Chủ nhật, 24/11/2024 08:15 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/08/2020 06:24 (GMT+7)

Xử lý tội phạm về động vật hoang dã: Bước tiến lớn và lực cản

Theo dõi KTMT trên

Từ năm 2010 đến nay, chỉ có 18/138 vụ vi phạm buôn bán động vật hoang dã bị phát hiện tại cảng biển hoặc sân bay được các cơ quan chức năng bắt giữ và truy tố thành công các đối tượng phạm tội.

Xử lý tội phạm về động vật hoang dã: Bước tiến lớn và lực cản - Ảnh 1
Trong thời gian 5 năm (từ 2013-2017), có khoảng hơn 1.500 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, có hiệu lực đầu năm 2018 đã khắc phục nhiều vấn đề pháp lý còn tồn tại trong giai đoạn trước và nâng mức xử phạt với tội phạm về động vật hoang dã.

Với những quy định nghiêm khắc hơn, Bộ Luật này là căn cứ pháp lý vững chắc và công cụ hữu hiệu để xử lý, ngăn ngừa tội phạm về động vật hoang dã nếu được áp dụng nghiêm túc tại các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, lực cản vẫn còn không ít.

Tác động tích cực

Ngày 28/8, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhận định, Việt Nam đã có những thành tựu và chuyển biến rõ rệt trong công tác đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên vừa có báo cáo “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020”, thể hiện những tác động tích cực của Bộ luật Hình sự sửa đổi và phản ánh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam.

Theo đó, kết quả phân tích 552 vụ án về động vật hoang dã bị xử lý hình sự trong giai đoạn 2015-2020 cho thấy, số lượng các vụ án hình sự về động vật hoang dã đã tăng 44% chỉ trong hai năm 2018-2019, từ thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực.

Tỉ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã và đối tượng có liên quan bị bắt giữ không có nhiều biến động từ năm 2015 đến cuối năm 2019, chiếm khoảng 84,5%. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm 2020, tỉ lệ này đã tăng lên đáng kể, chiếm 97,2% trong số 37 vụ bị phát hiện.

Trong 5 năm (2015-2019), tỉ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã được đưa ra xét xử không biến động nhiều, trung bình mỗi năm chiếm khoảng 73%. Trong đó, công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã năm 2018 có kết quả khả quan nhất với 82/98 vụ án được đưa ra xét xử (gần 84%), chưa kể 19 vụ án phát hiện trong năm 2019 sẽ được xử lý trong thời gian tới.

Mức hình phạt trung bình áp dụng với đối tượng phạm tội trong các vụ án hình sự về động vật hoang dã được phát hiện năm 2018 là 5,29 năm tù. Trong nửa đầu năm 2020, mức án các đối tượng này phải đối diện là 4,49 năm tù.

Đây là kết quả tức thì của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi trong việc quyết định hình phạt với tội phạm về động vật hoang dã, bởi trước đó, năm 2017, thời hạn này chỉ là 1,25 năm tù.

Khoảng 48% các vụ án hình sự về động vật hoang dã trong các năm 2018 và 2019, được đưa ra xét xử có đối tượng bị phạt tù giam, 52% các vụ án còn lại chỉ phải chịu án treo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền. Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng các vụ án có đối tượng bị tuyên án phạt tù đã tăng lên 67,9%.

Giai đoạn 2018-2020, các cơ quan chức năng đã bắt giữ, xét xử và áp dụng hình phạt tù với nhiều đối tượng đóng vai trò quan trọng trong các đường dây buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Đây là điểm sáng tích cực trong công tác đấu tranh chống tham nhũng bởi các đối tượng này đã không thể dùng những đồng tiền bất chính hay dựa vào các mối quan hệ để thoát án tù.

Điển hình, tháng 11/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt Phạm Bá Kim 13 năm tù giam do nuôi, nhốt, tàng trữ, buôn bán trái phép 145 cá thể tê tê Java, 7 kg vảy tê tê Java và 71,4 kg da voi.

Trong vụ án vận chuyển và tàng trữ trái phép 207,3 kg ngà voi vào tháng 1/2020, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội tuyên phạt Trần Thị Tú Anh, Phạm Quyết 12 năm tù giam; Hoàng Thị Hương 10 năm tù giam.

Nỗ lực hơn nữa để vượt qua rào cản

Mặc dù nhiều bước tiến đã được ghi nhận, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để hạn chế đến mức thấp nhất hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên xác định 4 thách thức lớn đang là rào cản với công tác thực thi pháp luật về động vật hoang dã cần phải giải quyết.

Vi phạm động vật hoang dã ở các cửa khẩu là một thách thức lớn nhất. Dù cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ thành công khối lượng lớn động vật hoang dã tại các khu vực này, tuy vậy việc bắt giữ và xử lý đối tượng có liên quan vẫn còn nhiều hạn chế.

Từ năm 2010 đến nay, chỉ có 18/138 vụ vi phạm bị phát hiện tại cảng biển hoặc sân bay là do các cơ quan chức năng bắt giữ và truy tố thành công các đối tượng phạm tội.

Việc bắt giữ và xử lý những đối tượng có liên quan trong các vụ buôn bán, vận chuyển ngà voi, vảy tê tê hay sừng tê giác lớn xuyên biên giới chiếm tỉ lệ thấp do cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thực sự của các lô hàng.

Xử lý tội phạm về động vật hoang dã: Bước tiến lớn và lực cản - Ảnh 2

Bên cạnh đó là sự thiếu minh bạch, không có sự chia sẻ thông tin hoặc không có sự phối hợp nhanh chóng, hiệu quả giữa cơ quan hải quan và lực lượng công an. Nhiều đối tượng buôn bán trái phép động vật hoang dã cũng cho biết đã “bao thầu” những tuyến vận chuyển động vật hoang dã xuyên quốc gia sau khi “lót tay” thành công một số cán bộ tại khu vực cửa khẩu.

Tham nhũng là trở ngại lớn cho nỗ lực thực thi pháp luật về động vật hoang dã. Nhờ có sự tiếp tay của một số cán bộ biến chất, nhiều đối tượng tội phạm đã và đang ngang nhiên thực hiện các hành vi phạm tội mà không lo sợ bị phát hiện, bắt giữ, bị đưa ra xét xử hay phải đối diện với án phạt tù.

Việc thu giữ các sản phẩm động vật hoang dã không mang nhiều ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm nếu những đối tượng cầm đầu trong các đường dây buôn bán không bị bắt giữ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Các mạng lưới tội phạm động vật hoang dã có thể dính líu đến các hoạt động phạm tội khác như trốn thuế, rửa tiền. Do đó, để có cơ sở pháp lý, cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá và có biện pháp vận dụng hiệu quả các quy định có liên quan như các quy định trong lĩnh vực rửa tiền, trốn thuế, hay quy định về tội phạm có tổ chức.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bùi Thị Hà cho rằng cần nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng tham nhũng trong hoạt động xử lý tội phạm động vật hoang dã; tập trung điều tra, xử lý để triệt tiêu các đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép, quy mô lớn thông qua việc bắt giữ và xử lý các đối tượng cầm đầu những đường dây…

Quyết tâm không khoan nhượng với tham nhũng và minh bạch hóa các hoạt động của cơ quan nhà nước là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự móc nối của các đối tượng tội phạm với các cán bộ thoái hóa, góp phần chấm dứt tình trạng tham nhũng trong hệ thống tư pháp Việt Nam.

Để ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã, cơ quan chức năng không nên chỉ dừng lại ở việc tịch thu tang vật mà cần xử lý cốt lõi của vấn đề bằng cách tập trung xác định, bắt giữ các đối tượng đứng sau các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép, từ đó triệt tiêu, xóa bỏ hoàn toàn các đường dây này.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã ghi nhận những nỗ lực điều tra, xử lý các đối tượng cầm đầu, đóng vai trò quan trọng trong các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm để khẳng định liệu những nỗ lực này đã thực sự đủ để làm suy yếu các đường dây tội phạm.

Các cơ quan chức năng cần tập trung theo dõi dòng tiền chuyển đến bên nhận hàng, phương thức liên lạc và cả những đầu mối có khả năng liên quan đến các lô hàng động vật hoang dã quy mô lớn xuyên biên giới.

Ngoài ra, cũng cần xem xét khả năng cho phép cơ quan chức năng thực hiện việc “giám sát giao hàng" - cơ quan điều tra sẽ “ngầm” giám sát chặt chẽ để lần theo manh mối từ bên nhận và bắt giữ các đối tượng có liên quan đến những lô hàng bất hợp pháp.

Bạn đang đọc bài viết Xử lý tội phạm về động vật hoang dã: Bước tiến lớn và lực cản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới