Chủ nhật, 24/11/2024 08:39 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/05/2019 07:00 (GMT+7)

21 triệu thẻ ATM chuyển sang thẻ chip, khách có mất phí?

Theo dõi KTMT trên

Theo lộ trình, trong năm nay các ngân hàng thương mại sẽ chuyển đổi 30% lượng thẻ ATM sang công nghệ thẻ chip, tương đương khoảng 21 triệu thẻ đang hoạt động.

Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn về lộ trình trong việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM trên thị trường hiện nay sang công nghệ thẻ chip mới. Theo đó, trong năm 2019, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải chuyển đổi 30% lượng thẻ ATM sang công nghệ thẻ chip. Dự kiến đến hết năm 2021, toàn bộ thẻ trên thị trường sẽ sử dụng công nghệ thẻ chip mới.

7 ngân hàng chiếm 70% lượng thẻ trên thị trường

Tại buổi trao đổi thông tin mới đây, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay, hiện tại các ngân hàng thương mại đã phát hành lũy kế khoảng 130 triệu thẻ ATM. Tuy nhiên, số lượng thẻ thực tế đang hoạt động có thể chỉ vào khoảng 70 triệu thẻ.

Theo đó, với văn bản chỉ đạo của NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại hoàn thành chuyển đổi 30% lượng thẻ trong năm nay, ước tính sẽ có khoảng 21 triệu thẻ ATM phải chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip.

Vị lãnh đạo Napas cũng cho hay, việc áp dụng tiêu chuẩn công nghệ thẻ chip sẽ hạn chế tình trạng Skimming (đánh cắp thông tin làm thẻ giả mạo), hay các giao dịch gian lận của các cá nhận, tổ chức nước ngoài với tài khoản, thẻ ngân hàng. Ngoài ra, việc áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip giữa các tổ chức tín dụng và đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán sẽ mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng từ tốc độ thanh toán cho tới bảo mật thông tin.

21 triệu thẻ ATM chuyển sang thẻ chip, khách có mất phí? - Ảnh 1
Ước tính, khoảng 21 triệu thẻ ATM sẽ chuyển sang công nghệ thẻ chip trong năm nay.

Dữ liệu từ các quốc gia đã thực hiện chuyển đổi thẻ từ sang công nghệ thẻ chip cũng cho thấy tỷ lệ giao dịch giả mạo, gian lận đã giảm rất mạnh so với trước chuyển đổi.

Ông Minh cũng cho biết, hiện tại có 7 ngân hàng thương mại đang phối hợp với Napas để triển khai lộ trình chuyển đổi. Trong đó, những ngân hàng đang tham gia đều là những nhà băng có số lượng thẻ phát hành rất lớn gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank và ABBank.

Ước tính, 7 nhà băng này hiện chiếm khoảng 70% số lượng thẻ ATM trên thị trường.

Khách có mất thêm phí?

Câu chuyện phí chuyển đổi được rất nhiều khách hàng quan tâm bởi thực chất chi phí để sản xuất một chiếc thẻ chip cao hơn khá nhiều so với thẻ từ thông thường. Ông Minh cho biết hiện tại chưa có văn bản chính thức nào của các bên về quy định liên quan đến phí chuyển đổi. Tuy nhiên, trong các cuộc họp ban chỉ đạo, các bên vẫn đang giữ quan điểm rằng ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm chuyển đổi thẻ cho khách hàng.

“Mỗi ngân hàng sẽ có chính sách riêng, nhưng Napas tin tưởng rằng các ngân hàng sẽ có chính sách đặc biệt cho chuyển đổi để hỗ trợ thị trường, khách hàng” - vị lãnh đạo nói.

Ngoài ra, quan điểm của NHNN là khách hàng không phải chịu thêm chi phí nào cả và các tổ chức phát hành sẽ là bên chịu chi phí phát sinh trong quá trình chuyển đổi thẻ này.

Vị lãnh đạo Napas cũng cho hay thực chất chi phí làm phôi thẻ mới rất rẻ, chỉ chiếm khoảng 2-3% chi phí phát hành thẻ. Vì vậy, chi phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sẽ không qua cao như việc phát hành một thẻ mới thông thường.

Nhiều ngân hàng thương mại tham gia lộ trình chuyển đổi này cho biết, quy định hiện nay là khách hàng sẽ không mất thêm khoản phí nào khi chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Tuy nhiên, đại diện một ngân hàng cho biết hiện tại lộ trình chuyển đổi này đang được bàn bạc và tính toán, vì vậy chưa có quyết định cụ thể về phí chuyển đổi.

Vị này cho biết dự kiến đến ngày 28/5 tới các ngân hàng thương mại mới bắt đầu phát hành ra thị trường thẻ ATM làm bằng công nghệ thẻ chip. Vì vậy, việc xây dựng lộ trình và chi phí chuyển đổi vẫn đang được ngân hàng bàn bạc và sẽ công bố cụ thể tới khách hàng.

Theo Zing.vn

Bạn đang đọc bài viết 21 triệu thẻ ATM chuyển sang thẻ chip, khách có mất phí?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới