Chủ nhật, 24/11/2024 04:21 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/07/2020 14:22 (GMT+7)

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, thống nhất

Theo dõi KTMT trên

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai là một trong những vấn đề quan trọng để đảm bảo quản lý đất đai một cách minh bạch, đồng thời, góp phần phòng ngừa các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này.

Ông Nông Văn Chiêm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng: Người sử dụng đất được tiếp cận thông tin thuận lợi hơn

Với mục tiêu “Hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai”, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng hoàn thành cơ sở địa chính của 7/10 huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu lưu trữ hồ sơ dạng số, in Giấy CNQSDĐ, trích lục địa chính, cung cấp thông tin về đất đai...

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, thống nhất - Ảnh 1
Ông Nông Văn Chiêm.

Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ TN&MT, tỉnh Cao Bằng đã và đang thực hiện Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Theo đó, Dự án sẽ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc; hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (gồm các dữ liệu: địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, người sử dụng đất, bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp được thụ hưởng kết quả dự án thông qua việc được cung cấp dịch vụ đất đai tốt hơn và được tiếp cận thông tin thuận lợi hơn.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng: Hoàn thành “Đề án số hóa dữ liệu đất đai” trong năm 2020

Từ năm 2014, Đà Nẵng đã triển khai “Đề án số hóa dữ liệu đất đai”, đến nay, ngành TN&MT cơ bản hoàn thành dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai của TP.Đà Nẵng với các công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng và công nghệ thông tin.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, thống nhất - Ảnh 2
Ông Tô Văn Hùng.

Trên thực tế, từ nhiều năm trước, Sở TN&MT đã vận hành và khai thác thử nghiệm ứng dụng số hóa dữ liệu đất đai vào 7 kết quả. Trong đó, có một số kết quả nổi bật như: ứng dụng CNTT vào trong công tác quản lý đất đai; vận hành hai cổng thông tin thử nghiệm cung cấp thông tin địa chính, giá đất, quỹ đất, kêu gọi đầu tư đến các tổ chức và công dân. Đồng thời, thực hiện liên thông thuế điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế, qua đó, rút ngắn được thủ tục hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài chính đất đai....

Trong năm 2020, Sở TN&MT TP.Đà Nẵng tiếp tục vận hành thử nghiệm cổng thông tin đất đai với những dữ liệu luôn được cập nhật và và đẩy nhanh tiến độ gói mua sắm trang thiết bị thiết bị để phục vụ khai thác dữ liệu và xây dựng cổng thông tin về đất đai để hoàn thành đề án theo yêu cầu của thành phố.

Ông Phan Văn Mạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai

Năm 2019, kết quả xếp hạng PCI của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng 16/63 tỉnh/thành cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2018 và xếp 4/8 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, chỉ số thành phần tiếp cận đất đai được 6,95 điểm, xếp 31/63 tỉnh/thành cả nước và xếp 4/8 tỉnh, thành phố, so với năm 2018 tăng 0,54 điểm, tăng 5 bậc so với cả nước và tăng 2 bậc so với vùng Đông Nam Bộ, cao nhất từ trước đến nay.

Có được kết quả đó là nhờ Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung thực hiện các giải pháp hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, Trang Thông tin điện tử của Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu cập nhật kịp thời các tin tức hoạt động, văn bản, chính sách, pháp luật về đất đai đến người dân và doanh nghiệp; đăng tải các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, thống nhất - Ảnh 3
Ông Phan Văn Mạnh.

Đặc biệt, Sở đã công bố Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp có nhu cầu thông qua địa chỉ trang thông tin điện tử http://gis.sotnmt.baria-vungtau.gov.vn/quyhoach2020 và ứng dụng trên thiết bị di động iOS và Android.

Cùng với đó, Sở TN&MT đã xây dựng website tra cứu thông tin Giấy chứng nhận QSDĐ nhằm tăng cường tiếp cận tính chính xác trong thông tin pháp lý về đất đai và chống làm Giấy chứng nhận giả có thể truy cập thông qua địa chỉ http://ungdungsotnmt.baria-vungtau.gov.vn/tracuugcn.

Ông Vũ Xuân Mạnh - Trưởng phòng Thông tin Lưu trữ - Sở TN&MT TP.Hải Phòng: Hệ thống thông tin đất đai trợ giúp đắc lực quản lý trật tự xây dựng

Hải Phòng đang thực hiện Chương trình của dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” với tổng vốn là 101 tỉ đồng (bao gồm cả vốn đối ứng của Hải Phòng), theo đó, bước đầu sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu cho 8 quận.

Hiện nay, tiến độ dự án này rất chậm, Tổng cục Quản lý đất đai đang đốc thúc để đẩy nhanh. Khó khăn chủ yếu do hệ thống bản đồ địa chính tại các xã, phường trên địa bàn Hải Phòng còn thiếu, chỗ có chỗ không.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, thống nhất - Ảnh 4
Ông Vũ Xuân Mạnh.

Phòng Đo đạc bản đồ - Sở TN&MT TP.Hải Phòng đang làm dự án khác về bản đồ địa chính tổng thể trên địa bàn Hải Phòng, Đồ Sơn - Dương Kinh - Cát Hải - Bạch Long Vĩ. Kết quả dữ liệu của dự án này cũng đưa vào kế hoạch hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai theo dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”.

Khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính, hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai sẽ có rất nhiều thuận lợi cho cơ quan quản lý, cho nhà lập quy hoạch. Việc lưu trữ tập trung giúp minh bạch cung cấp thông tin cho người dân về chỉ giới, mốc giới, hạn chế được tranh chấp, khiếu kiện. Ngoài ra, hệ thống thông tin quản lý đất đai sẽ trợ giúp đắc lực cho các cơ quan quản lý trật tự xây dựng.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, thống nhất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới