Chủ nhật, 24/11/2024 08:50 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/10/2020 14:17 (GMT+7)

Xuất khẩu 9 tháng: Doanh nghiệp nội vững vàng vượt ‘bão’ COVID-19

Theo dõi KTMT trên

Dù chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 song xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước vẫn giữ nhịp tăng trưởng cao, qua đó hỗ trợ tích cực cho xuất siêu.

Xuất khẩu 9 tháng: Doanh nghiệp nội vững vàng vượt ‘bão’ COVID-19 - Ảnh 1
Xuất siêu sau 9 tháng đạt gần 17 tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, song xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng qua vẫn ghi nhận là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế.

Đáng chú ý, xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của lĩnh vực thương mại khi đạt mức tăng trưởng cao.

Dẫn dắt tăng trưởng

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong 9 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 388,3 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, xuất khẩu của cả nước vẫn giữ được mức tăng 4% và đem về 202,4 tỉ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng xuất khẩu khi đạt 71,4 tỉ USD, tăng mạnh 19,5% và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,0%).

Nếu đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới trước đại dịch COVID-19 thì việc xuất khẩu giữ mức tăng trưởng như 9 tháng vừa qua được đánh giá là điểm nổi bật của Việt Nam.

Nhìn về tổng thể, việc tăng trưởng xuất khẩu những tháng vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã giữ được mức tăng cao ở các thị trường chủ lực.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy đến hết quý 3/2020, cả nước đã có 30 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỉ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 32,2 tỉ USD (tăng 25,9%); gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,5 tỉ (tăng 12,4%); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 18,2 tỉ USD (tăng 39,8%).

Bên cạnh đó, hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Chỉ tính riêng tháng 8, khi EVFTA thực thi một tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỉ USD, tăng 4,65% so với tháng 7. Tiếp đến tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này duy trì đà tăng mạnh, khi tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường này. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7 và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng giữ mức tăng cao. Đơn cử như Hoa Kỳ đạt kim ngạch 54,73 tỉ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 31,75 tỉ USD, tăng 12,4%....

“Việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Đến nay, nước ta đã thực thi 13 FTA với hơn 50 thị trường, trong đó có hầu hết các nền kinh tế lớn nhất của thế giới”, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho hay.

- Thặng dư thương mại sau 9 tháng gần 17 tỉ USD:

Xuất khẩu 9 tháng: Doanh nghiệp nội vững vàng vượt ‘bão’ COVID-19 - Ảnh 2

Hướng tới đích cuối năm

Ở chiều ngược lại, sau 9 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước ước đạt gần 185,87 tỉ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước

Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam sau 9 tháng tiếp tục xuất siêu tới 16,58 tỉ USD, vượt xa so với con số xuất siêu 7,27 tỉ USD của cùng kỳ năm trước.

"Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4,0% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn", đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Từ những kết quả đạt được, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tiến tới con số cao nhất của năm nay, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc, tổng hợp Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, triển khai các Kế hoạch này.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thông tin trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ không ngừng được đổi mới nhằm hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu hàng hóa trong nước.

Hiện cơ quan này đang triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 - 2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Cục Xúc tiến thương mại cũng tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.

Xuất khẩu 9 tháng: Doanh nghiệp nội vững vàng vượt ‘bão’ COVID-19 - Ảnh 3
Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hướng tới các mục tiêu cao nhất trong năm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu mới đây đã phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xây dựng xong phần mềm để triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ 3 đối với 24 thủ tục hành chính (Đăng ký xuất khẩu xăng dầu; Cấp phép tiêu thụ hàng hóa quá cảnh; Cấp phép nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi phục vụ kinh doanh miễn thuế...)

Việc cấp phép các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu trên mạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ doanh nghiệp phải nộp, dễ dàng tra cứu thông tin mọi lúc mọi nơi, tăng hiệu năng của hệ thống, giảm bớt thời gian chờ đợi của doanh nghiệp...

Xuân Quảng

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu 9 tháng: Doanh nghiệp nội vững vàng vượt ‘bão’ COVID-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới