Australia: 6 công ty khai thác than thải 551 triệu tấn CO2
Năm 2018, 6 công ty khai thác than lớn nhất của Australia có liên quan tới 551 triệu tấn CO2 thải vào khí quyển, cao hơn so với tổng lượng khí thải từ tất cả các hoạt động trong nước là 534 triệu tấn.
Ảnh minh họa. Nguồn: WEF |
Theo báo cáo nghiên cứu của Đại học New South Wales (Australia), trong năm 2018, sáu công ty khai thác than lớn nhất của Australia, bao gồm BHP Billiton, Glencore, Yancoal, Peabody, Anglo American và Whitehaven, có liên quan tới 551 triệu tấn carbon dioxide (CO2) thải vào khí quyển, cao hơn so với tổng lượng khí thải từ tất cả các hoạt động trong nước là 534 triệu tấn.
Nếu tính thêm cả lượng phát thải của bốn công ty lớn khác là Chevron, Woodside, ExxonMobil và Santos, tổng lượng khí thải lên tới 670 triệu tấn mỗi năm, tương đương với khoảng 75% tổng lượng khí thải toàn cầu.
Tác giả chính của báo cáo, ông Jeremy Moss nói rằng kết quả trên cho thấy rõ một điều là các công ty phát thải lớn phải chịu trách nhiệm về hậu quả của các sản phẩm của họ.
Theo ông Moss, các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch có trách nhiệm đạo đức phải nhanh chóng cắt giảm hoạt động phù hợp với khuyến nghị của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trong đó kêu gọi giảm lượng khí thải toàn cầu xuống 45% so với mức năm 2010 vào năm 2030.
Giám đốc điều hành tập đoàn BHP, Andrew Mackenzie, thừa nhận trách nhiệm nói trên trong một bài phát biểu kêu gọi hành động chống khủng hoảng khí hậu hồi tháng Bảy vừa qua, khi ông cam kết chi 400 triệu USD để phát triển công nghệ cắt giảm khí thải từ không chỉ các hoạt động của BHP, mà từ cả các công ty mua tài nguyên của tập đoàn.
Người phát ngôn của Peabody cho biết công ty thừa nhận biến đổi khí hậu đang xảy ra và việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã gây ra phát thải khí nhà kính, nhấn mạnh rằng công nghệ sẽ rất quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp biến đổi khí hậu.
Tập đoàn Chevron cho biết quản lý khí thải là một phần không thể thiếu trong kế hoạch của tập đoàn này. Chevron đã công bố các mục tiêu giảm cường độ phát thải (lượng phát thải trên mỗi USD thu được) từ các dự án khai thác dầu và khí đốt tự nhiên thượng nguồn từ 5-10% trong năm 2016 xuốn còn 2-5% vào 2023.
Báo cáo của Đại học New South Wales còn trích dẫn một nghiên cứu cho rằng lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn năm 1988-2016. Phát thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong 28 năm, tính đến năm 2016, cao hơn so với mức phát thải của 237 năm trước đó.
Ông Moss cho rằng các công ty phát thải lớn có trách nhiệm bồi thường cho những tác hại do khí thải gây ra ít nhất kể từ năm 1990.
Báo cáo nghiên cứu cũng cho biết nhiều công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn được nêu tên trong báo cáo có lịch sử dài về gây ô nhiễm và vẫn đang nắm giữ trữ lượng lớn nguyên liệu hóa thạch. Chẳng hạn, tập đoàn Glencore năm ngoái đã thông báo sở hữu 6.765 triệu tấn tài nguyên than và 1.565 triệu tấn trữ lượng có thể khai thác thương mại.
Theo ông Moss, việc khai thác tất cả số lượng than trên có thể gây phát thải 15,6 tỉ tấn carbon dioxide, gấp khoảng 29 lần lượng khí thải hàng năm của Australia.