đến năm 2030, các công trình này sẽ có thể giảm khối lượng CSO từ khoảng 30 tỷ gallon và đem lại từ 139 triệu USD đến 418 triệu USD cho người dân thành phố nhờ việc cắt giảm chi phí tiêu thụ năng lượng, nâng cao giá trị bất động sản và cải thiện sức khỏe cũng như chất lượng sống. Để khuyến khích việc sử dụng HTX trên tất cả các quy mô, chính quyền thành phố New York đồng thời mở ra các gói tài trợ cho các chủ đầu tư và người dân trên đất tư nhân. Tính riêng năm 2012, thành phố này đã chi 5 triệu USD cho các gói tài trợ trên.

Cũng tại Mỹ, từ năm 2011, thành phố Philadelphia đã xây dựng kế hoạch“Đô thị Xanh, Nước sạch”(Green City, Clean Waters) với mục tiêu giảm thiểu 85% CSO thông qua các giải pháp HTX như vườn mưa, bề mặt thấm hút, mương lọc sinh học, mái xanh… Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Philadelphia cũng cung cấp miễn phí cho người dân sở hữu đất tư nhân các thùng chứa nước mưa và các khoản tài trợ khi tham gia vào việc xây dựng vườn mưa, trồng cây và các dự án thay thế bề mặt kém thấm hút. Nhờ đó, chỉ tính đến năm 2015, thành phố đã có hơn 3.000 thùng chứa nước mưa được áp dụng và hơn 150 gói tài trợ được trao cho người dân.

Nhiều quốc gia trong khu vực châu Âu cũng đã và đang dành nguồn kinh phí đáng kể cho các dự án HTX. Ví dụ như ở Pháp, để bảo vệ và tăng cường chất lượng các khu vực cảnh quan xanh, Chính phủ nước này đã ban hành Luật Cảnh quan xanh từ năm 1993. 29 năm sau, Luật tiếp cận nhà ở và cải tạo đô thị (ALUR) ra đời, đã tăng cường tính phương pháp để các quan tâm cảnh quan xanh đi vào quy trình lập quy hoạch. Luật ALUR quy định quy hoạch phải đưa ra các hướng dẫn để có thể xác định hành động cần thiết để tăng chất lượng môi trường, cảnh quan. Ngoài ra, quy hoạch cần "xác định và định vị các khu vực cảnh quan xanh, cùng các yêu cầu tương ứng để đảm bảo sự bảo vệ của chúng". Thực hiện những quy định này, nghiên cứu cảnh quan xanh đã trở thành một trong những định hướng khung cho việc phát triển ý tưởng quy hoạch đô thị tại Pháp. Những năm gần đây, Pháp còn xây dựng kế hoạch đầu tư cho hạ tầng xanh với chi phí 100 tỷ Euro, bao gồm cả dự án xây dựng mạng lưới đường sắt quốc gia, trong đó gần 1/3 tổng chi phí sẽ dành riêng cho năng lượng bền vững và giao thông.

Hay như ở Bồ Đào Nha, với các biện pháp hạn chế sử dụng xe hơi và ưu tiên đi xe đạp, giao thông công cộng và đi bộ, năm 2017, Thủ đô Lisbon đã đưa ra một kế hoạch chia sẻ xe đạp để khuyến khích đi xe đạp ở các khu vực đồi núi của thành phố. Hiện nay, có khoảng 40% lượng xe của thành phố là xe điện. Nhằm khuyến khích người dân sử dụng ô tô điện, không chỉ ở Lisbon mà trên cả nước Bồ Đào Nha đã đầu tư mạng lưới dày đặc những trạm nạp năng lượng cho xe điện miễn phí và khuyến khích người dân lắp đặt pin mặt trời và hệ thống năng lượng tái tạo với chi phí thấp, cũng như bán lại điện cho mạng lưới.

Tại châu Á, Seoul được xem là một hình mẫu về cải tạo hạ tầng xanh tại Hàn Quốc. Trong vòng 30 năm qua, Seoul liên tục thực hiện các dự án cải tạo cấu trúc đô thị, phát triển không gian công cộng và cung cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tăng cường cây xanh. Nhiều công viên lớn được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông Hàn nhằm sửa chữa những sai lầm trong quy hoạch trước đây. Đến nay đã có 40 km dọc hai bên bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú... Tận dụng mọi không gian để trồng cây, chính quyền Seoul cũng đã thay thế một cây cầu vượt cũ được xây dựng vào năm 1970 bằng một công viên trên cao Seoullo 7017 ấn tượng với hơn 24 nghìn cây xanh. Trong tương lai, khu vực này dự kiến sẽ được xây dựng thành một nơi ươm mầm xanh cho Seoul. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, chính quyền và người dân thành phố Seoul đã triển khai chương trình trồng 15 triệu cây xanh. Dự kiến đến năm 2022, Seoul sẽ có thêm 15 triệu cây xanh nữa sẽ được trồng cùng với việc mở thêm 2 khu rừng lớn ở phía Bắc và Nam Thủ đô nhằm giảm khói bụi. Kết quả trong những năm qua đã đưa Hàn Quốc nằm trong số top các quốc gia có hạ tầng xanh của thế giới.

Khu vực ASEAN cũng đang nhận được sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu trong thúc đẩy HTX. Liên minh châu Âu (EU) cho biết, đang trong tiến trình chuẩn bị hỗ trợ Cơ chế xúc tiến tài chính xanh (ACGF) thuộc Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN 50 triệu Euro nhằm giúp Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á xúc tiến tài chính công, tư cho các dự án cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, khí hậu. Thực hiện cơ chế ACGF, ASEAN sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các nước trong khu vực tiếp cận các khoản vay cho những dự án hạ tầng cơ sở tập trung vào năng lượng tái tạo, giao thông đô thị bền vững, hệ thống nước, hệ thống vệ sinh, cũng như những dự án nông nghiệp chống chịu tốt với sự thay đổi của khí hậu.

Việt Nam quyết tâm hành động để phát triển kết cấu hạ tầng xanh an toàn và bền vững.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng. Biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa trực tiếp đến sản xuất kinh tế, năng lượng, an ninh lương thực, sinh kế, đa dạng sinh học, cơ sở hạ tầng, y tế... do đó việc xây dựng HTX bắt đầu được Việt Nam quan tâm và dành sự đầu tư tương xứng.

Theo Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam của Cục Hạ tầng kỹ thuật (thuộc Bộ Xây dựng) tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn, bền vững ở Việt Nam” diễn ra vào tháng 10/2021 cho thấy, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2-3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2. Điều này có nghĩa là chỉ tiêu cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông cũng quá thấp, hầu hết mới chỉ đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi đó tỷ lệ này phải đạt khoảng 20 -26%. Mật độ đường thấp và phân bổ không đều, ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 2 - 4km/km2, trong khi chỉ tiêu quy định là 4 - 6km/km2. Diện tích dành cho giao thông tĩnh hạn chế, hầu hết chưa đạt đến 1% đất xây dựng đô thị, trong khi đó, theo quy định phải đạt từ 3 - 5% đất xây dựng đô thị. Hơn nữa, giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, khối lượng vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 10%. Việc tiếp cận, tham gia giao thông còn thiếu an toàn.

Việt Nam hướng tới phát triển kết cấu hạ tầng xanh, an toàn và bền vững - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

Trước thực trạng đó, Cục Hạ tầng kỹ thuật và Tổ chức HealthBridge, World Resources Insitute đã cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển hạ tầng đô thị xanh, nhằm tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa các bên trong việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị xanh, thông minh ở Việt Nam. Theo thỏa thuận, các bên sẽ hợp tác phát triển hạ tầng công viên, cây xanh, mặt nước trong đô thị; phát triển hạ tầng giao thông đô thị an toàn cho đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng. Các nội dung và hoạt động hợp tác sẽ tập trung vào thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ đô thị an toàn và cây xanh sử dụng công cộng đô thị; nghiên cứu chính sách và hiện trạng phát triển cây xanh, không gian xanh công cộng đô thị tại một số đô thị tại Việt Nam; nghiên cứu chính sách và hiện trạng hạ tầng đường bộ an toàn đối với nhóm người tham gia giao thông dễ tổn thương tại các đô thị lớn tại Việt Nam… Đồng thời, các tổ chức sẽ hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và chuyên môn quốc tế để sửa đổi và hoặc lập mới các hướng dẫn, tiêu chuẩn và thực hành liên quan giúp xây dựng đường phố và di chuyển an toàn hơn, phát triển cây xanh và không gian xanh công cộng đô thị tại Việt Nam…

Để HTX trở thành một yếu tố trọng yếu trong công tác quy hoạch tại các địa phương, tháng 5/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD, trong đó có quy định yêu cầu về quy hoạch không gian xanh, đất cây xanh đô thị, tỷ lệ đất cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình; TCVN 9257/2021 tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị.

Với quyết tâm hành động mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải (gọi tắt là Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh). Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Quyết định này, 5 phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đều phải chuyển đổi, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Trong chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, có 11 dự án trọng tâm được phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh với tổng kinh phí đến năm 2050 lên đến 3.084,2 nghìn tỷ đồng.

Nhằm hiện thực hoá các mục tiêu cụ thể tại chương trình, một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản Quyết định số 876 đặt ra là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh. Theo đó, với đường bộ, ưu tiên hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc; cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế; kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối. Đồng thời, quy hoạch và xây dựng hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh trên mạng quốc lộ chính yếu, mở rộng ra mạng lưới đường bộ toàn quốc; hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, bến xe và nhà ga...

Với giao thông đường sắt, ngoài việc nâng cấp các tuyến đường sắt và đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường sắt đã được phê duyệt, sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch được duyệt. Cùng với đó, cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến, ga đường sắt hiện có, cơ bản đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh. Thí điểm xây dựng một số đoạn tuyến đường sắt mới đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh tiến tới đầu tư xây dựng, phát triển toàn bộ các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa đáp ứng cho phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh.

Với đường thủy nội địa, sẽ tập trung phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa, từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dụng, quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho phương tiện và trang thiết bị tại các cảng thủy nội địa...

Với hàng hải, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép; triển khai đề án phát triển cảng xanh.

Về hàng không, quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho tàu bay, phương tiện mặt đất và các trang thiết bị tại cảng hàng không.

Về giao thông đô thị, quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho phương tiện giao thông tại các đô thị. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt; mở rộng, phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện giao thông công cộng. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phi cơ giới, điểm trông giữ phương tiện kết nối hợp lý với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác.

Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh của Quyết định số 876/QĐ-TTg sẽ giúp Việt Nam đi đến đích trên con đường phát triển bền vững và thực hiện cam kết giảm phát thải đưa ra tại COP2.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam hướng tới phát triển kết cấu hạ tầng xanh, an toàn và bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới