Chủ nhật, 24/11/2024 04:57 (GMT+7)
Thứ năm, 09/03/2023 11:15 (GMT+7)

Bán tín chỉ các-bon sao cho được giá?

Theo dõi KTMT trên

Việc mua bán tín chỉ các-bon ở Việt Nam đã manh nha từ vài năm trở lại đây. Do chưa có các quy định cụ thể nên hầu hết các hoạt động mua bán, trao đổi đều thực hiện tự phát theo nhu cầu của bên mua là các tổ chức quốc tế.

Việc mua bán tín chỉ các-bon ở Việt Nam đã manh nha từ vài năm trở lại đây. Do chưa có các quy định cụ thể nên hầu hết các hoạt động mua bán, trao đổi đều thực hiện tự phát theo nhu cầu của bên mua là các tổ chức quốc tế. Để hiểu rõ hơn về những thách thức trong phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu mua - bán tín chỉ các-bon do Việt Nam sản xuất hiện nay và tiềm năng trong tương lai?

Bán tín chỉ các-bon sao cho được giá? - Ảnh 1
Ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Vũ Trung Kiên:

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, sàn tín chỉ các-bon bắt buộc của Việt Nam dự kiến bắt đầu được triển khai vào năm 2027. Hiện tại, về các hoạt động mua bán các-bon tự nguyện tại Việt Nam, qua theo dõi hoạt động giao dịch tín chỉ quốc tế, tôi nhận thấy mức độ mua bán diễn ra khá cầm chừng. Nguyên nhân theo tôi do chính sách và nguồn lực của Việt Nam chưa sẵn sàng.

Bên cạnh tín chỉ các-bon từ rừng đã có giao dịch theo cơ chế riêng, một số đơn vị sản xuất điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, đã thông qua các bên trung gian để đưa tín chỉ năng lượng tái tạo (REC, IREC) sang các sàn giao dịch của Singapore, Thái Lan, Trung Đông.

Theo các dự báo quốc tế, đến năm 2030, cùng với các cam kết giảm phát thải, lượng dầu và nhiên liệu hóa thạch có lẽ giảm rất nhanh do hạn chế cả về nguồn cung, nguồn cầu và các cam kết chính sách. Điều này sẽ tạo sức ép rất lớn cho các nền kinh tế trên toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế tất yếu này. Sức ép này rất mạnh và liên tục trong hàng chục năm tới. Giai đoạn 2035 - 2050, khi thế giới đã dần “thích nghi” với các nguồn năng lượng thay thế, áp lực có thể giảm dần nhưng vẫn phải hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Với các quốc gia là thành viên của Thỏa thuận Paris, trong đó có Việt Nam, nhu cầu mua bán tín chỉ sẽ tăng cao dần theo mức độ thực hiện cam kết giảm phát thải của Chính phủ. Việc triển khai các kế hoạch giảm phát thải ở cấp cơ sở phải tuân thủ theo các mục tiêu nhiều tham vọng và sự siết chặt điều kiện của việc thực thi Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, khi các quy định về thị trường các-bon quốc tế theo Thỏa thuận Paris được thống nhất và những quy định pháp luật về thị trường nội địa của Việt Nam trở nên hoàn thiện hơn, có các công cụ hỗ trợ phù hợp, nguồn cung tín chỉ có thể đa dạng và dồi dào hơn.

Các bên bán tín chỉ của Việt Nam sẽ có lợi bởi khi nhu cầu tăng cao, giá các-bon cũng sẽ tăng. Những cơ sở phát thải lớn có thể sẽ phải mua tín chỉ với giá ngày càng đắt đỏ nếu không thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

PV: Giá tín chỉ của Việt Nam hiện ở mức nào, thưa ông?

Ông Vũ Trung Kiên:

Giá tín chỉ của Cơ chế phát triển sạch (CDM) là CER hiện vẫn ở mức rất thấp 0.3 EUR/CER và giao dịch gần như không có, do chi phí thực hiện dự án quá cao, đôi khi hơn cả doanh thu có thể nhận về. Nhiều dự án CDM cũ không tiếp tục xin cấp chứng nhận, hoặc tìm cách chuyển đổi theo những cơ chế hiện hành.

Mức giá tín chỉ theo các cơ chế tự nguyện trong các ngành cũng khác nhau, dao động lớn. Ngành chăn nuôi của Việt Nam đã từng bán tín chỉ ở mức 2USD/tấn CO2. Dự án REDD+ tại 6 tỉnh bắc Trung Bộ bán cho Ngân hàng thế giới ở mức 5USD. Cũng có dự án bảo vệ rừng, tạo được sinh kế cho người dân và tăng đa dạng sinh học thì bán ở mức 17USD/ tín chỉ. Một số dự án điện mặt trời bán chứng chỉ REC, I-REC ở mức từ 0,5 - 2 USD/ chứng chỉ.

Nguyên nhân là do các ngành khác nhau có các động lực và cơ cấu giá khác nhau, cũng như vị thế của người bán và người mua khác nhau. Nếu Việt Nam chuẩn hóa được theo các tiêu chuẩn của thế giới cũng như tăng được vị thế bán thì có thể tăng được giá bán cao hơn trên các thị trường quốc tế.

Thực tế, doanh nghiệp mới coi đây là nguồn thu thêm bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh chính, chứ chưa ý thức được giá trị của loại hàng hóa tín chỉ này. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục bán không có chừng mực, khi giá tăng cao, có thể không còn “hàng” để bán.

Bán tín chỉ các-bon sao cho được giá? - Ảnh 2

PV: Thách thức đối với Việt Nam để tín chỉ các-bon thực sự trở thành hàng hóa phổ biến trong nước và có thể giao dịch trên thị trường thế giới?

Ông Vũ Trung Kiên:

Theo tôi, những thách thức đó là việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào các dự án. Quá trình theo dõi báo cáo, xác minh (MRV) đòi hỏi tuân thủ các phương pháp luận và cơ chế đánh giá chặt chẽ. Trong khi đó, chi phí chứng nhận để phát hành tín chỉ hiện nay khá cao do phải thuê đơn vị tư vấn từ nước ngoài. Việt Nam cần có nguồn nhân lực đủ kiến thức kỹ thuật để thay thế dần cho các chuyên gia nước ngoài lương cao. Chi phí giảm sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp giảm phát thải, tạo tín chỉ nhiều hơn.

Thách thức nữa là nhận thức của doanh nghiệp và một số cơ quan chức năng với tâm lý chưa cần, chưa nhìn xa cho vài chục năm sau để đảm bảo một tương lai bền vững. Bên cạnh đó, việc giảm phát thải tạo tín chỉ cũng cần có nguồn tài chính lớn, đổi mới công nghệ giảm phát thải. Luật và các quy chế quản lý tài chính từ nguồn này cũng cần được quy định rõ ràng.

Một số cơ chế quốc tế cũng tác động đến thị trường các-bon là cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới (CBAM) mà châu Âu và Mỹ sắp sửa áp dụng. Và Việt Nam cũng cần có sàn giao dịch liên thông quốc tế (CA) để có cơ sở tính toán, bù trừ tín chỉ phát thải giữa các quốc gia với nhau trong tương lai.

Ngoài ra, theo tôi, các giao dịch tự nguyện được bảo vệ và khuyến khích bởi Thỏa thuận Paris nhằm tạo ra một thị trường toàn cầu. Để thúc đẩy hội nhập và nhanh chóng nắm bắt cơ hội, Việt Nam cần chủ động tăng chất lượng dự án và chuyên gia, đảm bảo tín chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không nên tìm cách hạn chế các giao dịch tự nguyện này, mà ngược lại, nên khuyến khích để tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cũng như tạo một "thao trường" cho các doanh nghiệp của Việt Nam được cọ xát, rèn luyện với môi trường và tiêu chuẩn quốc tế. Cần khuyến khích thiết lập bộ quy tắc tự nguyện và sàn giao dịch tự nguyện để chuẩn hóa dần luật chơi, tiến tới tương thích và giao dịch bổ sung được với các sàn giao dịch quốc gia và quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Bán tín chỉ các-bon sao cho được giá?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới