Chủ nhật, 24/11/2024 11:58 (GMT+7)
Thứ năm, 28/05/2020 07:18 (GMT+7)

Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường

Theo dõi KTMT trên

Trước thông tin một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng,... bán hàng nhỏ giọt, thậm chí có cửa hàng treo biển hết xăng dầu khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Nhân Dân, hiện tượng bán hàng nhỏ giọt là có, tuy nhiên chỉ diễn ra ở một vài cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ.

Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường - Ảnh 1
Khách hàng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).

Hoạt động ổn định

Ngày 27/5, khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex, PV Oil trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa (Hà Nội) cho thấy, lượng khách hàng vào mua hàng khá đông, không có hiện tượng thiếu hàng hay bán hàng nhỏ giọt. Tuy nhiên, tại một số cây xăng nhỏ lẻ, nhân viên bán hàng theo định mức, mỗi khách hàng đi xe máy chỉ được đổ 30 nghìn đồng/xe.

Trả lời thắc mắc về hiện tượng bất thường nêu trên, một nhân viên bán hàng thuộc cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Cầu Giấy cho biết, hiện cửa hàng đang rất khó khăn trong việc nhập hàng. Mặc dù chưa cạn kiệt, nhưng lượng xăng còn lại khá ít dẫn đến phải bán nhỏ giọt, giới hạn mức tối đa cho từng người mua.

Không chỉ trên địa bàn Hà Nội, một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa cũng xảy ra tình trạng bán hàng nhỏ giọt, thậm chí có cửa hàng treo biển hết hàng khiến người dân hoang mang, lo lắng. Liên quan tới vấn đề nêu trên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) Cao Hoài Dương khẳng định, PV Oil luôn bảo đảm đầy đủ nguồn hàng cung cấp cho các cây xăng đại lý theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, các đầu mối không thể chịu trách nhiệm về toàn bộ nguồn hàng nhập của những cây xăng đại lý vì các cây xăng này thường không nhập hàng từ một đầu mối mình đứng tên thương hiệu mà lại nhập hàng từ rất nhiều nguồn khác nhau để có lợi nhuận cao nhất.

Theo quy định của pháp luật, đã là đại lý của một đầu mối thì đại lý đó chỉ được phép mua hàng từ đầu mối mà mình đứng tên thương hiệu. Nhưng trên thực tế các đại lý thường chỉ mua 50% đến 70% từ đầu mối mà mình đứng tên, phần còn lại họ linh hoạt để xem nơi nào có giá tốt hơn sẽ nhập hàng. Hiện nay, khi giá xăng dầu có xu hướng tăng cao sau khi các biện pháp giãn cách xã hội do dịch Covid-19 được nới lỏng, lượng hàng đại lý nhập trôi nổi giờ không thể mua được vì các đơn vị cung cấp này găm hàng để chờ tăng giá, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng ở các cây xăng đại lý.

“Mặc dù chúng tôi vẫn đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình nhưng một số đại lý vẫn không đủ hàng để bán. Bởi lẽ, vào thời điểm hiện nay, khi các đại lý không mua được hàng từ bên ngoài lại quay sang đề nghị đầu mối mà họ đứng tên phải tăng lượng bán nhiều hơn bình thường để bù đắp lượng thiếu hụt đó thì chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến này vì việc nhập hàng của đầu mối đều đã có kế hoạch, theo nhu cầu của các cửa hàng, đại lý đăng ký với đầu mối”, ông Cao Hoài Dương lý giải.

Về nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước, đại diện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR) cho biết, trước nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tăng cao, các khách hàng của BSR cũng tăng nhập hàng cho nên đơn vị này đang tăng công suất lên mức cao nhất để đẩy mạnh xuất bán các sản phẩm theo đúng cam kết trong hợp đồng. Đồng thời, BSR cũng tìm cơ hội mua dầu thô với phụ phí thấp, chủ động triển khai các giải pháp sản xuất và giao hàng để cân đối tồn kho hợp lý nhằm tận dụng cơ hội thị trường.

Theo kế hoạch, trong quý II, BSR sẽ sản xuất hơn 1,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Dự kiến từ nay đến cuối năm, BSR mua theo hợp đồng dài hạn trong nước và nhập khẩu khoảng 132 nghìn thùng/ngày, duy trì hoạt động nhà máy an toàn, hiệu quả. Do đó, nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước vẫn đang duy trì ổn định, bảo đảm đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

Xử lý nghiêm vi phạm

Nhìn nhận dưới góc độ quản lý nhà nước, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông khẳng định, tổng nguồn cung xăng dầu phục vụ thị trường trong nước được bảo đảm. Hiện tượng hết hàng tại một số cửa hàng là cục bộ, do nhu cầu tăng mạnh trở lại sau thời gian giãn cách xã hội và tâm lý mua gom, tích trữ trước diễn biến giá xăng dầu có thể tăng mạnh trở lại.

Trước hiện tượng nêu trên, Vụ Thị trường trong nước đã chỉ đạo để bổ sung nguồn hàng cho những chỗ thiếu hụt cục bộ và xử lý nghiêm những cửa hàng, đại lý, thương nhân phân phối, đầu mối không bán hàng chờ tăng giá. Mới đây, Bộ Công thương cũng đã có văn bản gửi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường. Theo đó, Bộ đề nghị các thương nhân chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có phương án về nguồn hàng (từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới.

Trước thông tin về việc một số cây xăng tại một số địa phương như Bắc Giang, Đắk Lắk, Hải Dương, Gia Lai, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa,... phải đóng cửa vì không nhập được hàng hoặc chỉ bán xăng nhỏ giọt, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, đã chỉ đạo Cục Nghiệp vụ tiến hành xác minh thông tin. Kết quả tính đến 12 giờ ngày 26/5 cho thấy, hiện tình hình kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh, thành phố nêu trên cơ bản diễn biến bình thường. Tuy nhiên có một vài trường hợp cá biệt như tại Hải Dương, dù chưa có hiện tượng dừng bán hàng, nhưng có phản ánh về nguồn cung ứng xăng dầu nhỏ giọt, khó lấy hàng, lượng cung giảm.

Tại Gia Lai có hai cửa hàng ở huyện Đăk Đoa đóng cửa chưa rõ lý do. Tại Bắc Giang có hai cây xăng đóng cửa do mất điện, hiện cơ quan điện lực đã có xác nhận về vấn đề này. Tại Đắk Lắk có ba doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa không bán hàng ở huyện Krông Năng. Hiện lực lượng QLTT đang phối hợp cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ theo quy định pháp luật.

Sáng 27/5, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đã có chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra tất cả các địa bàn có phản ánh về tình trạng cửa hàng xăng dầu treo biển “hết xăng”. Qua đó làm rõ việc này do thiếu hay găm hàng. Đồng thời, yêu cầu các vụ, cục chức năng làm việc với doanh nghiệp đầu mối, kiểm tra tại nguồn và hợp đồng giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối, đại lý, theo nguyên tắc bảo đảm cung ứng, lưu thông phân phối hàng hóa.

Hoàng Việt - Minh Dũng

Bạn đang đọc bài viết Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới