Chủ nhật, 24/11/2024 08:14 (GMT+7)
Thứ tư, 11/09/2019 09:57 (GMT+7)

3 triệu USD để bảo vệ các loài nguy cấp tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Đó là nguồn vốn ODA (vốn "Hỗ trợ phát triển chính thức") dành cho chương trình bảo tồn các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GWP) tài trợ trong giai đoạn 2019 - 2022.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo tăng cường quan hệ đối tác về bảo tồn các loài nguy cấp và khởi động Dự án "Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam"(WLP), do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức ngày 10/9 tại Hà Nội.

3 triệu USD để bảo vệ các loài nguy cấp tại Việt Nam - Ảnh 1
Hội thảo tăng cường quan hệ đối tác về bảo tồn các loài nguy cấp tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết: Dự án WLP nằm trong Chương trình “Hợp tác toàn cầu về bảo tồn vì sự phát triển bền vững” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ và Ngân hàng Thế giới là cơ quan điều phối chung với sự tham gia của 19 quốc gia ở Châu Phi và Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Dự án do Bộ TN&MT chủ trì thực hiện từ nay đến năm 2022, nhằm mục tiêu bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai khác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên.

Mục tiêu này được thực hiện thông qua ba nội dung chính: Hoàn thiện các quy định chính sách, pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng; Tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật và các cơ quan quản lý bảo tồn; Tăng cường quan hệ đối tác và mở rộng quy mô, thể chế hóa các chiến dịch thay đổi hành vi, giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp.

3 triệu USD để bảo vệ các loài nguy cấp tại Việt Nam - Ảnh 2
Rùa biển được lực lượng chức năng thu giữ khi các đối tượng đang vận chuyển để buôn bán.

Các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu mà chương trình GWP hướng tới bao gồm: Voi, tê giác, các loài thú họ mèo lớn và các loài nguy cấp theo ưu tiên của từng quốc gia, ở Việt Nam là tê tê, các loài bò sát, rùa và chim.

Theo các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, cam kết quốc tế và khu vực như: Mạng lưới thực thi pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã Đông Nam Á; Tuyên bố London, Kasane về chống buôn bán các loài hoang dã; Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương về việc tăng cường các nỗ lực hợp tác chống nạn buôn bán trái phép và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã.

Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới như ký Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn buôn bán sừng tê giác với Nam Phi; Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ, trong đó coi tội phạm về động vật hoang dã là một loại tội phạm nghiêm trọng; Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương gồm 12 quốc gia thành viên, trong đó, Chương Môi trường quy định các nước cam kết thực thi đầy đủ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và có các biện pháp phù hợp để chống buôn bán trái phép các loài hoang dã…

Nhìn nhận một cách thực tế, dù đã rất nỗ lực từ chính sách và hành động nhưng hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam liên tục bị suy giảm. Tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra những mối đe dọa lớn tới đa dạng sinh học cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, dự án WLP được thực hiện sẽ giúp Việt Nam tăng cường khung chính sách, pháp lý và nâng cao năng lực thực hiện pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp của Việt Nam.

Theo thống kê của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao. Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, cập nhật tháng 7/2019, số lượng loài từ mức sắp bị đe dọa trở lên phân bố ở Việt Nam là 700 loài. Công tác kiểm kê loài năm 2016 đề xuất đưa 1.211 loài vào Sách đỏ cập nhật, bao gồm 600 loài thực vật và nấm, 611 loài động vật, gia tăng nhiều so với lần đánh giá năm 2007.

Phúc Thanh

Bạn đang đọc bài viết 3 triệu USD để bảo vệ các loài nguy cấp tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới