Bắc Ninh liên tiếp xử phạt doanh nghiệp vi phạm môi trường
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa xử phạt gần 1 tỉ đồng, tạm đình chỉ hoạt động đối với hai doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê do vi phạm quy định bảo vệ môi trường.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt Công ty giấy Phát Đạt, phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh, với số tiền 476 triệu đồng; Xử phạt Công ty Văn Năng, phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh, với số tiền 500 triệu đồng.
Hai doanh nghiệp trên có hành vi xả nước thải chứa các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên; Không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định.
Các doanh nghiệp cũng bị đình chỉ hoạt động hơn 4 tháng và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, báo cáo gửi về UBND tỉnh Bắc Ninh.
Từ 29/4 đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt hành chính 20 doanh nghiệp, cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường với tổng số tiền gần 8 tỉ đồng.
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục thanh tra, xử phạt nhưng các cơ sở này vẫn ngang nhiên xả nước thải không qua xử lý cũng như thách thức dư luận và các cơ quan chức năng.
Trao đổi với báo chí, ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc xử phạt doanh nghiệp, cơ sở vi phạm thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh nhằm ngăn chặn, tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.
Ông Vương Quốc Tuấn yêu cầu UBND thành phố Bắc Ninh tập trung lực lượng tháo dỡ tất cả các hệ thống xả thải không đúng quy định của pháp luật ra hệ thống công trình thủy lợi và các đường ống lấy nước mặt tại đập Phú Lâm (huyện Tiên Du). Đồng thời, các đơn vị Công an thành phố, phường Phong Khê phải thường xuyên kiểm tra, giám sát không để các hệ thống trên hoạt động trở lại.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm Công nghiệp Phong Khê và Cụm Công nghiệp Phú Lâm đã kéo dài nhiều năm nay. Thời gian gần đây, tình hình ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng nghiêm trọng hơn khi các doanh nghiệp tiếp tục ngang nhiên xả thải gây ngập đường giao thông trong Cụm Công nghiệp Phú Lâm làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, riêng phường Phong Kê (TP.Bắc Ninh) có hơn 245 cơ sở sản xuất giấy. Hiện, nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đây mới xử lý được khoảng 3.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy trong phường này lên đến khoảng 10.000 m3/ngày đêm, hơn gấp 3 lần công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung. Còn tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, lượng nước thải hơn 4.000 m3/ngày đêm nhưng khu xử lý nước thải tập trung chưa hoạt động. Đây chỉ là 2 trường hợp đơn cử trong nhiều nguồn thải khác mà sông Cầu đang phải hứng chịu.
Lời kêu cứu từ sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê
Bên cạnh những lợi ích kinh tế mang lại, sự phát triển của các làng nghề đã làm gia tăng các nguồn gây ô nhiễm môi trường như: Nước thải sản xuất, khí thải phát sinh từ các lò hơi và chất thải rắn công nghiệp. Đáng chú ý, chất thải từ nhiều nhà máy đổ thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê khiến dòng sông này được ví như “dòng sông chết”.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu do các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bộ TN&MT đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị kiểm soát và điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước cống tiêu Đặng Xá hợp lý để đảm bảo dòng chảy và không làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu. Cần dừng ngay việc xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu qua cống tiêu Đặng Xá.
Bộ TN&MT yêu cầu tỉnh Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ và thông tin cho UBND tỉnh Bắc Giang trước khi điều chỉnh cống tiêu Đặng Xá xả nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu.
Về lâu dài, cần phải có giải pháp đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường (nhà máy xử lý nước thải tập trung và hệ thống thu gom triệt để nước thải phát sinh). Nhà máy xử lý nước thải đủ công suất xử lý toàn bộ nước thải phát sinh tại CCN Phong Khê 1, CCN Phong Khê 2, CCN Phú Lâm, làng nghề tái chế kim loại Châu Khê, làng nghề gỗ mỹ nghệ Hương Mạc, Phù Khê, Đồng Quang của thị xãTừ Sơn, làng nghề tái chế giấy Phú Lâm của huyện Tiên Du.
Đồng thời, Tổng cục Môi trường sẽ thanh tra các cơ sở do Bộ TN&MT cấp giấy phép môi trường, các cơ sở còn lại do địa phương thực hiện thanh tra. Đối với các trường hợp không đấu nối nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung hoặc không đóng phí xử lý nước thải, buộc đầu tư công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc dừng hoạt động.
Theo Bộ TN&MT, các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có hoạt động xả nước thải vào sông Ngũ Huyện Khê sớm có lộ trình di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và hoàn thiện hạ tầng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đẩy nhanh đề án chuyển đổi mô hình làng nghề, CCN Phong Khê, CCN Phú Lâm thành trung tâm dịch vụ logistic và thương mại dịch vụ, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài có năng lực làm chủ đầu tư.
Đồng thời thành lập Tổ công tác thường xuyên xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường; lập chuyên án xử lý nghiêm, ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường.
"Để giải quyết tốt vấn đề môi trường, tỉnh cần điều tiết quản lý nguồn nước đầu vào và đầu ra tại Phong Khê. Trong đó, biện pháp quyết liệt là yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải ban đầu, kiên quyết không để các doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê", ông Nguyễn Xuân Thanh - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh chia sẻ với báo chí.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Phong Khê đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để, người dân luôn phải sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sự việc ngập lụt do các nhà máy xả thải vừa qua giống như “giọt nước tràn ly” gây bức xúc trong dư luận.
Đã đến lúc ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh phải vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng tiến hành làm rõ, xử lý khắc phục các sai phạm, trả lại sự yên bình cho Phong Khê.
L.T