Chủ nhật, 24/11/2024 05:42 (GMT+7)
Thứ hai, 17/10/2022 15:55 (GMT+7)

Việt Nam thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng "xanh" và thân thiện với môi trường

Theo dõi KTMT trên

Sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đang trở thành xu thế phát triển và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam trong những năm tới.

Vật liệu xây dựng "xanh" là gì?

Vật liệu xây dựng "xanh" được định nghĩa là những loại vật liệu có trách nhiệm với môi trường. Vì tất cả các tác nhân ảnh hưởng của chúng trong suốt vòng đời sử dụng không gây tổn hại đến môi trường. Những loại vật liệu này giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt quá trình khai thác, chế tạo, vận chuyển, thi công, sử dụng và cả khi phá dỡ công trình.

Các tiêu chí của vật liệu xây dựng "xanh"

Vật liệu xây dựng "xanh" phải đảm bảo các tiêu chí sau: Không độc hại, tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, độc hại của môi trường bên ngoài tới không gian trong phòng như cách âm, cách nhiệt, vòng đời sử dụng lâu dài và có thể tái chế sau khi sử dụng. Tuy nhiên, quan trong nhất vẫn là 5 tiêu chí cơ bản sau:

– Không độc hại: Được đánh giá dựa trên mức độ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất ra vật liệu, quá trình sản xuất ở vật liệu xanh giảm thiểu được hoàn toàn chất thải độc hại ra môi trường, giúp cải thiện được môi trường tốt hơn.

– Có hàm lượng tái chế cao: Các loại vật liệu thân thiện với môi trường được đánh giá là tốt khi có khả năng tái chế hoặc tái sử dụng cao.

– Tiết kiệm tài nguyên: Bên cạnh việc tái sử dụng tốt, khi sản xuất vật liệu xanh cần phải tiết kiệm nguyên nhiên liệu để làm ra sản phẩm ấy. Điển hình như gạch không nung, giúp tiết kiện được nguồn tài nguyên đất sét đang dần khan hiếm hiện nay.

– Vòng đời sử dụng: Vật liệu xây dưng thông thường có vòng đời sử dụng cao, có tuổi thọ lớn, đồng nghĩa là chất lượng của vật liệu phải cao.

– Ảnh hưởng đến môi trường: Đây là yếu tố quan trọng và cốt yếu trong ý nghĩa ra đời của loại vật liệu này. Chúng phải có ảnh hưởng tốt đến môi trường hoặc không gây ra các tác động xấu mới được coi là vật liệu xanh.

Việt Nam hướng tới ngành vật liệu xây dựng "xanh- sạch" và thân thiện với môi trường

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng: Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.

Thực tế này đòi hỏi việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, trong đó phát triển vật liệu xây dựng thân thiện môi trường là một trong những vấn đề đặt ra hàng đầu.

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: Trong vòng 10 năm qua cả nước có hơn 200 công trình xanh, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 6 triệu m2. Con số này rất khiêm tốn so với số lượng công trình, diện tích sàn xây dựng hàng năm ở nước ta hơn 100 triệu m2. Đáng chú ý, Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0, đó là thách thức lớn khi cái đích năm 2050 chỉ còn hơn 27 năm.

Việt Nam thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng "xanh" và thân thiện với môi trường - Ảnh 1
Việc phát triển các loại vật liệu xanh, đặc biệt là vật liệu không nung dường như đã trở thành xu thế tất yếu của ngành xây dựng. (Ảnh minh họa)

Được biết, trong kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, lĩnh vực do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương, bao gồm: Các quá trình công nghiệp (sản xuất vật liệu xây dựng); Tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; tòa nhà. Dự kiến năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ ban hành kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính được Chính phủ giao trong Nghị định 06.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”…

Để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã có nhiều hoạt động hơp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế như Chính phủ Đan Mạch, UNDP, IFC-WB, GIZ, Đại sứ quán Vương quốc Anh… Từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã hợp tác với IFC-WB để soát xét, ban hành QCVN 09:2013/BXD và từ năm 2015 đã hợp tác để phát triển công cụ đánh giá, chứng nhận công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và năng lượng theo chứng chỉ EDGE.

Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam hiện nay, các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường cũng ngày càng đa dạng hơn, hạng mục vật liệu không nung có gạch bê tông khí chưng áp, panel bê tông khí chưng áp, gạch bê tông, panel bê tông rỗng đùn ép. Cùng đó, kính Low-E và kính Solar Control mới có khả năng giảm sự truyền nhiệt vào công trình, từ đó giảm công suất điều hòa cũng như điện năng tiêu thụ…

Nhiều nhà máy đã sản xuất ngói lợp không nung, cát nghiền, cốt liệu tái chế từ nguồn phế thải công nghiệp. Ngoài ra, còn rất nhiều vật liệu xây dựng khác sử dụng phế thải công nghiệp tro, xỉ nhiệt điện như: xi măng, gạch bê tông lát hè, gạch đất sét nung, bê tông trộn sẵn… để giảm tỷ lệ sử dụng vật liệu thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên.

Ông Lê Hoài An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gạch Khang Minh - Đơn vị tiên phong trong cả nước đầu tư Nhà máy gạch không nung xi măng cốt liệu, với quy mô 200 triệu viên/năm cho rằng: Xu hướng phát triển đô thị thông minh, công trình xanh đang được chú trọng chính là thời cơ cho các vật liệu xây dựng xanh phát triển. Định hướng trong tương lai, vật liệu xây dựng không nung sẽ thay thế gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của Việt Nam khoảng 42 tỷ viên. Nếu đáp ứng nhu cầu này thì sẽ phải tiêu tốn từ 50 – 70 triệu m3 đất, tương đương với khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp, tiêu thụ khoảng 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2.

Nhằm thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, các chuyên gia cho rằng Bộ Xây dựng cần xây dựng tiêu chí chung về đánh giá công trình xanh, ban hành các quy định quản lý công trình xanh trong vòng đời công trình nhằm phục vụ cho công tác quản lý, trên cơ sở đó các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế có cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.

Bộ Xây dựng kỳ vọng, thời gian tới tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ và triển khai có hiệu quả các hoạt động thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình phát thải thải thấp, công trình tự cân bằng năng lượng, phát thải bằng 0 để cùng ngành xây dựng có những đóng góp thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu chung đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).

Ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ rằng,: Tính tới năm 2015, cả nước đã đầu tư trên 2 ngàn dây chuyền sản xuất gạch block bê tông (gạch xi măng cốt liệu), trong đó, gần 150 dây chuyền khoảng trên 10 triệu viên/năm và 13 dây chuyền gạch bê tông khí chưng áp. Chỉ tích 3 loại vật liệu xây không nung cơ bản là block bê tông, AAC và bê tông bọt, cả nước đã có tổng công suất là 6,5 tỷ viên QTC. Công suất đó đã vượt chỉ tiêu của năm 2020. Đáng tiếc là từ đầu năm 2020, cả nước bị ảnh hưởng lớn của Đại dịch Covid-19, các ngành sản xuất bị đình trệ, việc đầu tư mới các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung cũng chững lại.

An Như

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng "xanh" và thân thiện với môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia tăng trưởng cao
Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 3,81 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng tới 131,2%, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện…

Tin mới