Chủ nhật, 24/11/2024 07:04 (GMT+7)
Thứ ba, 03/12/2019 07:00 (GMT+7)

Xe máy Honda loạn giá cuối năm, cơ quan chức năng 'bất lực'

Theo dõi KTMT trên

Ít thì vài triệu, cao thì vài chục triệu, đó là cái giá mà người tiêu dùng phải chi trả thêm khi mua một chiếc xe máy Honda tại thời điểm cận Tết. Từ năm này qua năm khác, bài ca “lạ lùng” này lại tiếp tục tái diễn, chỉ duy nhất với xe máy của Honda, cơ quan chức năng thì bất lực và người tiêu dùng thì “ngoan ngoãn” chấp nhận.

Đến hẹn lại lên, chênh giá năm sau nhảy vọt so với năm trước

Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhưng thị trường xe máy trong nước đã bắt đầu có những biến động mạnh mẽ, đặc biệt là với các dòng xe máy của Honda. Tính đến thời điểm hiện tại, trừ một số dòng xe số vẫn có giá ổn định hoặc tăng nhẹ, hầu hết xe máy của Honda đều đã tự nâng giá tại các Head, trong đó mức chênh cao nhất thuộc về SH. Với lý do “cháy hàng”, nhiều đại lý đang bán SH với mức cao hơn đề xuất lên gần 40 triệu đồng. Cụ thể, theo khảo sát mới nhất tại các Head, SH 125 CBS 2019 đang có giá bán 88 triệu đồng, SH 150 ABS 2019 giá 118 triệu đồng, cả hai mẫu xe này đều đang được bán cao hơn tới 35 triệu đồng so với đề xuất của hãng. Đối với SH 150 ABS 2019 bản đen mờ thì có giá lên tới 133 triệu đồng, cao hơn tới 40 triệu đồng so với giá đề xuất của hãng.

Xe máy Honda loạn giá cuối năm, cơ quan chức năng 'bất lực' - Ảnh 1
Giá xe máy Honda SH bắt đầu "nhảy múa" trên thị trường với mức giá cao hơn đến hàng chục triệu đồng.

Đối với các dòng xe ga khác như: Vision 2019, Air Blade 2019, Lead 2019 đang có các mức giá bán cao hơn đề xuất từ 500.000 - 4 triệu đồng tùy từng phiên bản.

Giữa lúc các hãng xe khác đang phải tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu Tết thì các dòng xe máy của Honda lại đi ngược lại, tăng giá chóng mặt, loạn giá ở nhiều nơi nhưng khách hàng vẫn phải ngậm ngùi móc hầu bao chấp nhận.

Tình trạng “Tết đến, găm hàng, hét giá” không phải đến giờ mới xảy ra, suốt nhiều năm qua bài ca “lạ lùng” tại các đại lý ủy nhiệm của Honda (Head) vẫn tiếp tục tái diễn và năm sau, mức chênh lệch lại còn “khủng” hơn năm trước.

Xe máy Honda loạn giá cuối năm, cơ quan chức năng 'bất lực' - Ảnh 2
Tình trạng các đại lý găm hàng, tạo hiện tượng khan hiếm giả đã khiến giá xe bị đẩy lên cao nhiều lần so với giá trị thực của xe.

Còn nhớ, tại thời điểm cận Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, trong khi giá các hãng xe khác có tăng cũng chỉ ở mức tượng trưng thì giá xe máy Honda đã tăng “phi mã”. Đứng đầu là dòng xe “sang, xịn” SH. Theo khảo sát, tại thời điểm tháng 1/2019, chỉ cách Tết đôi chục ngày, giá một chiếc Honda SH 2019 (cả SH 125 và SH 150) được bán ra cao hơn so với mức giá đề xuất từ 13 đến 22 triệu đồng. Trong đó, giá bán của phiên bản SH 150 đen mờ chênh 19-22 triệu đồng cho phiên bản CBS hoặc ABS. Mẫu xe SH mode cũng được bán cao hơn đề xuất từ 7,5 đến 13 triệu đồng tùy phiên bản. Mức bán chênh lệch tùy theo đại lý và khác nhau theo từng khu vực. Thậm chí có nơi, SH 2019 1250 ABS có giá lên tới 116-117 triệu đồng, cao hơn mức đề xuất của hãng tới 27 triệu đồng với màu sắc đen mờ. Với các dòng xe như Vision và Lead, giá cũng “nhảy múa” tăng từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng.

Cơ quan chức năng bất lực, Honda Việt Nam vô can

Mặc dù báo chí, truyền thông đã phản ánh về tình trạng thổi giá cuối năm của các đại lý ủy nhiệm Honda, tuy nhiên dường như tình trạng này vẫn không vì thế mà giảm bớt. Câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào đứng ra bảo vệ cho quyền lợi người tiêu dùng cũng đã được đặt ra từ cách đây nhiều năm.

Trả lời mới đây nhất trên báo Tiền phong, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người Tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết: “Hiện tại, Honda Việt Nam (HVN) và các Head làm việc kiểu “mua đứt bán đoạn” xe máy nên chúng tôi cũng không còn cách nào. Chỉ có thể khuyến cáo người tiêu dùng mua nơi khác hoặc các sản phẩm thay thế”. Lãnh đạo Cục này cũng cho biết, Cục đã làm việc nhiều lần với nhà máy Honda và các đại lý. “Bên phía Honda Việt Nam có hợp đồng cụ thể với các đại lý về việc mua bán xe máy này. Giá trên trang chủ chỉ là giá tham khảo, trong hợp đồng có ghi rõ rằng họ không can thiệp vào giá bán của đại lý. Thậm chí, các đại lý còn “tranh nhau mua” và “phải trả tiền trước” cho HVN.

“Hiện tại, chưa có quy định pháp luật để giải quyết nên cũng đành bó tay, và vấn đề này còn liên quan đến quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn nằm trong tay người tiêu dùng", đại diện cơ quan chức năng cho hay.

Xe máy Honda loạn giá cuối năm, cơ quan chức năng 'bất lực' - Ảnh 3
Các đại lý ủy nhiệm Honda Việt Nam (Head) mặc ý nâng giá thành sản phẩm nhưng cơ quan chức năng cũng đành bất lực

Cũng trước đó, đại diện của Honda Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng “không phải Honda Việt Nam đồng tình hay hậu thuẫn cho hiện tượng này. Việt Nam có luật Cạnh tranh và theo quy định của Luật này, các hãng sản xuất như chúng tôi không có quyền được ấn định mức giá cho nhà phân phối như các công ty thương mại và các công ty bán hàng. Honda Việt Nam chỉ có thể đưa ra mức giá bán lẻ đề xuất và đề nghị với các đại lý, các Head ủy nhiệm không bán với giá cao hơn với mức giá đề xuất của hãng, nhưng hãng không có quyền bắt buộc hay đưa ra mệnh lệnh đối với các Head này.

Như vậy, với những câu trả lời của Honda Việt Nam thì đơn vị này hoàn toàn vô can trước tình trạng giá xe nhảy múa mỗi dịp cuối năm.

Cơ quan chức năng bất lực, Honda Việt Nam vô can, vậy ai là người tiếp tay cho giá xe máy Honda tăng “phi mã”, ai sẽ chịu trách nhiệm cho tình trạng này? Câu trả lời, cuối cùng vẫn lại đổ về người tiêu dùng- ngoan ngoãn và chấp nhận sự vô lý kéo dài trong suốt nhiều năm qua.

Bạn đang đọc bài viết Xe máy Honda loạn giá cuối năm, cơ quan chức năng 'bất lực'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới