Chủ nhật, 24/11/2024 06:19 (GMT+7)
Thứ tư, 15/06/2022 10:11 (GMT+7)

Vietnam Airlines làm gì để thoát diện kiểm soát?

Theo dõi KTMT trên

Vietnam Airlines có thể bán tàu bay và thoái vốn tại một số doanh nghiệp liên quan trong năm 2022, đồng thời để ngõ khả năng phát hành cổ phiếu trong năm 2023-2024.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát.

Vietnam Airlines cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hoạt động vận tải hàng không quốc tế thường lệ đã hoàn toàn ngưng trệ sau khi dịch bùng phát từ tháng 3/2020 và chỉ mới được tái khởi động trở lại từ 15/3/2022. Do đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất của Vietnam Airlines năm 2020, năm 2021 và quý I/2022 đã bị lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất đã bị âm tài thời điểm 31/3/2022, dẫn đến cổ phiếu HVN bị thuộc diện kiểm soát theo quy định của HoSE.

Vietnam Airlines làm gì để thoát diện kiểm soát? - Ảnh 1
Vietnam Airlines đang thua lỗ nặng và bị kiểm soát. (Ảnh minh hoạ)

Trước các ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, Vietnam Airlines đã chủ động xây dựng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại, cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp tại Đề án cơ cấu lại Tổng công ty hàng không giai đoạn 2021-2025.

Đối với năm 2022, các giải pháp tại Đề án hướng đến mục tiêu không tiếp tục bị lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất cuối năm 2022.

Tiếp đó giai đoạn 2023-2025, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn chủ sở hữu để từng bước vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển. Trong đó bao gồm 3 nhóm giải pháp lớn:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau.

Thứ hai, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Theo đó Vietnam Airlines sẽ bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ; thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính. Giải pháp này sẽ được thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.

Thứ 3, phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, dự kiện 2023 - 2024.

Báo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 cho thấy, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh thu tăng nhưng giá vốn bán hàng vẫn vượt doanh thu khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí khác, hãng bay ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm 2.621 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của Vietnam Airlines.

Khoản lỗ quý đầu năm nâng tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên hơn 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Với tình trạng thua lỗ nặng, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) theo quy định.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/6, HVN có giá 17.100 đồng/cổ phiếu. Mức giá cao nhất mà HVN đạt được là hơn 47.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2018 và thấp nhất 13.800 đồng/cổ phiếu khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3/2020.

Trước đó, hãng hàng không quốc gia cũng từng được "giải cứu" khi Quốc hội thông qua kế hoạch tăng vốn. Theo đó, doanh nghiệp đã thực hiện đợt tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng trong tháng 9/2021 (trong đó SCIC rót 6.880 tỷ đồng để mua cổ phần)

Sau phương án trên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 55,2% vốn, tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần và Tập đoàn ANA là 5,62%.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vietnam Airlines làm gì để thoát diện kiểm soát?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới