Chủ nhật, 24/11/2024 05:36 (GMT+7)
Thứ ba, 21/05/2019 11:30 (GMT+7)

Xu hướng nông nghiệp sạch

Theo dõi KTMT trên

Thực phẩm bẩn không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Một số xu hướng phát triển nông nghiệp sạch dưới đây, nếu được áp dụng tốt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ sức khỏe con người...

Nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ trên thế giới hiện đang có xu hướng phát triển khá nhanh. Nông nghiệp hữu cơ hay còn gọi canh tác hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ, như: phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương, … tăng độ phì nhiêu cho đất bằng nhóm cây trồng có tác dụng cải tạo đất. Nhấn mạnh vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại, hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh dịch hại.

Xu hướng nông nghiệp sạch - Ảnh 1
Mô hình trồng rau hữu cơ đang ngày càng phát triển. (Ảnh minh họa)

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng là một sản phẩm bổ dưỡng, tươi ngon để phục vụ đời sống người tiêu dùng.

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất duy trì được lâu dài sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Xu hướng này dựa trên việc khai thác hợp lý các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và các chu trình khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, thay vì chỉ hướng đến sử dụng vật liệu tổng hợp từ bên ngoài. Hệ thống này hướng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và làm cỏ bằng biện pháp cơ học.

Với phương thức canh tác làm việc với chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nền nông nghiệp.

Trồng rau thủy canh

Mô hình trồng rau thủy canh thường được định nghĩa là "trồng cây trong nước". Tuy nhiên, do có rất nhiều môi trường tổng hợp được sử dụng để trồng cây nên có thể mở rộng định nghĩa thủy canh là "trồng cây không cần đất". Kỹ thuật trồng thủy canh thật sự đem lại rất nhiều thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Xu hướng nông nghiệp sạch - Ảnh 2

Thuỷ canh giúp rau được cung cấp đủ dinh dưỡng, cách ly với nguồn sâu bệnh, nước ô nhiễm, tránh độc tố. (Ảnh minh họa)

Thủy canh là phương pháp trồng rau sạch mà không cần dùng đất, phù hợp với người dân sống tại thành phố bởi không cần không gian quá rộng, có thể trồng được ngay trên tầng thượng nhiều ánh sáng, không cần đất cát, dễ chia luống và gọn gàng. Các gia đình có thể tự tay trồng, sử dụng dung dịch dinh dưỡng an toàn để có được thực phẩm sạch một cách chủ động.

Để trồng rau thủy canh cần sử dụng vật liệu dạng hộp như hộp xốp, khay nhựa có nắp đậy kín, nilon đen lót hộp, rọ nhựa có đường kính 5cm, giá thể (trấu hun) và dung dịch dinh dưỡng. Đặt thùng thủy canh trực tiếp lên trên nền xi măng, ban công, sân nhà… nơi có ánh sáng mặt trời.

Trồng và sử dụng rau thủy canh là rất tốt, bởi có thể đảm bảo được lượng thực phẩm sạch không nhiễm các chất độc hại, không cần dùng đến thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, nếu chăm sóc rau thủy canh không đúng cách rất dễ dẫn đến tình trạng thừa nitrat khi trồng.

Nuôi lợn, gà thảo dược

Xu hướng nông nghiệp sạch - Ảnh 3

Mô hình nuôi lợn thảo dược cho hiệu quả kinh tế cao và sản phẩm thịt được nhiều khách hàng lựa chọn. (Ảnh minh họa)

Mô hình chăn nuôi lợn, gà bằng các loại cây thảo dược đang trở thành xu hướng và được nhiều người dân áp dụng trong thời gian qua. Thay vì dùng cám công nghiệp, mô hình này thay thế thức ăn cho vật nuôi bằng cám ngô, bỗng rượu, rau xanh và đặc biệt là các loại cây thảo dược quý dùng làm thuốc nam như chè vằng, cam thảo, kim ngân, hoa hồi, quế chi, hoàn ngọc, gừng,… làm thức ăn cho vật nuôi.

Việc dùng thức ăn bằng thảo dược giúp vật nuôi tăng chất đề kháng, miễn dịch với các loại dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm sạch, thơm ngon cung cấp đến người tiêu dùng. Nhờ đó, giá trị kinh tế của các loại vật nuôi này cũng cao hơn.

Mô hình chăn nuôi gà, lợn bằng thảo dược cũng hạn chế việc vật nuôi sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Diệu Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Xu hướng nông nghiệp sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới