Chủ nhật, 24/11/2024 03:41 (GMT+7)
Thứ tư, 28/10/2020 06:40 (GMT+7)

Bão số 9 giật cấp 17, hướng về Quảng Ngãi - Bình Định

Theo dõi KTMT trên

Bão số 9 được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua, bão bắt đầu gây gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10.

Chiều ngày 27/10, phát biểu trong cuộc họp tại Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 (Đà Nẵng), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Molave là cơn bão mạnh và nguy hiểm nhất trong vòng 20 năm qua đổ bộ miền Trung. Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ứng phó theo chỉ đạo của Thủ tướng.

“Đề nghị các địa phương hết sức chủ động với phương châm 4 tại chỗ cùng sự hỗ trợ của Trung ương, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành khác. Chưa bao giờ Thủ tướng đặc biệt quan tâm, quyết liệt chỉ đạo như cơn bão này. Thủ tướng đã yêu cầu lập Sở chỉ huy tiền phương.

Vì vậy chúng ta phải đảm bảo an toàn trên biển, tiếp tục rà soát tàu thuyền, cho ra khỏi khu vực nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú và di dời người dân đến nơi an toàn. Tinh thần rất khẩn cấp nên phải tập trung ứng phó, giảm thiểu thiệt hại”, Phó Thủ tướng nói.

Phân tích diễn biến bão số 9, ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, cảnh báo với tốc độ rất nhanh là 25 km/h, bão số 9 sẽ đi thẳng vào bờ.chỉ trong vòng 15-18 giờ tới, tâm bão sẽ cập bờ, ngay trên đất liền Quy Nhơn, hoặc ở khu vực giữa Quảng Ngãi - Bình Định.

Bão số 9 giật cấp 17, hướng về Quảng Ngãi - Bình Định - Ảnh 1
Chiều 27/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã tổ chức họp báo thông tin về cơn bão số 9 (Moleva).(Ảnh: Đình Trung)

Phân tích thêm về khả năng suy yếu, ông Hải cho biết nếu 19h tối 27/10 bão đạt cường độ là cấp 14, giật cấp 17 và trường hợp khả quan sau đó, cứ 3 tiếng bão giảm 1 cấp thì đến khi vào bờ, bão vẫn mạnh đến cấp 11-12. “Không có cơ may nào cho thấy bão sẽ suy yếu hơn cường độ dự báo khi vào đất liền”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 9 rất nguy hiểm, mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Bão số 9 mạnh ngang cơn bão Xangsane vào Đà Nẵng năm 2006, mạnh hơn nhiều so với đão Damrey vào Khánh Hòa năm 2017.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 9 (bão Molave) đang hoạt động trong điều kiện phía Bắc là cao áp lạnh lục địa và có gió mùa Đông Bắc mạnh, nhiệt độ mặt nước biển khoảng 29 độ C, độ ẩm tốt nên đối lưu phát triển mạnh. Hiện bão đang di chuyển trên khu vực thuận lợi cho việc tăng cường độ trong 6-12h tới. Bão sẽ đạt cường độ cực đại vào chiều tối 27/10 đạt cấp 14, giật cấp 17.

Theo ông Lâm, các mô hình dự báo đều thống nhất khu vực đổ bộ tập trung vào khu vực Quảng Ngãi - Bình Định. Trung tâm Nhật Bản dự báo bão cực đại cấp 14 trong khoảng 12 tiếng tới, gió mạnh trên đất liền cấp 13, giật cấp 15-16. Đài Philippines cho biết bão Molave mạnh cấp 12 gây lũ lụt trên diện rộng, nhà cấp 4 kết cấu kém bị phá hủy. Dự báo bão vào Việt Nam tương đương cấp độ bão đổ bộ vào Philippines mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.

Nhận định về tác động của bão số 9 có thể gây ra, ông Lâm cho biết bão số 9 sẽ có khả năng đạt cường độ cực đại trong chiều và tối 27/10. Khi vào gần bờ, vùng biển này lạnh hơn, ma sát với đất liền bão sẽ suy yếu. Nếu giữ nguyên cấp 12 khi vào đất liền, bão số 9 sẽ có sức tàn phá khủng khiếp, các nhà cấp 4 có thể không thể chịu đựng được trước sức gió.

Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10. Khi vào bờ, bão sẽ giảm cường độ nhưng không nhiều. Thời gian ảnh hưởng trực tiếp do gió mạnh của bão bắt đầu trong tối 27/10 và ngày 28/10.

Liên quan đến nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi bão số 9 đổ bộ, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho hay, ảnh hưởng mưa lớn do bão số 9, từ đêm ngày 27/10 đến ngày 1/11, trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai lên mức báo động 2- báo động 3, có sông trên mức báo động 3; hạ lưu sông Cả (Nghệ An), các sông chính ở Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk lên mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2, các sông nhỏ lên mức báo động 3.

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Tin bão mới nhất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 19h ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 480km, cách Quảng Nam 430km, cách Quảng Ngãi 380km, cách Phú Yên 320km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Bão số 9 giật cấp 17, hướng về Quảng Ngãi - Bình Định - Ảnh 2
Dự báo đường đi của bão số 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19h ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.  

Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm ngày 27/10; thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ nay đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Bão số 9 giật cấp 17, hướng về Quảng Ngãi - Bình Định. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới