Chủ nhật, 24/11/2024 08:08 (GMT+7)
Thứ tư, 21/12/2022 13:46 (GMT+7)

10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27); Khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm tại Việt Nam; Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1... là những sự kiện môi trường nổi bật của Việt Nam và thế giới trong năm 2022.

Năm 2022, cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây ra những thiệt hại kinh hoàng trên toàn cầu. Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng giới thiệu 10 sự kiện môi trường tiêu biểu của Việt Nam và thế giới trong năm 2022.

1. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022

Ngày 6/11/2022, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Arab Ai Cập. Tham dự hội nghị có hơn 120 nguyên thủ và 40.000 đại biểu. 

10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2022 - Ảnh 1
Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP27 tại thành phố Sharm El Sheikh, Ai Cập ngày 6/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị COP27 với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động” - nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể. Sau hơn 15 ngày làm việc căng thẳng, Hội nghị lần thứ COP27 đã thông qua Thỏa thuận khí hậu cuối cùng với điều khoản đáng chú ý, nhất là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong khuôn khổ COP27, phái đoàn Việt Nam tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời nghiên cứu triển khai thị trường carbon và chuyển đổi năng lượng. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại COP27, đoàn Việt Nam có 3 nhiệm vụ. Thứ nhất, Việt Nam cùng với các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bàn thảo để đưa các cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế.

Thứ hai, tiếp nối COP26, Việt Nam sẽ tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Thứ ba,Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế đa phương, các doanh nghiệp liên quan chuyển đổi năng lượng, tiếp xúc các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác.

2. Hội nghị các bên tham gia công ước đa dạng sinh học lần thứ 15 

Ngày 19/12, Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15), diễn ra ở thành phố Montreal (Canada), đã thông qua một thỏa thuận lịch sử, mang tên Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, nhằm đảo ngược hàng thập niên tàn phá môi trường, đe dọa các loài động, thực vật và hệ sinh thái trên toàn thế giới, đồng thời đưa các nước vào con đường phục hồi hệ sinh thái.

Thỏa thuận “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal”, bao gồm 4 mục tiêu và 23 chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030. Trong số các mục tiêu toàn cầu này có việc bảo tồn và quản lý hiệu quả ít nhất 30% diện tích các khu vực trên cạn, vùng nước nội địa, ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đối với đa dạng sinh học, các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái. Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết huy động ít nhất 200 tỷ USD mỗi năm từ nguồn công và tư để tài trợ cho thiên nhiên và giảm các khoản trợ cấp có hại cho thiên nhiên ít nhất 500 tỷ USD vào năm 2030.

3. UNESCO phát động Chương trình "Vì một Đại dương không nhựa"

Ngày 10/8, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) chính thức phát động Chương trình “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” năm 2022.

Lượng rác thải nhựa thải ra đại dương có thể tăng gần gấp 3 lần từ 9-14 triệu tấn hàng năm từ 2016 lên đến 23-37 triệu tấn hàng năm vào năm 2040 (UNEP 2021) nếu không có các can thiệp cần thiết và kịp thời.

Chỉ riêng tại Việt Nam, khối lượng rác thải sinh hoạt cũng đang gia tăng nhanh chóng cùng với sự phát triển của xã hội. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), tại Việt Nam khoảng 730.000 tấn rác thải, phần lớn có nguồn gốc từ đất liền, đổ ra đại dương hàng năm (UNEP 2020).

Theo đó, Chương trình nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” do UNESCO triển khai từ năm 2020, với sự hỗ trợ của Quỹ The Coca-Cola Foundation. Sáng kiến Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh phản ánh cam kết của UNESCO trong việc hỗ trợ Việt Nam bảo tồn các hệ sinh thái biển và phát triển đại dương, đóng góp vào việc triển khai Chiến lược quốc gia về Kinh tế biển bền vững, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

4. Khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm tại Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chính thức khởi động Dự án giảm thiểu ô nhiễm. Dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm với ngân sách dự kiến là 11,3 triệu USD.

Dự án gồm ba hợp phần chính: Hỗ trợ xây dựng và thực thi chính sách giảm thiểu ô nhiễm; Nâng cao năng lực cho các bên liên quan để triển khai thành công và duy trì bền vững hiệu quả các sáng kiến tác động tập thể; Triển khai các sáng kiến tác động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2022 - Ảnh 2
Dự án Giảm thiểu ô nhiễm được thực hiện trong 5 năm với ngân sách dự kiến là 11,3 triệu USD.

Theo đó, Dự án Giảm thiểu ô nhiễm do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, có mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại các khu vực mục tiêu thông qua cách tiếp cận tác động tập thể. Hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án thúc đẩy các sáng kiến địa phương và tăng cường năng lực của các đối tác để xây dựng mạng lưới địa phương nhằm giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm trọng điểm tại Việt Nam.

5. Lần đầu tiên, Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển

Sáng ngày 3/11, tại Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Phòng và Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên. 

Tại phiên họp thứ 41 (năm 2021), Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 3 tháng 11 hàng năm là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu.

Năm nay, ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được tổ chức tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh đa dạng sinh học chính là nền tảng để con người xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu về khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân, qua đó giữ gìn hành tinh xanh cho các thế hệ mai sau.

Tại Việt Nam, qua hơn 20 năm, Việt Nam đã được công nhận 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước, trở thành quốc gia có số lượng khu Dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

6. Phát động chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”

Ngày 8/6 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” năm 2022. Chương trình được tổ chức nhằm góp sức của tuổi trẻ Việt Nam vào công cuộc phục hồi rừng đầu nguồn, phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên về vai trò, tầm quan trọng của cây xanh, của rừng, cùng tính cấp thiết của việc trồng, bảo vệ rừng, bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, không khí.

Bên cạnh đó, chương trình nhằm thực hiện thành công Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và mục tiêu trồng mới 100 triệu cây do Trung ương Đoàn xác lập trong giai đoạn 2021-2025.

Trong năm 2022, chương trình dự kiến trồng 50.000 cây trồng mới rừng đầu nguồn (khoảng 40 ha) tại Đắk Lắk và Đắk Nông, đồng thời, vận động trồng thêm 10.000 cây xanh.

7. Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022

Từ ngày 1/1/2022, Luật  Bảo vệ Môi trường năm 2020 bắt đầu có hiệu lực, gồm 16 chương, 171 điều. Theo đó, Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV .

So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật mới có những điểm mang tính đột phá chính. Lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính...

Đặc biệt, Luật  Bảo vệ Môi trường năm 2020 bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

Đây cũng là lần đầu tiên Luật chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp; cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

8. Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2022 với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”

Ngày 17/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2022 với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”.

10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2022 - Ảnh 3
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”.

Tiếp nối chủ đề Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022, chủ đề Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 là “Cùng hành động để thay đổi thế giới”. Qua đó, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường. 

Các thông điệp chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022, gồm: “Rác thải nhựa đang giết chết sinh vật biển”; “Chúng ta từ chối nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy”; “bỏ rác đúng nơi quy định, hành động nhỏ, lợi ích lớn; Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”.

9. Hội nghị quốc tế về "Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu"

Hội nghị quốc tế về "Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu" được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 12-13/5/2022 với sự tham dự của hơn 70 quốc gia; các tổ chức quốc tế, các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ; các chuyên gia, nhà khoa học…

Chủ đề chính của Hội nghị là Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu” tập trung vào 5 chủ đề chính: Phục hồi kinh tế biển xanh hậu Covid-19 và hướng tới nền Kinh tế đại dương xanh và bền vững; Quy hoạch không gian biển và xây dựng các thành phố ven biển và hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; Chống ô nhiễm biển và rác thải nhựa đại dương: Thách thức chính của thế kỷ 21; An ninh khí hậu, giới và khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương và Tài chính cho khí hậu và các đại dương.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi thế giới đang hướng tới hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2022 với chủ đề “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang khẩn trương triển khai các cam kết về khí hậu tại COP26 vừa qua. 

10. Vì một Việt Nam xanh - Chung sức trồng 1 tỷ cây xanh

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Công ty Cổ phần Con Cưng tổ chức Lễ ký kết và Công bố chương trình “Vì một Việt Nam xanh - Chung sức trồng 1 tỷ cây xanh”.

Với khẩu hiệu “Trồng thêm 1 cây xanh là thêm một hành động bảo vệ môi trường”, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi mỗi cơ quan, tổ chức, người dân cùng nhau góp sức tham gia trồng thêm nhiều cây xanh, góp phần xây dựng đất nước ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp.

Trồng cây "Vì một Việt Nam xanh" cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là sửa chữa, khắc phục những sai lầm trong ứng xử với tự nhiên trong suốt thời gian qua, đưa Việt Nam trở thành một tấm gương mẫu mực, một điểm đến hấp dẫn về cuộc sống hài hòa với thiên nhiên trên bản đồ thế giới.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết 10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới