Thứ hai, 25/11/2024 07:18 (GMT+7)
Thứ năm, 09/02/2023 18:00 (GMT+7)

Bà Rịa – Vũng Tàu: Ban hành kế hoạch ứng phó sự cố vỡ đê, hồ đập

Theo dõi KTMT trên

Nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc chủ động ứng phó sự cố vỡ đê, đập hồ và xả lũ của các hồ chứa thủy lợi, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố vỡ đê, hồ đập và xả lũ của các hồ chứa thủy lợi.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Ban hành kế hoạch ứng phó sự cố vỡ đê, hồ đập - Ảnh 1
Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành kế hoạch ứng phó sự cố vỡ đê, hồ đập.

Theo Kế hoạch này, quy trình xử lý sự cố vỡ đê được thực hiện theo nguyên tắc: Khi có báo động lũ từ cấp I trở lên đối với tuyến sông có đê hoặc khi có báo động lũ từ cấp II trở lên đối với tuyến sông khác, UBND cấp xã nơi có đê phải huy động lực lượng lao động tại địa phương, phối hợp với lực lượng nhân viên trực tiếp quản lý đê điều để tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều; việc hộ đê phải được tiến hành thường xuyên, nhất là trong mùa lũ, bão và phải cứu hộ kịp thời khi đê điều bị sự cố hoặc có nguy cơ bị sự cố; tổ chức, cá nhân phải chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê.

Khi xảy ra sự cố vỡ đê, tùy vào tình hình, mức độ nguy hiểm, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và cơ quan chức năng tổ chức di dời các hộ dân ở trong vùng nguy hiểm, vùng trũng thấp bị đe dọa trực tiếp bởi tác động của dòng chảy do sự cố vỡ đê có khả năng gây ra xói lở làm đổ sập, cuốn trôi nhà cửa, hoặc gây ra ngập lụt để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Địa phương huy động lực lượng liên quan cùng các phương tiện để giúp dân sơ tán nhanh. Trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh để tăng cường lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng tỉnh và các lực lượng khác hỗ trợ; phân công lãnh đạo UBND cấp huyện, thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện trực tiếp xuống địa bàn xã, phường, thị trấn tại khu vực phải di dời dân và các điểm tạm cư để kiểm tra, tổ chức thực hiện kế hoạch chu đáo, an toàn; bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hậu cần, chăm lo đời sống cho người dân... tại nơi tạm cư và bảo vệ công trình, tài sản, nhà ở của dân tại những nơi đã di dời.

Sau đó, các cơ quan chức năng có trách nhiệm triển khai tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, thông tin khẩn cấp cho cấp trên và yêu cầu tìm kiếm cứu nạn; tổ chức đưa người sơ tán trở về nhà an toàn, tổ chức nơi ở tạm cho những người bị mất nhà cửa hoặc nhà cửa bị hư hỏng nặng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm; khẩn trương thống kê, đánh giá tình hình người bị nạn, thiệt hại lúa, hoa màu, vật nuôi, thủy sản (nếu có) và các thiệt hại khác, đề xuất nhu cầu hỗ trợ, cứu trợ và khắc phục; xác định nhu cầu trang bị vật tư, phương tiện cần thiết của địa phương để phục vụ công tác khắc phục hậu quả sự cố vỡ đê; huy động nguồn lực, tổ chức khắc phục và đề nghị cấp trên hỗ trợ khắc phục vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, dọn dẹp nhà cửa, cơ sở hạ tầng: điện, nước, giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, môi trường, khắc phục bồi lấp, sạt lở đồng ruộng và tổ chức khôi phục sản xuất.

Đối với hồ đập, hồ chứa nước, trường hợp xảy ra sự cố có thể gây mất an toàn, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi và chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện phải triển khai cứu hộ khẩn cấp, xử lý khắc phục sự cố, đồng thời báo cáo UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để ứng cứu, hỗ trợ và kịp thời triển khai kế hoạch ứng phó. UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp có trách nhiệm tổ chức việc cứu hộ đập, hồ chứa nước trên địa bàn, tham gia cứu hộ đập, hồ chứa nước cho địa phương khác theo quy định của pháp luật; quyết định theo thẩm quyền biện pháp xử lý khẩn cấp, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai trong trường hợp xảy ra lũ, ngập lụt do sự cố đập gây thiệt hại cho vùng hạ du đập trên địa bàn; trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo kịp thời với UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp trên hoặc Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai hỗ trợ, xử lý.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức lập Kế hoạch chi tiết ứng phó khẩn cấp sự cố vỡ đê, đập hồ chứa thủy lợi thuộc nhiệm vụ đã phân công; chỉ đạo, kiểm tra, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố khẩn cấp sự cố vỡ đê, đập hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thuộc thẩm quyền; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, thường xuyên giám sát việc thực hiện đảm bảo an toàn đê, đập hồ chứa nước trên địa bàn; hàng năm có kiểm tra, đánh giá và định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/6.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa – Vũng Tàu: Ban hành kế hoạch ứng phó sự cố vỡ đê, hồ đập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.

Tin mới