Chủ nhật, 24/11/2024 06:31 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/08/2021 17:09 (GMT+7)

Bảo vệ, giám sát đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học

Theo dõi KTMT trên

Đa dạng di truyền làm nền tảng cho sự thích nghi và tồn tại của loài cũng như khả năng phục hồi của hệ sinh thái và sự đổi mới xã hội. Tuy nhiên, chính sách và hành động bảo tồn toàn cầu phần lớn đã bỏ qua việc bảo vệ, giám sát đa dạng di truyền.

Mức độ ưu tiên thấp đối với đa dạng di truyền phần lớn là do thiếu hụt kiến ​​thức về tầm quan trọng của đa dạng di truyền và các xu hướng thay đổi trong lĩnh vực này; chi phí cao, tính sẵn có thấp và bản chất phân tán của dữ liệu di truyền; các khái niệm và thông tin phức tạp mà các nhà hoạch định chính sách không thể tiếp cận.

Dù vậy, nhiều tiến bộ gần đây về kiến ​​thức, công nghệ, cơ sở dữ liệu, thực hành và năng lực đã tạo tiền đề cho việc tích hợp tốt hơn đa dạng di truyền vào các công cụ chính sách và nỗ lực bảo tồn.

Một tập thể các nhà nghiên cứu sinh học và sinh thái học từ nhiều quốc gia đã cùng xem xét những khả năng phát triển của đa dạng di truyền cũng như cách cải thiện nội dung này trong các cam kết bảo tồn toàn cầu, từ đó cho phép các quốc gia theo dõi, báo cáo, hành động để duy trì hoặc khôi phục đa dạng di truyền.

Bảo vệ, giám sát đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học - Ảnh 1
Muốn bảo tồn đa dạng sinh học, cần bảo vệ, giám sát đa dạng di truyền. (Ảnh minh họa)

Thúc đẩy cam kết toàn cầu về giám sát đa dạng di truyền

Đa dạng di truyền đã được đề cập trong một số sáng kiến toàn cầu bao gồm Công ước về Đa dạng sinh học (CBD). Từ khi được thông qua vào năm 1992, CBD đã đề cập đến bảo tồn 3 cấp độ đa dạng sinh học (di truyền, phân loại, hệ sinh thái) và hiện Ban thư ký CBD, các Bên cùng các chuyên gia tiếp tục soạn thảo các ưu tiên, mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số cho giai đoạn 2020-2030 và xa hơn, dự kiến ​​sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng vào năm nay.

Ngoài CBD, một số sáng kiến khác cũng thực hiện các cam kết về đa dạng sinh học và xã hội như: Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) với thập kỷ hành động 2020 – 2030; Chiến lược toàn cầu về bảo tồn thực vật (GSPC) với các mục tiêu sau năm 2020; Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; Chiến lược đa dạng sinh học của Liên minh châu Âu cho năm 2030; Kế hoạch hoạt động của Ủy ban đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (IPBES) cho năm 2030; và các Khu vực đa dạng sinh học trọng điểm (KBAs) của IUCN.

Các đề xuất đầy tham vọng này cũng đưa ra một số mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học của các loài, chẳng hạn như giảm nguy cơ tuyệt chủng xuống gần bằng 0 hay bảo tồn 30% – 50% diện tích đất và biển. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, các mục tiêu định lượng và tham vọng về đa dạng di truyền vẫn khá khiêm tốn, trong khi sự xói mòn di truyền vẫn đang tiếp tục diễn ra ở cả các loài quý hiếm và phổ biến.

Đa dạng di truyền là giải pháp cần thiết để các loài thích nghi với mức độ và tốc độ biến đổi của môi trường bao gồm biến đổi khí hậu và cả bệnh tật. Điều này quyết định đến sự tồn tại lâu dài của các loài cũng như sự tồn tại trong ngắn hạn của chúng nhằm tránh bị trầm cảm cận huyết do giao phối cận huyết. Tỷ lệ tử vong con non của các cặp bố mẹ có quan hệ huyết thống thường cao hơn 30% – 40% so với bố mẹ không có quan hệ huyết thống và những con lai còn sống cũng thường có sức khỏe, tốc độ tăng trưởng hoặc khả năng sinh sản thấp hơn.

Việc sửa đổi, bổ sung các cam kết/sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu hiện được xem là cơ hội duy nhất để ngăn chặn sự mất đa dạng di truyền trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các dự thảo CBD gần đây có một cam kết khá mơ hồ về bảo tồn đa dạng di truyền, cho rằng chỉ nên có một mục tiêu đa dạng sinh học duy nhất chứ không phải là một mục tiêu cho mỗi cấp độ trong ba cấp độ, chưa kể các chỉ số di truyền được đề xuất trong CBD khá yếu và chủ yếu hạn chế đối với các loài trong nông nghiệp.

Nhằm tái khẳng định sự cần thiết phải áp dụng, đánh giá và giám sát đa dạng di truyền, đồng thời thúc đẩy các thỏa thuận toàn cầu cam kết rõ ràng, toàn diện các mục tiêu liên quan đến vấn đề này, tập thể các nhà khoa học đã thảo luận và đề xuất ba nhóm điều kiện sau:

Nhóm điều kiện thứ nhất: Kiến thức cần thiết

Yếu tố đầu tiên để thúc đẩy và hướng dẫn giám sát đa dạng di truyền là kiến ​​thức về tầm quan trọng của đa dạng di truyền và tỷ lệ mất đa dạng di truyền hiện nay.

Đa dạng di truyền là nền tảng của khả năng phục hồi trong tự nhiên. Sự đa dạng về gen cung cấp khả năng thích nghi cho tất cả các loài; không có nó, các loài không thể tồn tại trong môi trường thay đổi, biến đổi khí hậu và các tác động của dịch bệnh. Khi quần thể bị giảm xuống còn số lượng nhỏ (vài trăm cá thể), hậu quả tiêu cực của giao phối cận huyết có thể xảy ra, làm giảm thể lực và khả năng sinh sản, đe dọa sự tồn tại của loài và làm cho việc phục hồi trở nên tốn kém, khó khăn hơn. Đa dạng di truyền khi đó không chỉ giúp làm tăng khả năng phục hồi của hệ sinh thái, giúp nhiều loài có thể sống sót qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ ấm hơn mà còn thúc đẩy đa dạng loài, hỗ trợ các dịch vụ như bảo vệ bờ biển, quản lý nước, quản lý dịch bệnh, hấp thụ carbon và nghề cá…, đồng thời hỗ trợ nông nghiệp phát triển bền vững (tăng năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh, giảm thiệt hại do các rủi ro phát sinh…).

Dù đóng vai trò quan trọng như vậy, song các hoạt động của con người đã và đang gây mất đa dạng di truyền nhanh chóng. Các nhà nghiên cứu đã làm việc trong nhiều thập kỷ để đo các mô hình đa dạng di truyền và một phân tích gần đây cho thấy 6% đa dạng di truyền trong quần thể của 91 loài trong thế kỷ qua đã bị mất; xói mòn di truyền trên các hệ thống đảo lên đến 28%; đa dạng di truyền ở cá thu hoạch thấp hơn 12% so cá chưa thu hoạch. Đặc biệt, sự sụt giảm trung bình 68% quần thể động vật có xương sống được đề cập trong Báo cáo Living Planet Index 2020 sẽ dẫn đến sự mất đa dạng di truyền đáng kể.

Dù đóng vai trò quan trọng như vậy, song các hoạt động của con người đã và đang gây mất đa dạng di truyền nhanh chóng. Các nhà nghiên cứu đã làm việc trong nhiều thập kỷ để đo các mô hình đa dạng di truyền và một phân tích gần đây cho thấy 6% đa dạng di truyền trong quần thể của 91 loài trong thế kỷ qua đã bị mất; xói mòn di truyền trên các hệ thống đảo lên đến 28%; đa dạng di truyền ở cá thu hoạch thấp hơn 12% so cá chưa thu hoạch. Đặc biệt, sự sụt giảm trung bình 68% quần thể động vật có xương sống được đề cập trong Báo cáo Living Planet Index 2020 sẽ dẫn đến sự mất đa dạng di truyền đáng kể.

Nhóm điều kiện thứ hai: Công cụ giám sát

Giám sát đa dạng di truyền sẽ yêu cầu ba trụ cột bổ sung và tăng cường cho nhau: các chỉ số áp dụng trên toàn cầu dựa trên các ủy quyền hợp lý về đa dạng di truyền; các tiêu chuẩn và cơ sở hạ tầng được cải thiện; giám sát dựa trên ADN khả thi về mặt kỹ thuật và giá cả phải chăng, cụ thể:.

 Các chỉ số đáng tin cậy để kết hợp đa dạng di truyền vào các khuôn khổ chính sách toàn cầu sẽ được sử dụng để giám sát trạng thái của một hệ thống, theo dõi các xu hướng tổng thể, đánh giá những can thiệp chính sách có tác động mạnh mẽ và hỗ trợ các nhà ra quyết định ưu tiên nguồn lực nào. Hiện có rất ít chỉ số để theo dõi tình trạng đa dạng di truyền và sự thay đổi của chúng, chẳng hạn như chỉ số trong Sách đỏ IUCN, quy mô ngân hàng hạt giống, và số lượng giống vật nuôi bị đe dọa.

Nghiên cứu gần đây cho thấy đôi khi dữ liệu về môi trường, nhân khẩu học và địa lý có thể giúp đánh giá, giám sát, bảo tồn tiềm năng thích ứng và khả năng phục hồi di truyền của các quần thể tại chỗ cũng như ngoại vi. Trên cơ sở này, một số nhà khoa học đã đề xuất 3 chỉ số cần thiết về tình trạng và xu hướng đa dạng di truyền cho CBD:

  • Tỷ lệ của tất cả các quần thể đủ lớn để duy trì sự đa dạng di truyền;
  • Số lượng quần thể được bảo tồn tổng thể. Việc ngăn ngừa tổn thất quần thể có thể giúp duy trì các biến thể di truyền độc đáo và thích nghi với địa phương, cho phép các loài có tiềm năng tiến hóa lớn hơn trong tương lai. Nhiều ghi nhận về thiệt hại quần thể trên toàn cầu chứng minh đây là một chỉ số khả thi. Bang New South Wales của Úc cũng đã sử dụng số liệu dựa trên quần thể để ước tính có 9% –21% đa dạng di truyền có thể đã bị mất trên tất cả các loài và có tới 51% đa dạng di truyền có thể đã bị mất ở các loài bị đe dọa cao;
  • Số lượng quần thể có sự theo dõi về đa dạng di truyền. Thu thập kiến ​​thức về đa dạng di truyền tại chỗ và ngoại vi có thể tiếp tục cung cấp thông tin cho hành động bảo tồn.

Các chỉ số nêu trên được khái quát là SMART (specific – cụ thể, measurable – đo lường được, achievable – có thể đạt được, realistic – thực tế, timely – kịp thời); chúng đại diện cho những cách thức theo dõi sự thay đổi gen ở quy mô quốc gia và toàn cầu. Khi công nghệ giải trình tự ADN, bản đồ đa dạng di truyền khu vực và các mô hình phân tích tiếp tục được cải thiện, các chỉ số này có thể được so sánh và nâng cao bởi dữ liệu di truyền được thu thập trong tương lai và với các chỉ số khác.

Về việc cải thiện tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng và giám sát dựa trên ADN, mục đích là nhằm đánh giá sự thay đổi di truyền thông qua giám sát dựa trên ADN theo hướng dễ tiếp cận hơn với giá cả phải chăng. Cần lưu ý là thời tiết khắc nghiệt hoặc các áp lực khác cũng có thể làm giảm sự đa dạng di truyền ngay cả khi quy mô điều tra quần thể vẫn ở mức cao – điều này cho thấy đa dạng di truyền có thể bị xói mòn rất lâu trước khi các loài biến mất, giống như những cái cây bị khoét rỗng trước khi chúng đổ xuống. Giám sát đa dạng di truyền trực tiếp có thể giúp phát hiện lỗ hổng này.

Từ những năm 1980, các nhà di truyền học đã đóng góp hơn 2 tỷ chuỗi ADN vào cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm GenBank và chi phí giải trình tự ADN hiện tiếp tục giảm. Giờ đây, việc giải trình tự ADN có thể được thuê ngoài bằng cách gửi mẫu sinh học đến các công ty thực hiện trong phòng thí nghiệm và thông tin sinh học. Cách tiếp cận này có giá thành hợp lý và nhanh chóng thay thế các công nghệ cũ hơn như tế bào vi mô. Các quốc gia cũng có thể hợp tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế như IUCN, các vườn thú và vườn thực vật, và GEO BON (Mạng lưới quan sát đa dạng sinh học của Nhóm quan sát trái đất).

Dữ liệu di truyền ngày càng FAIR (findable – có thể tìm thấy, accessible – truy cập, interoperable – tương tác, and reproducible – tái tạo). Các giao thức và định dạng lưu trữ dữ liệu trong phòng thí nghiệm ngày càng được tiêu chuẩn hóa và việc phân tích, mô hình hóa dữ liệu thường được thực hiện bằng cách sử dụng mã nguồn mở cùng các quy trình làm việc đã được thiết lập. Ngoài ra, chính sách lưu trữ dữ liệu chung năm 2011 cũng yêu cầu các bộ dữ liệu di truyền được lưu trữ công khai cho nhiều tạp chí lớn trong khi nhiều nhóm đã tạo ra các kho lưu trữ có thể tìm kiếm với hàng nghìn bộ dữ liệu ADN, đôi khi có cả dữ liệu về môi trường hoặc đặc tính. Các nhà di truyền học và khoa học dữ liệu có thể sử dụng các nguồn tài nguyên này để cung cấp thông tin về đa dạng di truyền cho các nhà hoạch định chính sách hoặc xác định các mối quan hệ đối tác tiềm năng trong nước và quốc tế để tạo ra dữ liệu mới.

Nhóm điều kiện thứ ba: Hướng dẫn giám sát và năng lực giám sát

Bảo vệ, giám sát đa dạng di truyền ở quy mô quốc tế đòi hỏi các chính sách mẫu thành công ở quy mô địa phương và quốc gia, bằng chứng về các can thiệp thành công, tăng cường xây dựng năng lực và mạng lưới tập hợp đội ngũ khoa học – chính sách. Trong khi đó, ở cấp khu vực, các chính sách bảo tồn ngày càng công nhận và bảo vệ đa dạng di truyền, góp phần cung cấp các mô hình cho các nỗ lực toàn cầu.

Mặc dù mục tiêu Aichi 13, SDG 2.5 (mục tiêu phát triển bền vững) và mục tiêu 9 của GSPC (Chiến lược toàn cầu về bảo tồn thực vật) thừa nhận và cam kết bảo tồn sự đa dạng di truyền nhưng chúng rất mơ hồ và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp cùng các loài quan trọng về mặt kinh tế – xã hội khác.

Tuy nhiên, ở quy mô tiểu vùng, nhiều chính phủ, các ngành nông nghiệp và các nhóm bảo tồn đã đo lường và bảo vệ sự đa dạng di truyền rõ ràng hơn đối với các loài hoang dã.

Đơn cử như Đạo luật về các loài nguy cấp của Hoa Kỳ (USFWS 1973), trong đó công nhận các bộ phận quần thể riêng biệt (cách biệt về mặt di truyền hoặc địa lý) là các đơn vị bảo vệ tương đương với các loài; châu Âu công nhận hàng trăm khu vực rừng nhằm mục tiêu hỗ trợ bảo tồn gen; một số quốc gia bao gồm Thụy Điển và Thụy Sĩ cam kết thực hiện các chương trình giám sát di truyền; Scotland đánh giá tình trạng di truyền và các mối đe dọa trong 26 loài; IUCN cũng ngày càng nhận ra tầm quan trọng của đa dạng di truyền với việc đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu nhằm xác định các Khu đa dạng sinh học trọng điểm (KBA) bao gồm tiêu chí về phân biệt di truyền, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên tích hợp đa dạng di truyền vào tất cả các hoạt động lập kế hoạch của IUCN.

Nhìn chung, các hành động dựa trên chính sách có thể cải thiện tình trạng đa dạng di truyền, tuy nhiên, cần lưu ý: Thứ nhất, duy trì sự đa dạng di truyền đòi hỏi phải duy trì các quần thể trong một phạm vi loài, không chỉ trong các khu vực nhỏ. Thứ hai, quần thể phải đủ lớn để duy trì sự đa dạng di truyền. Thứ ba, các hành động chiến lược như chuyển vị có thể làm tăng tính đa dạng di truyền hoặc tính phù hợp của các quần thể nhỏ, được lai tạo.

Duy trì và khôi phục kết nối di truyền, chẳng hạn như thông qua các hành lang môi trường sống, có thể cho phép trao đổi các biến thể di truyền giữa các quần thể và làm chậm sự mất đa dạng. Có thể tính toán quy mô quần thể, diện tích sinh cảnh tối thiểu hoặc cấu trúc khu bảo tồn cần thiết để duy trì sự đa dạng di truyền. Cuối cùng, đối với nhiều loài, các bộ sưu tập ngoài hiện trường trong các ngân hàng hạt giống, vườn thú và vườn thực vật giúp ngăn chặn sự mất đa dạng di truyền và đôi khi bảo tồn các biến thể di truyền không còn tồn tại trong tự nhiên.

Nhiều thập kỷ theo dõi di truyền trong vườn thú và các quần thể sinh sản nuôi nhốt đã giúp thiết lập các phương pháp di truyền và các mục tiêu thích hợp để hướng dẫn hành động. Các nhà nông học từ lâu đã tìm cách bảo tồn hơn 95% sự đa dạng di truyền trong các quần thể trong ngân hàng hạt giống. Trong khi đó, ở các vườn thú, việc quản lý dựa trên phả hệ thường nhằm mục đích giữ lại hơn 90% sự đa dạng di truyền trong hơn 100 năm.

Các vườn thú và vườn bách thảo ngày càng tích hợp dữ liệu di truyền phân tử để lựa chọn cẩn thận các cá thể nhân giống trong khi các chương trình khác nhằm mục đích bảo tồn sự biến đổi di truyền thông qua việc tăng nhanh quy mô dân số. Lý tưởng nhất là đa dạng di truyền có thể được bảo tồn tốt nhất thông qua quản lý tổng hợp các quần thể hoang dã và nuôi nhốt, được thông báo bằng dữ liệu di truyền của các quần thể tại chỗ và ngoài hiện trường theo cách tiếp cận Kế hoạch chung.

Các sáng kiến ​​mới kết nối các nhà hoạch định chính sách với chuyên môn, hướng dẫn và công cụ di truyền, đồng thời giúp thu thập và áp dụng dữ liệu di truyền. Các tổ chức trung gian giữa các nhà khoa học và các cơ quan chính phủ đang làm việc để nâng cao nhận thức và khả năng bảo tồn sự đa dạng di truyền, kể cả những trường hợp dữ liệu còn ít hoặc gây tranh cãi.

Các mạng lưới nằm trong Hiệp hội bảo tồn sinh học, Nhóm quan sát trái đất, IUCN và các nhóm khác đang hỗ trợ xây dựng năng lực và áp dụng các chỉ thị và giám sát di truyền. Các tổ chức này đã đưa ra các bản tóm tắt chính sách, sách trắng và hội thảo trực tuyến về các chỉ số; các khái niệm chính trong di truyền học bảo tồn; và công nghệ di truyền.

Năng lực đánh giá đa dạng di truyền cũng đang xuất hiện ở các vùng có thu nhập thấp, đa dạng sinh học cao, bao gồm cả thông qua các hợp tác quốc tế. Các nỗ lực cũng đang được thực hiện để xác định các rào cản ngăn trở những người thực hành sử dụng dữ liệu di truyền, tổng hợp cơ sở bằng chứng để hướng dẫn việc ra quyết định, xác định tần suất các kết quả nghiên cứu di truyền được sử dụng bởi các cơ quan quản lý thiên nhiên, cải thiện khả năng phổ biến/tiếp cận các phát hiện di truyền, tăng cường mức độ phù hợp của nghiên cứu với thực tiễn và chính sách.

Thách thức còn nhiều

Mặc dù các nhà di truyền học và nhà bảo tồn đã đạt được tiến bộ nhất định trong việc tạo ra dữ liệu di truyền và hỗ trợ những nhà ra quyết định tiếp cận nguồn dữ liệu này, tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức trong ứng dụng, giám sát đa dạng di truyền tại các quốc gia.

Thứ nhất, rất ít nơi trên thế giới có khả năng thu thập và giải thích dữ liệu di truyền, gây ra những khoảng trống về đa dạng di truyền, nhất là những vùng có nhiều mối đe dọa đối với đa dạng sinh học. Để khắc phục vấn đề này, cần khẩn trương xây dựng năng lực đánh giá, giám sát địa phương và thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu quốc tế, đảm bảo phân bổ công bằng và tuân thủ các cam kết toàn cầu bao gồm Nghị định thư Nagoya về tiếp cận và chia sẻ lợi ích. Ngoài ra, một số các nỗ lực khác cũng có thể được xem xét như hoạt động của nhóm chuyên gia di truyền bảo tồn IUCN ở các khu vực châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á; các sáng kiến ​​về giáo dục, đào tạo, giám sát đa dạng sinh học ở Trung Phi; Mạng lưới G-BiKE (Kiến thức đa dạng sinh học địa chất cho các hệ sinh thái phục hồi) với việc mở rộng đào tạo, hợp tác tại 39 quốc gia châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông.

Thứ hai, lựa chọn loài nào để đưa vào các chương trình giám sát di truyền cũng là vấn đề không dễ, chưa kể cần phải giải đáp một loạt thắc mắc như: các bên liên quan tiềm năng là ai? khung thời gian của chương trình, chi phí và khả năng tài trợ dài hạn như thế nào? dữ liệu và mẫu được lưu trữ ra sao? nguồn lực hiện có? hợp tác xuyên biên giới có khả thi?

Theo các nhà khoa học, việc chọn loài cần cân nhắc nhiều yếu tố, bao gồm các giá trị và lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, có 3 vấn đề cốt yếu cần chú ý là khả năng phát hiện sự thay đổi di truyền nếu nó xảy ra, đại diện của các loài trong một khu vực, và tính khả thi về mặt kỹ thuật.

Về khả năng phát hiện sự thay đổi di truyền, vì sự thay đổi này xảy ra qua nhiều thế hệ nên tuổi thọ loài là yếu tố cần được xem xét. Sự thay đổi di truyền sẽ được phát hiện nhanh hơn nếu thời gian thế hệ của loài ở mức vừa phải (ví dụ từ 1 – 5 năm). Tuy nhiên, giám sát di truyền có thể xảy ra đối với các sinh vật sống lâu và nên được tiến hành bằng cách lấy mẫu thế hệ con của các nhóm thuần kế tiếp.

Về việc chọn loại nào để đưa vào giám sát đa dạng di truyền, các chương trình nên bao gồm các nhóm phân loại đa dạng, đặc điểm loài (ví dụ kích thước, khả năng phân tán), hệ sinh thái hoặc quần xã sinh vật và mức độ phổ biến. Các loài được chọn có thể bao gồm các loài biểu trưng (flagship species) hoặc loài bảo trợ (umbrella species) để thu hút sự chú ý của công chúng và chính sách đối với đa dạng di truyền.

Liên quan đến tính khả thi về mặt kỹ thuật, tính khả thi cao hơn đối với các loài tương đối dễ tiếp cận và có một số tài nguyên di truyền (bộ gen được giải trình tự hoặc một tập hợp con của bộ gen), cho phép khởi động nhanh hơn và tăng tính thông tin cũng như khả năng chi trả.

Nhìn chung, các loài nên được lựa chọn với sự tham vấn của các nhà quản lý để đảm bảo dữ liệu di truyền có thể đáp ứng đúng nhu cầu thực tế và phối hợp với các chương trình giám sát các loài và môi trường sống hiện có.

Thứ ba, việc thiết lập một “đường cơ sở” để so sánh theo thời gian cũng là một thách thức đối với hoạt động giám sát đa dạng di truyền. Có những cơ hội duy nhất với dữ liệu di truyền vì ADN chỉ có thể được lấy từ các mẫu trong bảo tàng, kho lưu trữ, ngân hàng hạt giống hoặc thảo dược có khi lên tới hàng trăm năm tuổi. Những mẫu vật này tương đối khan hiếm và việc phân tích, thống kê dữ liệu vẫn còn nhiều thách thức. Để phục vụ như một nguồn tài nguyên cho các nhà nghiên cứu của tương lai, dữ liệu di truyền, siêu dữ liệu và mẫu ADN cần được lưu trữ an toàn và chia sẻ trên toàn cầu, đồng thời các phân tích nên được bổ sung, sửa đổi khi công nghệ và kiến ​​thức mới được cập nhật.

Thách thức cuối cùng là kết nối dữ liệu giám sát với hành động, đặc biệt là xác định hành động nào cần thực hiện khi các ngưỡng thay đổi di truyền cụ thể bị vượt qua. Ví dụ, trong các quần thể có xu hướng giảm biến dị di truyền, khi nào cần xem xét chuyển vị? Trong một quần thể có biểu hiện lai tăng dần, các phép lai bất lợi, khi nào các phép lai phải bị loại bỏ?… Để giải quyết các vấn đề này, cần tìm hiểu kỹ dữ liệu di truyền trung tính và dữ liệu di truyền thích ứng. Ngoài ra, các mô hình mô phỏng cũng ngày càng được sử dụng rộng rãi để đưa ra quyết định về việc chuyển vị và mức thu hoạch chấp nhận được (ví dụ trong lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, săn bắn), chương trình nhân giống nuôi nhốt, loại bỏ con lai, kết nối môi trường sống hoặc thiết kế các khu bảo tồn để bảo vệ đa dạng di truyền trên nhiều loài. Các ngưỡng cụ thể và các hành động quản lý đối với đa dạng di truyền sẽ khác nhau, tùy thuộc vào loài và khu vực (ví dụ: đặc điểm sinh học, cấu trúc đất, sự phong phú, ảnh hưởng của con người…) và nên bao gồm các đánh giá rủi ro.

Các nhà khoa học cho rằng khuôn khổ CBD sau năm 2020 và các chính sách khác cần thừa nhận đầy đủ vai trò quan trọng của đa dạng di truyền đối với tự nhiên, xã hội và cam kết bảo tồn, đánh giá, giám sát hiệu quả ở các loài được chọn đại diện cho tất cả sự sống, chứ không chỉ chú trọng về khía cạnh kinh tế của đa dạng di truyền. Bên cạnh đó, CBD cần đặt mục tiêu đa dạng di truyền rõ ràng hơn, có thể đo lường, có cùng vị thế với các loài và hệ sinh thái cũng như các mục tiêu hành động liên quan; bao gồm và thực hiện các chỉ số đa dạng di truyền thực tế ở CBD và các cam kết đa dạng sinh học toàn cầu khác (ví dụ: IPBES, SDG); tăng cường thiết lập, mở rộng các chương trình giám sát di truyền với những bên có đủ nguồn lực hỗ trợ.

Đa dạng di truyền cần được bảo tồn cấp thiết tương tự như đa dạng loài để hỗ trợ an ninh lương thực, phúc lợi, văn hóa và sự thích nghi. Các nhà nghiên cứu và các chuyên gia bảo tồn cần làm việc với các nhà hoạch định chính sách để soạn thảo các khuôn khổ bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu và đa dạng di truyền.

Minh Dương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ, giám sát đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới