10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2023
Năm 2023 là một năm khó khăn cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung và không ngừng nâng tầm vị thế quốc tế.
Điểm sáng nỗ lực phục hồi kinh tế
Việt Nam đạt tăng trưởng GDP trên 5%. Mức tăng này tuy thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 6,5%, nhưng được các định chế tài chính quốc tế đánh giá là khá cao và tích cực so với nhiều nền kinh tế khác, xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm. Các yếu tố giúp nền kinh tế có khả năng phục hồi bao gồm kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục, nỗ lực giải ngân đầu tư công, vốn FDI cao nhất kể từ năm 2020, dịch vụ trong nước được phục hồi. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đạt 431 tỷ USD, lên mức 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Các hãng truyền thông lớn nhận định với nỗ lực tăng trưởng, Việt Nam đang nổi lên như một đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 619 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 619 tỷ USD, giảm 8.3% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 88.4% kế hoạch cả năm 2023 (trên 700 tỷ).
Trong đó, nhập khẩu ước đạt 296.7 tỷ USD, giảm 10.7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 322.5 tỷ USD, giảm 5.9%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 25.83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10.3 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 20 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu hơn 45.8 tỷ USD.
Tính đến tháng 08/2023, theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, Việt Nam đã tham gia vào 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, FTA giữa Việt Nam và Israel (VIFTA), hoàn tất đàm phán tháng 4 và chính thức ký kết ngày 25/07/2023. Bên cạnh đó, còn ba FTA khác vẫn đang đàm phán là Việt Nam - EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), ASEAN – Canada, và Việt Nam – UAE.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt giá trị lớn nhất từ trước đến nay
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt hơn 461.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này đạt được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ tới các bộ, ngành trung ương và địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc cơ chế, thủ tục... Việc giải ngân nhanh và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đã trở thành động lực quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 4 lần giảm lãi suất điều hành
Năm 2023, khi loạt ngân hàng trung ương trên thế giới như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed),… thắt chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực kéo lạm phát về mức mục tiêu. Trong đó, Fed có 4 lần tăng lãi suất quỹ liên bang (Fed funds rate) so với cuối năm 2022, lên biên độ từ 5.25 - 5.5%, cao nhất trong vòng 22 năm.
Ngược lại, Việt Nam thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 quyết định giảm lãi suất điều hành liên tiếp. Mức giảm từ 0.5 - 1.5 điểm phần trăm, vào các tháng 3, 4, 5 và 6; đưa lãi suất tái cấp vốn từ 6% xuống 4.5% và lãi suất tái chiết khấu từ 3.5% xuống 3%.
Chính thức phê duyệt Quy hoạch điện 8
Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 500 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8).
Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch điện 8 đã xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, và nhu cầu vốn đầu tư.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD.
Định hướng giai đoạn 2031-2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2-523,1 tỷ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.
Lập kỷ lục đưa vào sử dụng 475 km đường cao tốc trong một năm
Việc hoàn thành 14 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc của cả nước lên 1.892 km. Kết quả này góp phần hiện thực hóa một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Lễ khởi công 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ngay ngày đầu tiên của năm đã mở màn cho việc khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác.
Hãng xe Việt "cắm cờ" trên sàn chứng khoán Mỹ
Sau hai lần lỡ hẹn, dưới sự hậu thuẫn về tài chính của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng tập đoàn Vingroup, VinFast đã chính thức trở thành hãng xe điện toàn cầu. Tháng 8/2023, VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq tại Mỹ với mã niêm yết VFS.
Hãng xe của tỷ phú Vượng đang là một trong 4 nhà sản xuất ô tô điện có giá trị vốn hoá lớn nhất toàn cầu. Trong năm, VinFast bán hơn 20.000 xe điện. Hiện, thị trường chính vẫn đang ở Việt Nam.
Giảm 2% thuế VAT từ 1/7
Quốc hội đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% từ ngày 1/7 đến cuối năm 2023. Thuế VAT được giảm về 8%, từ mức 10%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Quá trình thảo luận trước đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế VAT, tức áp dụng với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Một số ý kiến khác muốn nâng mức giảm thuế lên 3-5% và kéo dài thời gian thực hiện chính sách này đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói đây là biện pháp tức thời và giảm trong 6 tháng là phù hợp, cân đối với ngân sách. Do đó, không mở rộng giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%.
Ước tính, ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.
Hơn 200 nghìn doanh nghiệp thành lập và quay lại hoạt động
Trong năm nay, cả nước có 201,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kì năm trước; bình quân 01 tháng có 18,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Đồng thời, có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 549,1 nghìn tỉ đồng, bằng 75% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2022 bằng 74,9% và tăng 20,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 9,6% (trừ yếu tố giá tăng 7,0%). Tính đến hết tháng 11/2023, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kì năm trước và bằng 68,9% so với cùng kì năm 2019.
Giá vàng miếng liên tục phá đỉnh
Trong tháng 12, giá vàng liên tục phá đỉnh lịch sử. Từ đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng hơn 13 triệu đồng, tương đương mức tăng 20% - gấp 4 lần gửi tiết kiệm ngân hàng. Giá vàng vượt 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Nhiều phiên giao dịch vàng miếng tăng tới 2 triệu đồng/lượng, với 10-15 lần được các "nhà vàng" điều chỉnh giá.
Vàng nhẫn cũng không kém vàng miếng khi mức tăng khoảng 19-20%.
Giá vàng thế giới hiện vẫn neo quanh 2.050 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, vàng quốc tế thấp hơn gần 20 triệu đồng so với vàng miếng và kém 3,5 triệu đồng so với vàng nhẫn.
Vàng miếng SJC vốn là thị trường đặc biệt khi nguồn cung độc quyền bởi nhà nước và nguồn cung không đổi trong suốt chục năm qua. Sự biến động giá vàng miếng phụ thuộc nhiều vào lực mua bán của các nhóm nhà đầu tư và không có sự liên thông với thế giới.
Trên đây là 10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2023 do Tạp chí Kinh tế Môi trường bình chọn.
Anh Thư