Chủ nhật, 24/11/2024 10:03 (GMT+7)
Thứ tư, 17/02/2021 08:37 (GMT+7)

Xu hướng chủ đạo của ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh

Theo dõi KTMT trên

Gần 42% doanh nghiệp ngành bán lẻ chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Xu hướng chủ đạo của ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 1
Khách hàng mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong tháng cuối cùng của năm Canh Tý, dịch COVID-19 có diễn biến bất thường ở Hải Dương và Quảng Ninh, rồi lây lan diện rộng ở nhiều tỉnh thành phố trên khắp cả nước. Mặc dù doanh thu mua sắm trực tiếp giảm nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng.

Kết quả khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ cho hay gần 42% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Việc cắt giảm chi tiêu của số đông người lao động khi họ phải nghỉ việc do dịch bệnh bùng phát dẫn tới thu nhập bị giảm sút chính là nguyên nhân tác động và ảnh hưởng tới ngành bán lẻ.

Cộng với đó là những khó khăn nội tại của từng doanh nghiệp như thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng khi đa số nguồn hàng, nguồn nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất đều có xuất xứ từ Trung Quốc... khiến cho không ít doanh nghiệp ngành bán lẻ rơi vào tình trạng khó khăn.

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng xét về mặt dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong ngành này đánh giá lạc quan về triển vọng phát triển với một số xu hướng chủ đạo.

Đầu tiên là xu hướng đẩy mạnh bán hàng đa kênh, tích hợp chặt chẽ từ trực tuyến đến trực tiếp. Theo kết quả khảo sát hành vi tiêu dùng cũng do Vietnam Report tiến hành, trong bối cảnh dịch COVID-19, mọi người phải hạn chế đi lại, tụ tập để phòng chống dịch bệnh, người tiêu dùng đã chuyển đổi kênh mua sắm đối với nhóm các sản phẩm nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu.

Với các nhu yếu phẩm, nếu trước khi có đại dịch, người dân sẽ lựa chọn đi chợ theo các thứ tự ưu tiên lần lượt là chợ truyền thống, trung tâm thương mại và siêu thị rồi mới tới các cửa hàng tiện lợi; thì nay họ sẽ chọn trước tiên là các cửa hàng online, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và siêu thị.

Trong khi đó, nhóm mặt hàng không thiết yếu lại được ghi nhận sự tăng trưởng đột biến qua các kênh bán hàng online thông qua một số nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Chotot... hay thậm chí là đặt hàng trên điện thoại, qua hotline.

Chính vì nắm bắt được hành vi tiêu dùng này, các nhà bán lẻ tại Việt Nam đang tập trung khai thác sâu các kênh trực tuyến, các tiện ích (app) bán hàng đồng thời tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy việc tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử.

Nhờ sự chuyển đổi kịp thời, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, trong đó có cả Lottemart, đã tăng trưởng doanh số bán hàng qua kênh online từ 100-200%, nhất là ở thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Một xu hướng khác của ngành bán lẻ là mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Đây có thể cũng là lĩnh vực sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới đây.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh kém, có nhu cầu vốn lớn. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với các đối tác cùng ngành nghề để tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ quản lý tiên tiến từ các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tài chính, hệ thống và kinh nghiệm thương trường nên dễ giành thị phần thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Mặc dù hoạt động mua bán-sáp nhập có thể sẽ giúp hai bên tham gia đều thu về lợi ích song lợi thế có thể sẽ nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài.

Công nghệ không chạm và thanh toán linh hoạt (không dùng tiền mặt) đã và đang trở thành xu hướng và một phần quan trọng của ngành bán lẻ hiện đại.

Kết quả khảo sát hành vi tiêu dùng của Vietnam Report đã chỉ ra rằng hơn 60% người được hỏi cho biết đã giảm dần việc lựa chọn sử dụng tiền mặt trong thanh toán; đồng thời tăng các hình thức thanh toán qua Internet Banking hay sử dụng ví điện tử.

Xu hướng chủ đạo của ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 2
Nhiều người dân đã chuyển hướng sang 'đi chợ online' thời dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các nhà bán lẻ đã cố gắng và chủ động tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán dựa trên ứng dụng nhằm tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng và phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển các mô hình siêu thị mini cũng là một xu hướng của ngành bán lẻ hiện đại. Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mô hình siêu thị mini đang thể hiện ưu thế giúp người tiêu dùng hạn chế tập trung đông người như các siêu thị lớn hay trung tâm thương mại.

Chính nhờ vào việc di chuyển thuận lợi, khả năng đáp ứng tốt sự đa dạng về sản phẩm hàng hóa đối với các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu nên đa số người tiêu dùng đang giảm dần thói quen mua sắm ở chợ truyền thống; đồng thời, lựa chọn tới các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini. Đây chính là xu hướng mà các nhà bán lẻ đang nghiên cứu, nắm bắt để tập trung đầu tư cũng như tiếp tục đổi mới để tạo trải nghiệm phù hợp hơn cho khách hàng trong tương lai gần.

Ngọc Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Xu hướng chủ đạo của ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới