Chủ nhật, 24/11/2024 07:43 (GMT+7)
Thứ ba, 07/06/2022 15:22 (GMT+7)

Xu hướng chuyển dịch năng lượng và tác động đến Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Dưới tác động của biến đổi khí hậu và khan hiếm nhiên liệu, từ nhiều năm trước, trên thế giới đã bắt đầu diễn ra xu hướng chuyển dịch năng lượng, trong đó đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Lộ trình chuyển dịch năng lượng (CDNL) thế giới:

Các xu hướng chính quá trình chuyển dịch năng lượng (CDNL) trong thập kỷ 2010 - 2020 được thể hiện trong các số liệu dưới đây, theo báo cáo “Fostering Effective Energy Transition” vào tháng 4/2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới:

Xu hướng chuyển dịch năng lượng và tác động đến Việt Nam - Ảnh 1
Hình 1. Các xu hướng chính của CDNL thập niên 2010 - 2020. (Theo Diễn đàn kinh tế thế giới).

Cũng theo báo cáo “Fostering Effective Energy Transition” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, quá trình chuyển dịch năng lượng có thể được chia làm 3 giai đoạn chính sau đây:

- Giai đoạn 1 - Sạch hóa hạ tầng hiện tại.

- Giai đoạn 2 - Đẩy mạnh quá trình CDNL.

- Giai đoạn 3 - Mở rộng phạm vi CDNL.

Giai đoạn 1 có mục tiêu làm sạch hạ tầng năng lượng hiện tại, trong đó tập trung vào giảm thiểu phát thải, tối đa hóa hiệu suất hạ tầng năng lượng hiện tại và chuỗi cung ứng NL hiện hữu. Trong giai đoạn này, LNG được sử dụng như là nhiên liệu chuyển tiếp cho quá trình chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió, ở giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 là sự đẩy mạnh CDNL, trong đó tập trung vào việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, và thay thế các phương pháp tiêu thụ theo hướng sạch hơn, chẳng hạn như điện khí hóa phương tiện giao thông vận tải, cũng như các quá trình tiêu thụ năng lượng sưởi ấm, điều hòa, nấu ăn. Để có thể sử dụng được các nguồn năng lượng sạch, trong đó có năng lượng tái tạo biến đổi như điện gió, điện mặt trời, cần phát triển và vận dụng các hệ thống tích trữ năng lượng.

Giai đoạn 3 là giai đoạn mở rộng phạm vi CDNL, trong đó các giải pháp ở giai đoạn 2 được nhân rộng, bên cạnh đó các sản phẩm năng lượng sạch, như Hydro xanh, Amonia, nhiên liệu tổng hợp được thương mại hóa, tích hợp rộng rãi vào hệ thống năng lượng.

Xu hướng chuyển dịch năng lượng và tác động đến Việt Nam - Ảnh 2
Hình 2. Các giai đoạn chuyển dịch năng lượng.

Theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế, các nhà công nghiệp và các chuyên gia: Trong quá trình chuyển dịch năng lượng như vậy diễn ra song song ba định hướng lớn: Trung hòa cac-bon, phân tán, và chuyển đổi số.

Trung hòa cac-bon:

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng, và vì thế là định hướng mặc định của quá trình CDNL. Dễ dàng nhận thấy mục tiêu của mỗi giai đoạn trong lộ trình CDNL 3 giai đoạn đều hướng tới việc giảm thiểu và trung hòa cac-bon theo mức độ từ thấp đến cao.

Tính phân tán:

Năng lượng tái tạo sơ cấp như gió, mặt trời… vốn có ở khắp nơi. Việc chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo đã, đang và sẽ tạo ra một tỷ lệ lớn nguồn năng lượng trong hệ thống với tính phân tán cao.

Sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi, đặc biệt là điện mặt trời, dẫn đến sự luân phiên thay đổi trong ngày giữa việc tiêu thụ và cung cấp điện của các hộ tiêu thụ có trang bị nguồn năng lượng tái tạo. Đây là một hình thức nhà cung cấp - tiêu thụ (prosumer) có tính phân tán trong hệ thống năng lượng. Cùng với sự phát triển của công nghệ tích trữ năng lượng và xe điện, sự phát triển của các prosumer sẽ ngày càng đa dạng về quy mô, hình thức, và góp phần thay đổi bản chất mô hình kinh doanh trong hệ thống năng lượng mới.

Tính phân tán của các nguồn năng lượng, khi kết hợp với sự phát triển của prosumer sẽ dẫn đến nhu cầu trao đổi, mua bán năng lượng tại chỗ, làm thay đổi vị thế của người dùng điện truyền thống và nâng cao tính xã hội của hệ thống năng lượng.

Chuyển đổi số:

Các công nghệ số hóa đã được áp dụng khá sớm trong ngành năng lượng, so với nhiều ngành khác. Trong thời gian gần đây, với các đặc tính, các yêu cầu của CDNL có liên quan mật thiết đến các công nghệ số, ứng dụng của chuyển đổi số, bao gồm tính phân tán, sự ra đời của nhà cung cấp - tiêu thụ (prosumer), nhu cầu mua bán điện tại chỗ, nhu cầu quản lý các tài sản phi vật lý như tín chỉ cac-bon, tín chỉ năng lượng tái tạo, tính linh hoạt và tính xã hội của hệ thống năng lượng, CDNL đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành năng lượng diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Các công nghệ số hóa - nhất là các công nghệ cảm biến, lưu trữ, phân tích dữ liệu và mạng thông tin, cùng với sự vận dụng các kỹ thuật tự động hóa tương thích là nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số trong ngành năng lượng tạo các kết quả vượt trội so với những tiến bộ từng có trước kia. Ở một tầng cấp cao hơn, chuyển đổi số cùng với các công nghệ đặc thù mới của ngành năng lượng là những thành tố cơ bản và cốt lõi của các mô hình kinh doanh mới trong xu hướng CDNL.

COP26 - Một dấu mốc quan trọng trong xu hướng CDNL toàn cầu:

Gần đây, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, và có tác động ngày càng trầm trọng trên thế giới, Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) - một sự kiện quan trọng hàng đầu về khí hậu, đã diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) từ ngày 31/10/2021 đến 13/11/2021 với gần 200 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Các nước tham gia đã đồng thuận với Hiệp ước Khí hậu Glasgow để đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt ở 1.5 độ C, và hoàn thiện các phần chưa được thống nhất của Thỏa thuận Paris. Một số nội dung quan trọng của Hiệp ước Khí hậu Glasgow được trình bày trong hình sau:

Xu hướng chuyển dịch năng lượng và tác động đến Việt Nam - Ảnh 3
Hình 3. Các nội dung chính của Hiệp ước Khí hậu Glasgow. (Nguồn: TTXVN).

Bên cạnh việc thống nhất với Hiệp ước Glasgow, các nước, các tổ chức tham gia COP26 cũng có nhiều cam kết quan trọng, có ý nghĩa trong việc giảm phát thải, khống chế mức tăng nhiệt. Các cam kết này cùng với sự đồng thuận với Hiệp ước Glasgow đã và sẽ có những tác động trực tiếp đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Một số cam kết điển hình như sau:

Xu hướng chuyển dịch năng lượng và tác động đến Việt Nam - Ảnh 4
Hình 4. Các cam kết quan trọng tại COP26. (Nguồn: TTXVN).

Với tác động của ngành năng lượng trong phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu, những cam kết trên có tác động thúc đẩy rất lớn đối với quá trình chuyển dịch năng lượng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tác động của chuyển dịch năng lượng toàn cầu đến Việt Nam:

Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế từ nhiều năm qua, và nền kinh tế Việt Nam có liên hệ rất mật thiết với kinh tế toàn cầu. Trong ngành năng lượng, từ năm 2015 Việt Nam đã chuyển sang nhập khẩu năng lượng ròng, và có xu hướng gia tăng nhập khẩu năng lượng trong dài hạn, có thể lên đến 33 - 37% năm 2025 và 50 - 58% năm 2035 (theo tính toán của Bộ Công Thương năm 2020).

Theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của tổ chức Germanwatch: Việt Nam là một trong 10 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong vòng 20 năm. Đồng thời, theo báo cáo đánh giá lần 6 (ACR6) vào 8/2021 của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC): Việt Nam cũng là một trong 6 nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do nước biển dâng.

Với nhận thức sâu sắc về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng, trong Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu cần đạt được trong ngành năng lượng, trong đó chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng.

Đặc biệt, Việt Nam đã thể hiện nhận thức và quyết tâm của mình trong việc đối phó với tình hình khan hiếm nhiên liệu và biến đổi khí hậu thế giới qua những tuyên bố và những cam kết đáng chú ý trong COP26, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Đưa ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.

Thứ hai: Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050, trên cơ sở xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của Việt Nam, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Thứ ba: Tham gia cam kết từng bước từ bỏ điện than, ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới, chuyển đổi từ sử dụng điện than sang sử dụng điện từ các nguồn năng lượng sạch.

Thứ tư: Tham gia cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với mức phát thải 2020.

Thứ năm: Tham gia tuyên bố Glasgow của các quốc gia về rừng và sử dụng đất nhằm mục đích ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng, suy thoái đất vào năm 2030. Cam kết không khai thác gỗ từ rừng từ 2030.

Những cam kết này, cùng với các mục tiêu trước đó của Việt Nam, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CDNL tại Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức trong quá trình thực hiện chúng. Việt Nam phải đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao, điển hình là nhu cầu công suất hệ thống điện tăng gấp đôi trong vòng mười năm tới, trong khi đó phải từng bước từ bỏ điện than, không xây dựng các nhà máy điện than mới, đạt trung hòa các-bon vào năm 2050, giảm 30% phát thải metan vào năm 2030 (so với 2020).

Để thực hiện CDNL thành công, đáp ứng các cam kết tại COP26, Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực, trong đó, bước đầu là việc xây dựng một lộ trình CDNL phù hợp tương ứng 3 giai đoạn CDNL, hướng đến việc đổi mới cơ chế chính sách năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển dịch hạ tầng năng lượng hiện tại sang NL sạch. Mặt khác, huy động các nguồn lực công và tư, trong đó bao gồm nguồn vốn, nguồn nhân lực, phát triển nhân lực, công nghệ cho việc chuyển đổi, tích hợp công nghệ mới, phát triển các chuỗi cung ứng tương ứng với các loại hình công nghệ và sản phẩm năng lượng mới.

TRẦN HUỲNH NGỌC

Theo Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Xu hướng chuyển dịch năng lượng và tác động đến Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới