Chủ nhật, 24/11/2024 08:39 (GMT+7)
Thứ tư, 09/02/2022 13:00 (GMT+7)

Xu hướng cạnh tranh của doanh nghiệp hậu Covid là kỹ năng người lao động

Theo dõi KTMT trên

Trong năm 2022, nâng cao kỹ năng cho người lao động là xu hướng cạnh tranh đường dài cho các doanh nghiệp, trong đó kỹ năng sức mạnh, kỹ năng chiến thuật và kỹ năng công nghệ là 3 trụ cột chính trong chiến lược phát triển.

Các cách thức vận hành doanh nghiệp đã bị Covid-19 làm thay đổi nhằm thích ứng với bối cảnh làm việc từ xa hoặc kết hợp trực tiếp – trực tuyến. Các doanh nghiệp có nhiều cách tổ chức công việc đa dạng, công bằng và toàn diện hơn nhằm nâng cao năng suất làm việc. Tất cả sự thay đổi này tác động đến nhân viên và khả năng vượt trội của họ, đặt ra yêu cầu người lao động cần thay đổi liên tục cả trong ngành và nơi làm việc.

Báo cáo "Xu hướng học tập tại nơi làm việc năm 2022" của Udemy chỉ ra rằng gần 80% giám đốc điều hành và các nhà quản lý cho biết doanh nghiệp của họ đang phải đối mặt với khoảng cách kỹ năng và kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách này trong vòng 5 năm tới.

Xu hướng cạnh tranh của doanh nghiệp hậu Covid là kỹ năng người lao động - Ảnh 1
Xu hướng cạnh tranh của doanh nghiệp hậu Covid là kỹ năng người lao động.

Giám đốc Học tập của Udemy ông Melissa Daimler cho rằng, kỹ năng người lao động luôn là một phần quan trọng ở nơi làm việc và tầm quan trọng của chúng ngày càng cấp thiết hơn khi lực lượng lao động toàn cầu đang hướng đến những thay đổi. Tạo điều kiện cho nhân viên phát triển các kỹ năng liên quan đến giao tiếp, cộng tác và lãnh đạo là chìa khóa để xây dựng một doanh nghiệp năng động và văn hóa công ty mạnh mẽ.

Để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi và tăng cường sức cạnh tranh hậu Covid-19, Udemy xác định 3 trụ cột kỹ năng quan trọng mà các doanh nghiệp cần trang bị cho người lao động là kỹ năng sức mạnh, kỹ năng chiến thuật và kỹ năng công nghệ.

Kỹ năng sức mạnh

Các kỹ năng được yêu cầu nhiều nhất đối với người lao động gồm làm việc theo nhóm, kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, phát triển cá nhân và nâng cao hiệu suất.

Udemy cho rằng không còn hợp lý khi giữ tên gọi "kỹ năng mềm" như thể chúng đại diện cho một số kỹ năng ít quan trọng ở nơi làm việc. Đây là những năng lực cốt lõi mà tất cả nhân viên cần có dù họ đang ở vai trò tài chính, kỹ thuật, hành chính, bán hàng hay tiếp thị… Do đó 2022 sẽ là năm “tạm biệt kỹ năng mềm, mở ra kỷ nguyên của kỹ năng sức mạnh”.

Bất kể người lao động của các doanh nghiệp làm việc ở đâu: văn phòng, bệnh viện, cơ sở sản xuất trung tâm, phòng khách hay trên bãi biển đều cần được trao quyền học tập liên tục. Cơ hội này sẽ xuất hiện nhiều vào năm 2022 và hơn thế nữa.

Đầu tư vào phát triển lực lượng lao động tạo điều kiện giữ chân, tăng năng suất và sự hài lòng của nhân sự trong công việc. Đây chính là sự đổi mới cần thiết để tăng doanh thu cho mỗi doanh nghiệp.

Kỹ năng sức mạnh được hiểu là doanh nghiệp trang bị cho người lao động những kỹ năng không thể thay thế bằng máy móc. Dữ liệu của Udemy cho thấy nhu cầu của nhóm kỹ năng này tăng trưởng lên đến ba con số trong các danh mục năng suất văn phòng, khả năng lãnh đạo, quản lý và sự phát triển cá nhân trong năm 2021.

Cùng với đó, loại kỹ năng đầu tiên được kể đến là giao tiếp và làm việc theo nhóm. Sự phát triển của hình thức làm việc từ xa xuất hiện từ năm 2020 đã đưa đến những bước tiến và cho thấy những nhược điểm của các cuộc họp trực tuyến. Bộ não của con người bị choáng ngợp khi phải nhìn chằm chằm vào màn hình cả ngày.

Trong bối cảnh đó, các nguyên tắc cơ bản của kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm là điều quan trọng nhất. Theo khảo sát của Udemy, 4 kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả nhất năm 2021, gồm sự chủ động chiếm 250%, sự hợp tác 148%, xây dựng đội ngũ 129%, tư duy phản biện 96%.

Xu hướng cạnh tranh của doanh nghiệp hậu Covid là kỹ năng người lao động - Ảnh 2

Loại kỹ năng thứ hai là khả năng lãnh đạo và quản lý, không chỉ dành cho những nhân viên có chức danh “quản lý" mà dành cho tất cả mọi người. Để người lao động có thể trau dồi kỹ năng này, các doanh nghiệp cần khiến nhân viên cảm thấy gắn bó, trao quyền, được chấp nhận và được đánh giá cao trong công ty của họ.

Các nhà lãnh đạo cần hướng đến tạo ra một nền văn hóa mới khiến nhân viên cảm thấy có thể mang toàn bộ tâm tư và nhiệt huyết vào công việc, tăng ý thức về mục đích công việc của họ.

Với những người lao động năm 2022 tiếp tục làm việc tại nhà, năng suất và sự hợp tác chưa bao giờ là kỹ năng quan trọng cần có như lúc này để có thể giao tiếp và chia sẻ ý tưởng.

Trong đó, Udemy đã khảo sát tìm ra 4 kỹ năng cộng tác mang lại năng suất vượt trội hàng đầu năm 2021 là kỹ năng tin học chiếm 169%; quản lý thời gian chiếm 86%; kỹ năng chia sẻ 76%; Sử dụng PowerPoint 70%.

Khảo sát của Udemy cũng chỉ ra rằng một nhân viên trung bình chuyên nghiệp kiểm tra email của họ 15 lần/ngày và mất 28% thời gian của ngày làm việc để kiểm tra hoặc gửi email.

Cuối cùng là kỹ năng phát triển cá nhân. Hạnh phúc và niềm vui không chỉ xảy ra trong giờ nghỉ của nhân viên, họ mong đợi các công ty tập trung nhiều hơn vào phúc lợi của người lao động.

Theo nghiên cứu của Công ty kiểm toán Deloitte, đối với các nhà lãnh đạo, phát triển cá nhân có nghĩa là mang đến cho nhân viên cơ hội để học các môn học ngoài chức năng công việc hàng ngày của họ. Đây cũng là một gợi ý sáng giá cho các doanh nghiệp trong việc phát triển nhân sự năm 2022.

Kỹ năng chiến thuật

Một cuộc khảo sát của PwC vào tháng 6/2021 cho thấy gần 88% giám đốc điều hành cho rằng công ty của họ đang có doanh thu cao hơn bình thường khi thay đổi mô hình chấp nhận các hình thức làm việc phân tán từ xa.

Để chống chảy máu chất xám, người sử dụng lao động phải tăng gấp đôi cơ hội phát triển nghề nghiệp của tất cả nhân viên. Khi các vị trí tuyển dụng tăng lên, các nhà lãnh đạo không thể để mất các thành viên trong nhóm tạo nên sức mạnh cho công ty, quyết định các vấn đề cốt lõi gồm tài chính, chiến lược tiếp thị, thiết kế sản phẩm và trải nghiệm của khách hàng.

Người lao động được khuyến khích phát triển các kỹ năng chiến thuật để giúp họ xuất sắc hơn trong các chức năng hàng ngày của họ.

Một trong những chiến thuật mang lại hiệu quả hàng đầu cho các doanh nghiệp là kỹ năng làm việc thông minh. Cũng như các kỹ năng máy tính cơ bản từ chuyên môn hóa cao trở thành yêu cầu tối thiểu đối với tất cả mọi người, hiểu biết về dữ liệu đã trở thành ngôn ngữ kinh doanh hiện tại.

Thiết kế là kỹ năng chiến thuật có thể gây ấn tượng đầu tiên với khách hàng. Nếu thiết kế thương hiệu của bạn thiếu sự gắn kết câu chuyện trực quan hoặc trải nghiệm người dùng thì đội ngũ tiếp thị và công nghệ lành nghề nhất trên thế giới cũng không thể giúp bạn giữ chân khách hàng.

Xu hướng cạnh tranh của doanh nghiệp hậu Covid là kỹ năng người lao động - Ảnh 3

Các nhóm thiết kế ngày nay làm việc trên nhiều lĩnh vực trong nghiên cứu người dùng, tiếp thị, khả năng tiếp cận và kiến ​​trúc thông tin để tạo trải nghiệm thu hút khách hàng quay lại.

Cuối cùng là kỹ năng liên quan đến tài chính và kế toán. Từ việc tìm hiểu về việc sử dụng tiền điện tử, lực lượng lao động hiểu biết về tài chính vượt xa đội tài chính. Theo khảo sát của Udemy Business, trong hai năm 2020-2021, 3 kỹ năng tài chính tăng đột biến hàng đầu là tiền điện tử tăng 331%; Giao dịch thuật toán tăng 317; Sổ sách kế toán điện tử tăng 147%.

Kỹ năng công nghệ

Các quyết định về công nghệ của mỗi công ty là chìa khóa để duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài trong tương lai. Trong một cuộc khảo sát, 40% các CEO cho biết các nhà lãnh đạo công nghệ của họ sẽ là động lực chính của chiến lược kinh doanh.

Điện toán đám mây đang là giải pháp công nghệ hàng đầu được các doanh nghiệp lựa chọn. Tương tự như phát triển web, nhiều nhân viên kỹ thuật cần làm quen với các công cụ và quy trình điện toán đám mây. Từ các chuyên gia an ninh mạng đến các nhà khoa học dữ liệu, điện toán đám mây giúp các nhóm kỹ thuật đa chức năng làm việc hiệu quả.

Các kỹ năng về an ninh mạng trở thành yêu cầu cấp thiết khi tội phạm mạng ngày càng trở nên tinh vi hơn. An ninh mạng và cơ sở hạ tầng doanh nghiệp trở thành mối quan tâm đặc biệt khi nhân viên làm việc xa văn phòng hoặc trên các thiết bị cá nhân làm tăng nguy cơ bị tin tặc xâm nhập vào hệ thống dữ liệu chung.

Xu hướng cạnh tranh của doanh nghiệp hậu Covid là kỹ năng người lao động - Ảnh 4

Bất kể kế hoạch phát triển nhân viên của các doanh nghiệp đang tập trung vào kỹ năng công nghệ, kỹ năng chiến thuật hay kỹ năng sức mạnh thì văn hóa học tập nội bộ là lợi thế cạnh tranh của chính doanh nghiệp đó.

Bằng cách xây dựng văn hóa học tập như một khâu tất yếu trong quy trình làm việc, mỗi thành viên của lực lượng lao động được trao quyền sở hữu kinh nghiệm học tập và mở ra các khả năng cho bản thân và cho chính doanh nghiệp.

Người lao động chủ động học tập và áp dụng các kỹ năng mới không chỉ giữ chân nhân viên mà còn là động lực giúp doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh và thích ứng với mọi biến động hiện nay.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xu hướng cạnh tranh của doanh nghiệp hậu Covid là kỹ năng người lao động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới