Chủ nhật, 24/11/2024 05:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/07/2022 15:28 (GMT+7)

45 năm xây dựng và phát triển huyện Sóc Sơn: Bước chuyển mình mạnh mẽ

Theo dõi KTMT trên

Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, huyện Sóc Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị để sớm trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô.

Phát triển đô thị nghìn năm văn hiến

Sóc Sơn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời gắn bó mật thiết với các kinh đô cổ của người Việt như: Phong Châu (Phú Thọ), Cổ Loa (Đông Anh) và Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội... Là huyện cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội (giáp ranh với các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên), là địa bàn chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường của Thủ đô.

Thời điểm thành lập huyện cách đây 45 năm, Sóc Sơn có điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng. Giao thông nội huyện thiếu thốn, xuống cấp, hầu như không có đường bê tông nhựa. Diện tích canh tác nông nghiệp lớn, nhưng chủ yếu là đồi núi trọc, đất nông nghiệp bạc màu, thiếu chủ động về tưới tiêu…

Dù vậy, sau gần nửa thế kỷ đi lên cùng Thủ đô và đất nước, đến nay cơ cấu kinh tế của địa phương đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực. Kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, huyện Sóc Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị để sớm trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô.

Ngày 5/7/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 178/QĐ-CP hợp nhất các huyện theo vùng quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phú. Trong đó, hai huyện Đa Phúc và Kim Anh hợp nhất thành huyện Sóc Sơn. Trải qua một số lần chia tách, sáp nhập địa giới hành chính các xã, thị trấn, đến ngày 1/4/1979, huyện Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú chuyển về thành phố Hà Nội, hiện nay có 25 xã và 1 thị trấn.

45 năm xây dựng và phát triển huyện Sóc Sơn: Bước chuyển mình mạnh mẽ - Ảnh 1
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hướng Sóc Sơn trở thành một đô thị của đất nghìn năm văn hiến. 

45 năm xưng danh Sóc Sơn, vùng đất này đã trải qua nhiều thăng trầm và đạt được nhiều thành tựu. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phú và thành phố Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn đã phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hướng Sóc Sơn trở thành một đô thị của đất nghìn năm văn hiến.

Trải qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, TP Hà Nội, cùng tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn đã tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Trong những năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đưa kinh tế xã hội huyện liên tục tăng trưởng, bình quân giai đoạn (2015-2020) tăng 9,64%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Sóc Sơn vẫn đạt 4,96% (cao hơn 1,9 lần so với cả nước và 1,5 lần so với TP.Hà Nội).

Đặc biệt, huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đến nay, 25/25 xã đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí. Đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Cuối năm 2021, huyện Sóc Sơn đã không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020.

Trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn năm 2010-2020, Sóc Sơn đã bố trí gần 4.420 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến năm 2020 đã có 25 xã về đích nông thôn mới, huyện Sóc Sơn có 9/9 tiêu chí đạt chuẩn của bộ Tiêu chí huyện nông thôn mới. 

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn trong 10 năm qua, tháng 4/2021, huyện Sóc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; tháng 10/2021, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ hai) cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.

Phấn đấu trở thành vùng phát triển, đô thị vệ tinh của Thủ đô

Mới đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện Sóc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới”; Huân chương Lao động Hạng Ba (lần thứ hai) và kỷ niệm 45 năm thành lập huyện Sóc Sơn.

Đặc biệt trong buổi lễ long trọng này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá kết quả 45 năm xây dựng và phát triển, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ giải pháp cho địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội chúc mừng thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn đã đạt được. “Đây là niềm vui lớn của huyện Sóc Sơn nói riêng và TP Hà Nội nói chung, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới” - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nhấn mạnh. 

Về phía địa phương, Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu “kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động… Có những tiền đề quan trọng để xây dựng huyện Sóc Sơn đến năm 2030 trở thành vùng phát triển, đô thị vệ tinh của Thủ đô".

Cụ thể hóa mục tiêu trên, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được Huyện ủy Sóc Sơn xác định là tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Đầu tư và chủ động thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp - nông nghiệp sạch, công nghệ cao - du lịch sinh thái.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg năm 2011, huyện Sóc Sơn được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội; bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cũng đã định hướng huyện Sóc Sơn trong tương lai sẽ là một phần quan trọng để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc Hà Nội.

Cũng trong giai đoạn này, Sóc Sơn tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Huyện chủ động đề xuất với thành phố đầu tư các trục hướng tâm và các đường vành đai kết nối đồng bộ hệ thống giao thông quốc gia bằng nguồn vốn đầu tư dự kiến 9.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Sóc Sơn sẽ dành 4.200 tỷ đồng đầu tư các dự án hạ tầng khung, gồm: 6 tuyến đường trong khu đô thị vệ tinh, 3 tuyến đường kết nối đô thị vệ tinh với các vùng lân cận, cụ thể: Dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 3, hoàn thành đường nối đô thị vệ tinh Sóc Sơn với đường Võ Nguyên Giáp (giai đoạn 1)... song song với ưu tiên lập đề án xây dựng mạng lưới cấp thoát nước trên địa bàn, mục tiêu đến năm 2025, đầu tư các trục cấp thoát nước chính khu vực quy hoạch đô thị.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn luôn là cơ sở và nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn phải gắn với phát triển kinh tế của huyện và các xã. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa,kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho TP.Hà Nội.

Những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn sẽ là nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương được xác định trong văn kiện Đại hội lần thứ 12 Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết 45 năm xây dựng và phát triển huyện Sóc Sơn: Bước chuyển mình mạnh mẽ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới