Chủ nhật, 24/11/2024 07:01 (GMT+7)
Thứ tư, 04/10/2023 11:39 (GMT+7)

Yên Bái: Lãng phí tài nguyên đất nhìn từ việc đất nông nghiệp biến thành trạm trộn

Theo dõi KTMT trên

Một trạm trộn bê tông đang được xây dựng khi chưa được cấp phép trên địa bàn xã Thịnh Hưng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường...

Đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc công nhận quyền sử dụng đất để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, trồng cây hàng năm khác, trồng cây lâu năm, trồng rừng… 

Tại Việt Nam, đất nông nghiệp chiếm một phần diện tích lớn trong tài nguyên đất đai của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sự phát triển kinh tế đất nước.

Theo Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác.
Trong đó, đất nông nghiệp khác được sử dụng để xây dựng một số loại công trình như sau: Các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; Nhà kính phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép.

Như vậy, trong nhóm đất nông nghiệp sẽ có đất nông nghiệp khác được sử dụng để xây dựng một số loại công trình và công trình này phải được sử dụng vào mục đích nông nghiệp như chuồng trại, nhà kho, nhà kính… theo quy định của pháp luật đất đai. Nếu xây các công trình không đúng quy định sẽ bị coi là xây dựng trái phép và sẽ bị xử phạt. 

Tuy nhiên, luật định là như vậy, còn thực tế vẫn còn nhiều trường hợp sử dụng đất không đúng theo quy định.

Đơn cử như tại thôn Đào Kiều 1, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có một trường hợp sử dụng đất sai mục đích khi biến đất nông nghiệp thành trạm trộn bê tông. Việc này không chỉ vi phạm vào Luật Đất đai mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Yên Bái: Lãng phí tài nguyên đất nhìn từ việc đất nông nghiệp biến thành trạm trộn - Ảnh 1
Toàn cảnh công trình xây dựng trạm trộn bê tông không phép.

Theo đó, trước đây tại bãi đất thôn Đào Kiều 1, xã Thịnh Hưng là điểm tập kết cát sỏi trái phép. Sau đó, đã được cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm và đã xử lý, đình chỉ hoạt động đối với đơn vị tập kết cát sỏi. Đồng thời hộ lan hành lang đường đã được cơ quan chức năng rào lại hộ lan để tránh tái diễn tình trạng vi phạm.

Thế nhưng, chỉ được một thời gian, một doanh nghiệp lại tiếp tục tháo hộ lan, vận chuyển máy móc, thiết bị về đây lắp đặt, xây dưng trạm trộn bê tông tại khu vực đó khiến người dân sinh sống quanh đây lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường...

Trao đổi với PV, một người dân gần đó cho biết: Tình trạng xây dựng mới diễn ra gần đây, ban đầu chúng tôi cũng không biết họ xây dựng công trình gì, nhưng sau đó khi họ vận chuyển các thiết bị về thì chúng tôi mới biết là họ dựng trạm trộn bê tông.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, sáng ngày 22/9, PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại khu vực trên để ghi nhận vụ việc. Đi từ đầu đường Quốc lộ 2D (giáp với Quốc lộ 70) theo hướng UBND xã Hán Đà khoảng 3 km, có thể thấy rõ một công trình xây dựng, trạm trộn bê tông đang được thi công trên diện tích đất nông nghiệp rộng hàng trăm m2, nằm ngay sát mặt đường Quốc lộ 2D.

Yên Bái: Lãng phí tài nguyên đất nhìn từ việc đất nông nghiệp biến thành trạm trộn - Ảnh 2
Vị trí trạm trộn trái phép nằm ngay sát mặt đường quốc lộ 2D thuộc địa phận xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Tại đây, PV ghi nhận đã có một số công trình xây dựng đang được thi công, các thiết bị đã được lắp đặt cố định như: Cối trộn bê tông, Silo xi măng, phễu cấp liệu hệ định lượng... Ngoài ra, cả một đoạn hộ lan đường đã tự biến mất, các hoạt động san gạt tạo mặt bằng, khoan nhồi cọc bê tông để xây dựng, mở rộng quy mô vẫn diễn ra một cách công khai. 

Yên Bái: Lãng phí tài nguyên đất nhìn từ việc đất nông nghiệp biến thành trạm trộn - Ảnh 3
Hộ lan đường bỗng dưng biến mất không rõ nguyên nhân.

Để thông tin được khách quan, ngày 22/9, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Lương Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc. 

Qua trao đổi, ông Trường cho biết: "Tỉnh Yên Bái cũng đã về rà soát để chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh cho đơn vị này, còn về thủ tục cấp phép thì hiện nay chưa biết như nào. Tiếp nhận thông tin từ Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi Trường, tôi sẽ báo cáo UBND huyện Yên Bình và đầu tuần sẽ tổ chức đi kiểm tra ngay, sau khi có kết quả kiểm tra tôi sẽ trả lời phía tạp chí".

Ngày 2/10, Phóng viên tiếp tục liên hệ lại với ông Trường để trao đổi thông tin về vụ việc trên. Ông Trường cho biết: Sau khi UBND xã Thịnh Hưng xuống kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công đối với đơn vị này. Qua quá trình làm việc, phía doanh nghiệp giải trình thủ tục đã báo cáo UBND huyện Yên Bình, UBND tỉnh Yên Bái để làm hồ sơ nhưng đến thời điểm kiểm tra đơn vị lại không có bất cứ giấy tờ thủ tục xây dựng nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Yên Bái: Lãng phí tài nguyên đất nhìn từ việc đất nông nghiệp biến thành trạm trộn - Ảnh 4
Hình ảnh trạm trộn bê tông được xây dựng không trên diện tích đất nông nghiệp

Vị lãnh đạo UBND xã Thịnh Hưng cho biết thêm, đơn vị xây dựng trạm trộn bê tông trái phép tại đây là Công ty TNHH Đồng Tiến có địa chỉ tại tổ 7, Thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Sau khi lập biên bản, UBND xã Thịnh Hưng đã yêu cầu Công ty TNHH Đồng Tiến phải trả lại nguyên trạng ban đầu với thời gian thực hiện là 15 ngày.

Trước những vi phạm diễn ra công khai, hoạt động xây dựng trái phép giữa ban ngày mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ các vi phạm trên, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm còn tồn tại.

Trả lời với báo giới, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, môi trường không khí có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe con người và tất cả các hệ sinh thái trên trái đất. Con người có thể “nhịn ăn từ 7 đến 10 ngày, nhịn uống từ 2 đến 4 ngày, nhưng chỉ nhịn thở từ 3 đến 5 phút là có thể tử vong”. Sống và làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhất là bị ô nhiễm nặng, con người sẽ bị các bệnh về đường hô hấp (là chủ yếu), làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch và bệnh thần kinh, nguy hiểm nhất là bị bệnh ung thư phổi.

Theo số liệu của WHO thì tổng số người chết bệnh tật (chết non) do ô nhiễm không khí gây ra trên thế giới mỗi năm từ 3,5 đến 7 triệu người. Cũng theo số liệu của WHO tại Việt Nam, ô nhiễm không khí khiến khoảng 50.000 người tử vong mỗi năm và gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 240.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4% - 5% GDP quốc gia, trong đó ô nhiễm không khí trong nhà đóng góp khoảng 50% nguyên nhân gây các bệnh tật chết người đó.

Khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25% do ô nhiễm không khí. Cho nên ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người thầm lặng” và chất lượng không khí là vô cùng quý giá. Việc kiểm soát ô nhiễm không khí xung quanh cũng như không khí trong nhà hiện nay là rất cấp bách.

Theo Luật Đất đai, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng tùy mức độ và hành vi vi phạm. Hoặc bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình.

Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu diện tích đất trái phép dưới 0,5ha. Bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 3ha; phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng nếu diện tích chuyển đổi trái phép từ 3ha trở lên.

Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì bị phạt triền từ 1 – 2 triệu đồng nếu diện tích dưới 0,5ha; phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng nếu diện tích từ 0,5ha đến dưới 3ha và phạt từ 5 – 10 triệu nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên.

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm vừa bị phạt tiền vừa phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên diện tích đất vi phạm đó và nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm có được.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Đỗ Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Yên Bái: Lãng phí tài nguyên đất nhìn từ việc đất nông nghiệp biến thành trạm trộn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới