Thứ năm, 28/11/2024 01:24 (GMT+7)
Thứ ba, 04/04/2023 06:25 (GMT+7)

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khẩn trương rà soát, quy hoạch 3 loại rừng

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản chỉ đạo về việc rà soát hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.

Sau khi xem xét đề nghị của sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 29/3 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản số 3422/UBND-Vp về việc rà soát hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo văn bản, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê bình Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc không chấp hành thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 32/TB-UBND ngày 13/2/2023.

Đồng thời, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức rà soát hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chịu trách nhiệm về số liệu, diện tích và ranh giới đã rà soát, thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường.

 Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các địa phương khẩn trương có báo cáo kết quả rà soát và thống nhất diện tích hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng theo từng địa phương theo ranh giới đất rừng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khẩn trương rà soát, quy hoạch 3 loại rừng - Ảnh 1
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu (Bà Rịa - Vũng Tàu) có diện tích 11.392 ha.

Cũng trong văn bản, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất rừng, thống nhất diện tích hiện trạng đất rừng theo từng địa phương để phục vụ cho công tác quản lý lâm nghiệp và làm cơ sở phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất lâm nghiệp trong phương án quy hoạch của tỉnh.

Cùng với đó, Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện Phương án khoanh vùng chức năng và phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến từng đơn vị cấp huyện để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh trên cơ sở diện tích hiện trạng đất lâm nghiệp đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống nhất, thời hạn hoàn thành trước ngày 05/4/2023.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khẩn trương rà soát, quy hoạch 3 loại rừng - Ảnh 2
Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có diện tích gần 5.998 ha.

Còn đối với Văn phòng đăng ký đất đai, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu khẩn trương, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thống nhất báo cáo cụ thể các trường hợp chồng lấn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong ranh giới đất lâm nghiệp, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định của quy định pháp luật.

Đối với số liệu diện tích thống kê đất đai năm 2020, yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh diện tích thống kê đất đai theo quy định theo số liệu của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống nhất, thời hạn hoàn thành trước ngày 28/3/2023.

Diện tích rừng của Bà Rịa – Vũng Tàu không lớn. Đất có khả năng trồng rừng là 38.850 ha, chiếm 19,7% diện tích tự nhiên, trong đó đất hiện đang có rừng là  30.186 ha (rừng tự nhiên là 15.993 ha, rừng trồng là 14.253 ha), như vậy còn khoảng 8,664 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hai khu rừng nguyên sinh là: khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu có diện tích 11.392 ha và khu vườn quốc gia Côn Đảo diện tích gần 5.998 ha.

Tài nguyên rừng của Bà Rịa – Vũng Tàu đang có xu hướng giảm, các loại rừng giàu (trữ lượng gỗ trên 180 m3/ha) không còn, rừng trung bình chỉ còn lại 1,5% diện tích có rừng. Trước kia trong rừng có trên 700 loài gỗ, thảo mộc và hơn 200 loài động vật trong đó có nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm nhưng đến nay hầu như các loại gỗ và động vật quý hiếm không còn.

Rừng của Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có tầm quan trọng trong tạo cảnh quan, môi trường, phòng hộ và phát triển du lịch, còn việc khai thác rừng lấy gỗ, nguyên liệu không lớn.

Yến Thanh

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa – Vũng Tàu: Khẩn trương rà soát, quy hoạch 3 loại rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới