Chủ nhật, 24/11/2024 05:26 (GMT+7)
Thứ năm, 05/05/2022 17:00 (GMT+7)

Bà Rịa – Vũng Tàu: Doanh nghiệp vẫn "than khó" với thủ tục hành chính về đất đai

Theo dõi KTMT trên

Tại Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức ngày 28/4, nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai đang khiến cho doanh nghiệp gặp khó.

Triển khai hàng chục năm, dự án vẫn vướng?

Tại hội nghị, ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt - Séc (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho biết, năm 2013, công ty được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng ý cho đầu tư dự án Bến du thuyền Marina, tại phường Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu) với diện tích thỏa thuận là 13.684 m2.

Tuy nhiên, tỉnh chỉ cho thuê đất mà không cho thuê mặt nước. Vậy nên đến nay dự án mới chỉ triển khai được các dịch vụ kinh doanh trên diện tích đất được thuê. Công ty nhiều lần kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xác định loại đất cho thuê và thủ tục thuê đất nhưng đến nay vẫn chưa được hướng dẫn, giải quyết.

“Khi doanh nghiệp chưa được thuê mặt nước dẫn đến hàng loạt các thủ tục pháp lý khác mà cơ quan chức năng không thể giải quyết cho doanh nghiệp như thủ tục cấp phép xây dựng, cấp phép bến thủy nội địa, hoạt động du lịch, công nhận điểm du lịch và nhiều vấn đề khác”, ông Đảo nói.

Ôg Đảo kiến nghị, để dự án hoạt động hiệu quả, cơ quan chức năng cần cho doanh nghiệp thuê diện tích mặt nước để triển khai xây dựng các hạng mục như: Bờ kè bảo vệ, chống sạt lở đất, nạo vét luồng để bảo đảm độ sâu cho tàu thuyền ra vào.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Doanh nghiệp vẫn "than khó" với thủ tục hành chính về đất đai - Ảnh 1
Dự án bến du thuyền Maria từng bị Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện xây dựng nhiều công trình không phép.

Còn ông Đậu Thế Anh, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phản ánh, việc giao và thu hồi đất thuộc dự án Bãi tắm Thùy Vân (TP. Vũng Tàu) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa đồng tình với hình thức và phương án thu hồi đất theo nội dung Quyết định số 2315/QĐ-UBND ngày 13/08/2021 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu....

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã có nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong thủ tục đất đai. Cụ thể, trung bình mỗi quý, Sở TN&MT tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp một lần để lắng nghe ý kiến, báo cáo kết quả hồ sơ vướng mắc đã xử lý và hồ sơ còn tồn đọng, làm rõ nguyên nhân tồn đọng và hướng giải quyết. 

Đến nay, nhiều ý kiến liên quan tới vướng mắc tại các dự án thương mại - dịch vụ và nhà ở như: Trường hợp gia hạn thuê đất của HTX Quyết Thắng; Chuyển hình thức thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê của Công ty TNHH Thương mại -Sản xuất Hoàng Cầm…, Sở đã có văn bản xin ý kiến của Bộ TN&MT để gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đối với những ý kiến, kiến nghị khác chưa giải quyết được, Sở TN&MT tiếp tục ghi nhận và cam kết sẽ tìm hướng xử lý sớm giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng, những khó khăn trong vấn đề đất đai thời gian qua là do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 vẫn còn không ít bất cập. Các dự án đầu tư phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật, khiến cho thủ tục đầu tư phức tạp, rườm rà, mất thời gian cho doanh nghiệp. Chính sách về giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính còn bất hợp lý khi áp dụng vào thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Trong khi đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã kết thúc, nhưng quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 chưa được phê duyệt. Việc sử dụng đất bàn giao về địa phương quản lý cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh 5 năm (2021 - 2025), quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030…

Cần giải pháp bền vững

Trước đó, tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan do Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đã công bố báo cáo khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

Cụ thể, qua báo cáo, doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan. Trong số 10 nhóm thủ tục được đánh giá, hai thủ tục dễ thực hiện nhất đối với các doanh nghiệp là kết nối cấp thoát nước và kết nối cấp điện khi tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với hai thủ tục này thấp nhất, lần lượt là 24,3% và 27,6%.

Trong khi đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai nhóm thủ tục này lần lượt là 50% và 48%, cao nhất trong các thủ tục được đánh giá.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, cho rằng, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính như một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, là giải pháp bền vững, dài hạn mà các doanh nghiệp mong chờ như thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường.

Từ thực tế nghiên cứu, đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng, dư địa cải cách vẫn còn nhiều đồng thời đề xuất cùng với việc cắt giảm thời gian ở mỗi thủ tục cần phải khắc phục được những mâu thuẫn và chồng chéo giữa các lĩnh vực đất đai, xây dựng và môi trường.

Thông tin với báo chí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết, thời gian tới, Tổng cục sẽ đề ra các giải pháp để hoàn thành 100% văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra; ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và gắn với tăng cường phổ biến, tổ chức thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cũng theo bà Mỹ, trong thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã chỉ đạo, kiểm soát tình trạng sốt đất và thực hiện các biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở, góp phần phát triển kinh tế và trật tự xã hội. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý đất đai đã và đang được triển khai khẩn trương. Một số đề án, dự án lớn đã cơ bản hoàn thành để trình theo quy định.

Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, thường xuyên công tác quản lý Nhà nước về đất đai; tăng cường làm việc theo hình thức trực tuyến với các Sở TN&MT để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hàn

Đồng thời, Tổng cục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong quản lý; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan.

Tổng cục tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trong quá trình xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tổng cục tăng cường chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về đất đai và tập trung chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ rà soát các dự án chậm triển khai, chỉ đạo tốt việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện tốt Đề án tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa – Vũng Tàu: Doanh nghiệp vẫn "than khó" với thủ tục hành chính về đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới