Thứ năm, 28/11/2024 00:21 (GMT+7)
Thứ ba, 29/11/2022 16:57 (GMT+7)

Xe cá nhân vẫn tăng chóng mặt sau nhiều năm với đề án hạn chế

Theo dõi KTMT trên

Dù đề án hạn chế xe cá nhân đã được đưa ra nhiều năm nay nhưng số lượng các phương tiện tham gia giao thông vẫn tăng từ 4-5%/năm. Tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội diễn biến hết sức phức tạp.

Mỗi năm vẫn tăng 4-5%

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến tháng 11/2022, địa bàn thành phố có tổng số 7.784.657 phương tiện giao thông (ôtô 1.056.423, xe máy 6.545.317, xe máy điện 182.917), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô.

Trong khi đó, mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt gồm 154 tuyến, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%, tỷ lệ vận tải khách công cộng hiện nay đạt được khoảng 17,8%.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giành cho giao thông phải đạt từ 20-26%; diện tích đất giành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải công cộng phải đạt được từ 50-55%.

Xe cá nhân vẫn tăng chóng mặt sau nhiều năm với đề án hạn chế - Ảnh 1
Xe cá nhân vẫn tăng chóng mặt sau nhiều năm với đề án hạn chế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới chưa đến 1%; tỷ lệ vận tải công cộng đạt được khoảng 17,8%.

“Trong khi đó, hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải phát đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông,” ông Thường đánh giá.

Dù đề án hạn chế đã có từ nhiều năm

Theo Nghị quyết 04/2017/HĐND-TP của HĐND TP.Hà Nội về tăng cường quản lý phương tiện giao thông, giảm ùn tắc ô nhiễm, Hà Nội đã đưa ra lộ trình phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Để làm được điều này, giai đoạn 2017-2020, TP sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có điều tra rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng, đề ra tiêu chuẩn khí thải để kiểm soát chất lượng xe máy. Với ô tô, sẽ phải đề xuất quy định lắp các thiết bị thu phí tự động trên ô tô, chuẩn bị cho lộ trình trả phí vào các quận nội thành. Tuy nhiên, các giải pháp này tới nay vẫn chưa thực hiện.

Cho tới nay, các ý kiến tranh cãi quanh việc hạn chế xe cá nhân tập trung chủ yếu ở 2 vấn đề: Thứ nhất, với xe máy, đa số ý kiến phản đối cho rằng xe máy là phương tiện sinh sống của nhiều người dân, nếu cấm xe máy vào nội thành sẽ ảnh hưởng đến mưu sinh của bộ phận người dân. Thứ 2, việc cấm xe máy hay thu phí ô tô theo khu vực chỉ được thực hiện khi VTHKCC (xe buýt, metro) đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Trên thực tế, phản ứng khá dữ dội từ phía dư luận là rào cản lớn nhất khiến các cơ quan tham mưu, đề xuất hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM trước đây đều chùn tay.

Theo TS Đinh Thị Thanh Bình (ĐH GTVT Hà Nội), về lý thuyết, thời điểm hạn chế xe cá nhân phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng VTHKCC của TP. Các nghiên cứu cho thấy, khi VTCC đạt được 50 - 60% nhu cầu đi lại, chính quyền mới có thể hạn chế xe cá nhân. Song hiện tại xe buýt mới đáp ứng chưa đầy 10%, trong khi các tuyến metro của Hà Nội lại đang có tốc độ xây dựng rất chậm chạp. Vì thế, theo bà Bình, nếu không có sự quyết tâm cao nhất từ chính quyền TP, song song các biện pháp quyết liệt để kêu gọi vốn, đốc thúc tiến độ các tuyến VTCC khối lượng lớn như metro và gia tăng thị phần cho xe buýt, thì lộ trình cấm xe máy có thể sẽ phải kéo dài tới 20 - 30 năm.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Xe cá nhân vẫn tăng chóng mặt sau nhiều năm với đề án hạn chế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới