Chủ nhật, 24/11/2024 09:00 (GMT+7)
Thứ hai, 02/11/2020 15:31 (GMT+7)

Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải ven biển

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển. Thế nhưng, những năm qua biển Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt với những vấn đề ô nhiễm.

Việt Nam có chiều dài bờ biển là 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Niên giám thống kê Việt Nam (năm 2018), số dân của 28 tỉnh, thành phố có biển là khoảng 47 triệu người, chiếm 49,5% tổng số dân của cả nước. Nhờ vậy, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển.

Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải ven biển - Ảnh 1
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, cùng với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, biển Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt với những vấn đề ô nhiễm.

Việt Nam là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).

Theo các chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác).

Mặt khác, những năm qua, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch trong và nước ngoài. Vì vậy, khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam năm 2020, dự báo khoảng hơn 206 nghìn tấn, trong đó gần 40% xả ra biển.

Nhiều bãi biển đẹp như Vịnh Hạ Long, tại một số đảo như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm..., đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là lượng rác thải nhựa ngày một gia tăng.

Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải ven biển - Ảnh 2
Nhiều bãi biển đẹp đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng. (Ảnh: Hùng Lekima)

Đáng lo ngại, chất thải nhựa có kích thước micro (nhỏ, < 5 mm) hình thành trong quá trình sản xuất, hoặc phân mảnh vật liệu nhựa tồn tại dưới dạng vật chất lơ lửng và trong trầm tích đáy biển rất khó phân hủy, dễ dàng được tích lũy trong chuỗi thức ăn sinh vật gây ra những tác động đáng kể tới các hệ sinh thái biển. Các loại chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ trôi nổi trên biển còn gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt, giảm năng suất đánh bắt thủy sản và gây những tác động đến hệ sinh thái biển khác...

Nhiều hệ sinh thái không có khả năng tự phục hồi

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi đánh giá: Các hoạt động phát triển ở vùng ven biển hết sức sôi động, đa dạng; đôi nơi, đôi lúc có biểu hiện phát triển “nóng,” ưu tiên cho sự phát triển hơn là bảo tồn. Bên cạnh những lợi ích thu được trong ngắn hạn, các hoạt động phát triển gần đây đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đến số phận của các khu bảo tồn biển. Đó là các hoạt động lấn biển, nhận chìm chất thải, xả thải rác, nước bẩn từ các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị ven biển; việc đánh bắt cá bất hợp pháp, chuyển đổi mục đích sử dụng một số đảo, khu vực biển trong phạm vi vùng đệm của các khu bảo tồn biển diễn ra trên phạm vi rộng và ở quy mô lớn chưa từng xảy ra trước đây.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi của các khu bảo tồn biển ở nước ta. Đặc biệt, ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilông vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, lắng đọng và quấn bám vào các rạn san hô ở các khu bảo tồn biển.

Bên cạnh đó, chất lượng các rạn san hô của Việt Nam đang biến đổi theo chiều hướng xấu, ở trạng thái không tốt; đồng thời, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biến đổi đại dương là những thách thức dài hạn đối với các khu bảo tồn biển.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường cho thấy, tài nguyên biển ở nước ta hiện nay đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững; nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày càng gia tăng ở nhiều nơi. Theo ước tính, trên toàn vùng biển nước ta từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang khoảng 40-60% cỏ biển, 70%; rừng ngập mặn đã biến mất và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi.

Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% rạn san hô; 48% rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống thuộc quần đảo Trường Sa.

Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải ven biển - Ảnh 3
Rạn san hô Hòn Yến đang bị đe dọa. (Ảnh: Báo Người lao động)

Cần sự chung tay của cộng đồng

Những năm qua các quy định về bảo vệ môi trường ven biển đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản và nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Đặc biệt Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.

Trao đổi với báo Pháp luật VN, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội nuôi biển Việt Nam cho biết, chúng ta chưa tận dụng được hết lợi thế và tiềm năng tài nguyên biển trong phát triển kinh tế. Ngay trong công tác quản lý còn nhiều bất cập.

Cuối năm 2019, Chính phủ đã có Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, theo đó tăng tính bảo vệ từ cộng đồng, kết hợp vừa khai thác nguồn lợi hải sản, vừa bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên quý giá. Để đạt được mục tiêu, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cần sự chung tay của cộng đồng, nhất là người dân ven biển, đang khai thác và sống dựa vào nguồn lợi biển khơi.

Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, các mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường đã được tính toán rất rõ ràng. Đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon.

Đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy…

Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đã nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng trước vấn đề hành động bảo vệ môi trường biển, đồng thời đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương.

“Chỉ khi rõ người, rõ việc và trách nhiệm ở tất cả các cấp, mới mong môi trường biển được cải thiện”, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam chỉ ra.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải ven biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới