Chủ nhật, 24/11/2024 09:27 (GMT+7)
Thứ hai, 16/12/2019 08:21 (GMT+7)

Australia: Các vụ cháy rừng thải ra 250 triệu tấn CO2

Theo dõi KTMT trên

Tái sinh rừng có thể tái hấp thụ khí thải từ các đám cháy nhưng các nhà khoa học lo ngại “bể chứa” carbon tự nhiên đã bị xâm phạm.

Australia: Các vụ cháy rừng thải ra 250 triệu tấn CO2 - Ảnh 1
Các vụ cháy rừng ở bang NSW đã thải ra khoảng 195 triệu tấn CO2 từ tháng 8. Ảnh: Lauren Dauphin/Nasa Earth Observatory

Các đám cháy ở New SouthWales (NSW) và Queensland đã thải ra một lượng lớn khí CO2 vào khí quyển kể từ tháng 8/2019, tương đương với gần một nửa lượng khí thải nhà kính hàng năm của Australia.

Theo phân tích của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), các đám cháy rừng ở bang NSW đã thải ra khoảng 195 triệu tấn CO2 kể từ ngày 1/8 và các đám cháy ở bang Queensland cũng tăng thêm 55 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2018, tổng lượng khí thải nhà kính của Australia là 532 triệu tấn CO2.

TS. Niels Andela, nhà khoa học thuộc Trung tâm bay không gian Goddard của NASA và cộng sự đến từ Cơ sở dữ liệu hệ số phát thải toàn cầu (GFED) đã cung cấp dữ liệu cho Guardian.

GFED sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh phát hiện các điểm nóng cháy rừng và kết hợp với các ước tính lịch sử về khí thải từ các đám cháy.

Ông Andela nhấn mạnh các ước tính này là không chắc chắn, bởi vì phương pháp này vẫn đang được phát triển, nhưng nó là ứng dụng đang được áp dụng rộng rãi.

Hơn 2,7 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi trong mùa cháy rừng ở bang NSW. Giới chức trách cảnh báo sẽ có nhiều đám cháy xảy ra hơn và khả năng có mưa không cao trong những tháng tới.

Dữ liệu GFED cung cấp trên hệ thống “phát hiện hỏa hoạn” từ các vệ tinh NASA cho thấy sự hình thành và độ lớn của các đám cháy ở bang NSW so với 15 năm trước.

Ông Andela cho biết lượng khí thải CO2 từ các đám cháy ở đồng cỏ và thảo nguyên chỉ được hấp thụ trong một vài năm, nhưng phải mất nhiều thập kỷ để các khu rừng có thể hồi sinh và hấp thụ lại khí CO2. Các đám cháy cũng có thể làm thay đổi thảm thực vật trong hệ sinh thái vốn đang chịu căng thẳng.

Rừng được coi như bể chứa carbon, bằng cách hấp thụ CO2 khi chúng phát triển và lưu trữ nó dưới dạng carbon trong các nhánh và đất.

TS. Pep Canadell thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO), Giám đốc điều hành của Dự án Carbon toàn cầu (GCP) cho biết: “Các vụ cháy rừng thực sự là điều đáng lo ngại. Chúng ta không thể đảm bảo rằng lượng khí carbon thải ra khí quyển sẽ được hấp thụ lại bằng cách trồng lại rừng, đặc biệt là ở Australia dưới tác động của biến đổi khí hậu”.

“Điều quan trọng là cần phải hiểu rõ cả hai rủi ro. Đó là khí thải từ các đám cháy và khả năng mất bể chứa CO2 của thảm thực vật trong thời gian dài do sự phục hồi sẽ không được như ban đầu bởi suy thoái”, Ông Canadell nhấn mạnh.

Ông Canadell cho biết: Mức phát thải trung bình dài hạn từ các vụ cháy rừng ở Australia khoảng 380 triệu tấn CO2 mỗi năm, nhưng bang NSW chỉ đóng góp phần nhỏ trong tổng số này. Phần lớn lượng phát thải đến từ Top End - nơi có hàng ngàn vụ cháy rừng xảy ra hàng năm.

“Trung bình hàng năm, khí thải từ NSW đóng góp không quá 5% vào tổng số khí thải trên toàn Australia”, ông Canadell chia sẻ thêm.

Trong báo cáo khí thải nhà kính của Australia, có 340 triệu tấn khí thải từ các vụ cháy rừng hàng năm trên phạm vi cả nước từ năm 2013 - 2017.

Khí thải từ các vụ cháy rừng được coi là trung tính bởi khi rừng hồi sinh sau đám cháy sẽ hấp thụ một lượng CO2 bằng với lượng khi bị đốt cháy.

Tuy nhiên, ông Canadell cho biết đây “rất có thể là một cái nhìn lạc quan về thế giới”, bởi vì nhiều khu vực bị đốt cháy sẽ không bao giờ phục hồi được trạng thái như ban đầu. Do đó, nó sẽ không bao giờ tích lũy được nhiều carbon như trước đây.

“Trong một số trường hợp, chẳng hạn như vụ cháy ở Tasmania năm 2015, than bùn bị đốt cháy có thể phải mất hàng ngàn năm để thu hồi carbon trong điều kiện khí hậu phù hợp - một giả định không thể xảy ra dưới sự BĐKH nhanh chóng mà chúng ta đang quan sát và dự báo”, ông Canadell cho hay.

GS. David Bowman, nhà sinh thái học về các đám cháy tại Đại học Tasmania, Australia cho biết sự tái sinh của rừng sẽ hấp thụ lại CO2 trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, hạn hán đang diễn ra, kết hợp với BĐKH tạo ra điều kiện bất bình thường.

“Cây chịu áp lực đo hạn hán phục hồi kém hơn - dự trữ cacbohydrat đã cạn kiệt - và trong điều kiện BĐKH, cây phát triển chậm hơn và cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, đồng nghĩa rằng lượng cây ít hơn và mất độ che phủ rừng. Đây là một chu kỳ phản hồi tiêu cực của một bể chứa carbon sinh quyển để trở thành một nguồn carbon” - GS. David Bowman nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Australia: Các vụ cháy rừng thải ra 250 triệu tấn CO2. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới