Chủ nhật, 24/11/2024 05:43 (GMT+7)
Thứ tư, 14/09/2022 10:45 (GMT+7)

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Nóng vấn đề rác ở Lập Thạch (Bài 8)

Theo dõi KTMT trên

Lập Thạch là địa phương có lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường tương đối lớn. Bài toán thu gom, xử lý rác thải đang là bài toán cần lời giải…

Ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt

Đầu tháng 8/2022, PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường có mặt tại khu vực Cầu Chui, Tiên Lữ (huyện Lập Thạch) và ghi nhận được hiện trạng một bãi tập kết rác quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Rác thải ở đây chủ yếu là rác thải sinh hoạt được đựng trong các túi nilon hoặc nhét trong bao tải vứt ngổn ngang ngay bên cạnh tuyến đường tỉnh lộ 305.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Nóng vấn đề rác ở Lập Thạch (Bài 8) - Ảnh 1
Rác thải sinh hoạt được tập kết gần khu vực đường tỉnh lộ gây ô nhiễm môi trường.

Mùi xú uế từ bãi tập kết rác khiến người dân sống gần khu vực cũng như người dân lưu thông qua đây đều bức xúc. Không những thế, rác thải còn rơi xuống hệ thống mương tưới tiêu khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Theo khảo sát, ở một số địa phương cũng tồn tại các bãi tập kết rác có tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường và bị người dân nhiều lần có ý kiến.

Theo Báo cáo của UBND huyện Lập Thạch, số lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện trong năm 2021 trung bình 110,54 tấn/ngày, tăng 14,29 tấn/ ngày so với năm 2020. Toàn huyện Lập Thạch có 36 bãi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt tại 20 xã, thị trấn, tổng diện tích là 26.750m2… Tại một số khu vực nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay trầm trọng hơn khu vực đô thị do chưa có mô hình xử lý rác thải tiên tiến, phù hợp. Ô nhiễm chủ yếu đến từ chất thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, trường học, công sở, nơi công cộng.

Việc xử lý rác thải hiện nay trên địa bàn huyện chủ yếu là chôn lấp thông thường và sử dụng các lò đốt chuyên dụng quy mô cấp xã, hầu hết đã quá tải và có nguy cơ gây ô nhiễm trầm trọng về không khí, đất và nước ngầm.

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Lập Thạch có 5 xã là Sơn Đông, Văn Quán, Thái Hòa, Xuân Hòa và thị trấn Lập Thạch đã được UBND tỉnh đầu tư lò đốt rác bằng khí tự nhiên công suất 500kg/ ngày, quy mô xử lý cấp xã.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Nóng vấn đề rác ở Lập Thạch (Bài 8) - Ảnh 2
Rác thải sinh không được thu gom gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, các lò đốt rác chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hiện nay, những lò đốt này được Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo không nên sử dụng vì nhiệt lượng không đảm bảo để xử lý triệt để các chất thải cũng như khí thải phát sinh, không đảm bảo đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường…

Trước tình hình đó, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương mỗi huyện, thành phố trên địa bàn cần đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải riêng để xử lý rác thải trên địa bàn. Theo đó, huyện Lập Thạch được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch theo Quyết định số 3238/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 với mục tiêu xây dựng một nhà máy xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại để xử lý rác thải, chống ô nhiễm môi trường, thu hồi nhiệt năng để sấy rác; sử dụng tro xỉ sau khi đốt để sản xuất gạch không nung phục vụ các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, dự án đang bị người dân ba xã Xuân Hòa, Liễn Sơn và Ngọc Mỹ  kiến nghị di dời.

Dự án bị người dân kiến nghị di dời do nằm lưng chừng núi

Theo thông tin PV nắm được, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đang bị người dân phản đối và kiến nghị di dời đến một địa điểm hợp lý hơn.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Nóng vấn đề rác ở Lập Thạch (Bài 8) - Ảnh 3
Người dân 3 xã Xuân Hòa, Ngọc Mỹ và Liễn Sơn của huyện Lập Thạch kiến nghị di dời dự án đến 1 vị trí thích hợp hơn.

Theo đa số ý kiến người dân cho rằng: Khu vực triển khai xây dựng dự án là lừng chừng núi, đầu nguồn nước của 4 hồ thủy lợi: hồ Thiên Lính (thôn Thành Công, Xuân Hòa) và hồ Suối Vầy, hồ Ao Phai (thôn Đồng Chủ, Xuân Hòa) hồ Đồng Giòn (thôn Ngọc Sơn xã Ngọc Mỹ).

Các hồ nước này cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất cho nhiều thôn của xã Xuân Hòa, Ngọc Mỹ và Liễn Sơn. Đáng nói, các hồ này đều năm trong danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Quyết định 1674 ngày 8/6/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Thứ hai: Do dự án nằm ở lưng chừng núi, khi có gió sẽ thổi khói xuôi về thôn nhiều thôn của xã Ngọc Mỹ nằm bên kia của núi, sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Thứ ba: Từ phạm vi triển khai dự án đến khu vực dân cư là quá gần, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Ngoài ra, theo ý kiến của người dân, việc triển khai dự án xây dựng nhà máy rác tại khu vực dốc Kèo Cài người dân không nắm được, không được hỏi ý kiến là chưa thỏa đáng. Không được tiếp cận với các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến dự án mà bắt buộc phải niêm yết công khai tại nhà văn hóa hoặc trụ sở chính quyền địa phương.

Sáng 8/9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức giao ban công tác báo chí tháng 9 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2022. Trong buổi họp báo, thông tin về dự án nhà máy rác Xuân Hòa cũng đã được đề cập.

Theo đó, việc giao đất để thực hiện dự án sau khi đã thực hiện thu hồi đất, bồi thường GPMB được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 18/11/2021 của UBND tỉnh với tổng diện tích 66.857,0m2 (trong đó diện tích xây dựng Nhà máy là 60.000,0m, diện tích làm đường giao thông vào Nhà máy là 6.857m). Xung quanh khu vực giao đất xây dựng Nhà máy có một số hộ dân đang sinh sống gần nhất cụ thể: Hộ ông Nguyễn Văn Huân (Hương) cách 204,9 m; Hộ ông Đặng Ngọc Dương (Duyên) cách 287m; Hộ ông Ngô Văn Năng (Minh) cách 218,8m; Hộ ông Nguyễn Văn Tuyên (Long) cách 264,5m.

Theo khoản 2.12.4 Khoảng cách an toàn môi trường (ATMT) của trạm trung chuyển chất thải rắn, cơ sở xử lý chất thải rắn (CTR) trong QCVN 01:2021/BXD thể hiện:

Ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh có chôn lấp CTR hữu cơ phải đảm bảo khoảng cách ATMT ≥ 1 000 m. Nhà, công trình chứa dây chuyền xử lý CTR bằng phương pháp sinh học và nhà, công trình chứa lò đốt CTR phải đảm bảo khoảng cách ATMT ≥ 500 m.

Khi cơ sở xử lý CTR bắt buộc phải đặt ở đầu nguồn nước, đầu hướng gió chính của đô thị, khoảng cách ATMT của các công trình phải tăng lên tối thiểu 1,5 lần.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Nóng vấn đề rác ở Lập Thạch (Bài 8) - Ảnh 4
Sáng 8/9 một số vũ khí thô sơ được phát hiện trong xe ô tô của một nhóm người lạ mặt xuất hiện gần khu vực dự án (Ảnh người dân cung cấp).

Liên quan đến câu chuyện xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện nay ở Việt Nam, chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn Kinh tế Môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, với các dự án cần phải tiếp cận được thuyết minh dự án và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì mới có thể đưa ra những đánh giá xác đáng được.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng cần lưu ý vị trí dự án đặt ở đó đã hợp lý hay chưa? Cái này cần phải thể hiện rõ trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thông qua khảo sát, điều kiện, rồi vấn đề thổ nhưỡng, thoát nước ở khu vực ấy như thế nào?

Vấn đề nữa là công nghệ sử dụng trong dự án ra sao. Công nghệ là một trong những vấn đề hiện nay Việt Nam chưa giải quyết được một cách triệt để. Người dân cũng chỉ biết là công nghệ, nhưng còn mức độ hiện đại, tiên tiến của công nghệ, phân hạng công nghệ ở mức độ nào thì ở Việt Nam hoàn toàn mù tịt. Họ cứ nói công nghệ hiện đại, ví dụ như cái ô tô này là công nghệ hiện đại, nhưng so với thế giới nó đứng gần như cuối cùng.

Về công nghệ xử lý rác: Công nghệ đốt rác có thể sinh ra khí thải và xỉ. Đốt rác mà nhiệt độ không đủ cao sẽ sinh ra Dioxin và Furan là hai chất rất độc. Thứ hai đối với công nghệ, khả năng xảy ra sự cố xung quanh chuyện đốt không đủ nhiệt độ, công nghệ xử lý nước thải nếu không đủ hiện đại, không đủ nhân lực có kỹ thuật, vận hành có thể gây ra ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm nước thải đối với các nhà máy rác rất dễ nhận biết, nó là mùi, là màu nên người dân rất dễ phát hiện ra.

Dưới góc độ một chuyên gia về kinh tế môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, việc xây dựng bãi rác hoặc nhà máy xử lý rác là việc tất yếu phải làm ở tất cả các địa phương. Vấn đề là chọn đặt ở đâu, sử dụng công nghệ nào cần phải tính tới để các dự án thực sự mang lại hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Phát hiện vũ khí thô sơ trong xe nhóm người lạ 

Sáng 8/9, người dân gần khu vực dự định triển khai dự án nhà máy rác phát hiện 4 xe ô tô chở người xuất hiện gần khu vực. Khi người dân nhận thấy có dấu hiệu bất thường và kéo tới hỏi chuyện những người đi trên xe ô tô thì 2 trong số 4 xe ô tô đã rời đi. 2 xe còn lại được người dân vây kín. Sau đó lực lượng chức năng có mặt tiến hành kiểm tra phương tiện. Trong đó, phát hiện trong 1 xe ô tô có một số vũ khí thô sơ như dao, gậy ba khúc, gậy bóng chày. Lãnh đạo UBND xã Xuân Hòa xác nhận có vụ việc và cho biết, không biết xe của nhóm người nào và vụ việc đang được công an huyện Lập Thạch xác minh điều tra.

Còn nữa...

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Nóng vấn đề rác ở Lập Thạch (Bài 8). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới