Chủ nhật, 24/11/2024 10:33 (GMT+7)
Thứ năm, 21/11/2019 11:06 (GMT+7)

'Bão' giá nước cao ngất chưa tan, lại lộ đường ống bán nước 'chui' của Sông Đuống

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, sự cố rò rỉ nước từ các đường ống tại khu vực Gia Lâm (Hà Nội) đã lộ diện nghi vấn về hoạt động bán nước "chui" từ Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận, có tình trạng cấp nước không phù hợp với kế hoạch phát triển cấp nước của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.

Cụ thể, cuối tháng 10/2019, một đường ống nước xảy ra sự cố, bị rò rỉ nước lên bề mặt đường tạo thành những vũng nước lớn tại điểm đầu đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) - đối diện Trung tâm thương mại Savico MegaMall. Tuy nhiên, không đơn vị nào nhận đường ống nước này là chủ sở hữu.

Đại diện Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội khẳng định, Công ty đã cho kiểm tra kỹ càng và đường ống vỡ không thuộc hệ thống ống dẫn nước sạch của đơn vị. Đại diện Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống cũng cho biết, đây không phải đường ống trong hệ thống của doanh nghiệp.

'Bão' giá nước cao ngất chưa tan, lại lộ đường ống bán nước 'chui' của Sông Đuống - Ảnh 1
Hiện trường xảy ra sự cố rò rỉ nước từ đường ống tại đầu đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) - đối diện Trung tâm thương mại Savico MegaMall, đêm 28/10/2019. (Ảnh: Báo Dân Việt)

Chia sẻ với báo Dân Việt, đại diện Trung tâm thương mại Savico MegaMall cho biết, phía Trung tâm hiện đang ký hợp đồng mua nước của Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội nhưng lại dùng nước của Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống. Vụ việc này đã khiến Trung tâm thương mại Savico MegaMall bị mất nước trong nhiều ngày.

Theo Quyết định chủ trương đầu tư 3846/QĐ-UBND thành phố Hà Nội ngày 24/6/2017 về phát triển mạng lưới của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống, bao gồm: các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã); Đông Anh (9 xã); Gia Lâm (5 xã). Công ty này hiện chưa có phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho địa bàn quận Long Biên. Với mức giá bán nước tạm tính của Nhà máy nước Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, cao gấp đôi giá nước của các nhà máy khác thì TP Hà Nội có thể sẽ phải bù lỗ giá rất lớn cho Aqua One.

Thực tế, đơn vị này đã thi công, lắp đặt các đường ống cấp nước cho Công ty Cổ phần Savico, Khu công nghiệp Hà Nội – Đài Tư và một số khu vực khác của quận Long Biên theo đường ống truyền dẫn DN800 dọc Quốc lộ 5.

Đây không phải lần đầu việc làm đường ống “chui” để bán nước nằm ngoài kế hoạch của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống bị phát hiện. Trước đó, tháng 5/2019, hàng trăm cư dân khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì) đã phản ánh việc Ban quản lý tòa nhà không hỏi ý kiến cư dân khi tiến hành thi công và thay đổi đơn vị cấp nước.

'Bão' giá nước cao ngất chưa tan, lại lộ đường ống bán nước 'chui' của Sông Đuống - Ảnh 2
Toàn cảnh Nhà máy nước mặt sông Đuống. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, 6 tòa nhà tại Khu đô thị Đại Thanh phải thay đổi từ nguồn cấp nước từ nhà máy nước sông Đà sang sử dụng nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Ban quản lý Khu đô thị Đại Thanh đã tự thi công đấu nối đường ống nước để cho Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống vào thay thế.

Cơ quan chức năng cho biết: “Khi chưa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cung cấp, phát triển vùng phục vụ nhưng đã tiến hành ký thỏa thuận và đào đường, lắp đường ống bán nước là hoàn toàn trái quy định”.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận, có tình trạng cấp nước không phù hợp với kế hoạch phát triển cấp nước của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống. Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành một số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này, đồng thời yêu cầu việc đấu nối hệ thống đường ống nước giữa các đơn vị phải có sự thống nhất để đảm bảo khớp nối đồng bộ, tránh chồng chéo lãng phí.

Nhà máy Nước mặt sông Đuống do Tập đoàn Aqua One đầu tư, được đưa vào vận hành cung cấp nước sạch cho người dân từ tháng 9/2019. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng Bộ Xây dựng chưa hoàn thành nghiệm thu nhà máy.

Nhà máy Nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỉ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm. Dự kiến nhà máy sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Đáng nói, dù chưa được nghiệm thu, Sở Tài chính Hà Nội chưa quyết toán chi phí đầu tư Nhà máy Nước sông Đuống, thì mức giá bán nước của Aqua One cho TP.Hà Nội được tạm tính là 10.246 đồng/m3, cao gấp vài lần giá nước của các nhà máy khác. Trong khi đó, thành phố đang bán nước cho dân là 5.000 đồng/m3 thì sẽ phải bù lỗ rất lớn cho mỗi m3 nước mua từ Nhà máy nước sông Đuống.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch khi mua của Công ty Nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, khẳng định, thành phố chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan. Giá nước sạch sông Đuống được “tính đúng, tính đủ” theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết 'Bão' giá nước cao ngất chưa tan, lại lộ đường ống bán nước 'chui' của Sông Đuống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới