Chủ nhật, 24/11/2024 08:12 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/05/2022 07:23 (GMT+7)

Bảo vệ tài nguyên nước ngầm trước khi quá muộn

Theo dõi KTMT trên

Khai thác tài nguyên nước ngầm chưa đúng, gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng khiên nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về hệ luỵ cạn kiệt, suy thoái nguồn tài nguyên này.

Đánh giá tổng thể tình hình khai thác nước ngầm trên cả nước

Hướng đến mục tiêu bảo vệ nước dưới đất, đảm bảo quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất và ở những vùng nước dưới đất bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, cơ quan quản lý tài nguyên nước khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nước dưới đất.

Ngày 26/12/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Bộ TN&MT cũng đã ban hành các Thông tư: số 75/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 quy định bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất; số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng nhằm quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất quý giá đang có nguy cơ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

Theo đánh giá, trong thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chú trọng, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất thông qua nhiều hình thức, đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng hạ thấp mực nước dưới đất quá mức, xâm nhập mặn, ô nhiễm và sụt lún bề mặt đất ở các khu vực đô thị, khu vực đồng bằng, nhất là đô thị lớn như: TP. Hà Nội, TP.HCM, khu vực ĐBSCL và một số tỉnh ven biển.

Bảo vệ tài nguyên nước ngầm trước khi quá muộn - Ảnh 1
Khai thác nước ngầm ở nước ta đang gây ra nhiều hệ luỵ (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên hầu hết các các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ hiện nay chưa được các cấp quan tâm, quản lý đúng mức, trong quá trình thi công đã xảy ra tình trạng sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất ở một số nơi mà chưa được xử lý, khắc phục kịp thời, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, giữa tháng 5/2022, Bộ TN&MT có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị chỉ đạo Sở TN&MT và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện xử lý, trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng trên địa bàn theo quy định của Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT.

Trong đó, tập trung rà soát các giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình đã thực hiện xong trên địa bàn tỉnh mà không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng, yêu cầu các chủ giếng (chủ dự án) thực hiện việc xử lý, trám lấp theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (đến cấp xã, phường, thị trấn) các hoạt động khoan, đào nhằm sớm phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Thiếu kiểm soát khai thác nước ngầm

Một thực trạng đáng buồn là hiện nay việc chịu áp lực khai thác liên tục, khiến nước dưới đất tại một địa phương đang có dấu hiệu bị suy thoái và cạn kiệt. Báo cáo kết quả của dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm tại Việt nam” (IGPVN) (2015-2017), TS Vũ Thanh Tâm, Trưởng Ban khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế của NAWAPI cho biết: Vẫn tồn tại một số tác động tiêu cực do hoạt động khai thác nước ngầm, đó là, hạ thấp mực nước ngầm ở phạm vi vùng; Sụt lún đất, đặc biệt tại các khu đô thị; Nước ngầm vùng duyên hải bị nhiễm mặn do sự xâm nhập của nước biển; ô nhiễm nước ngầm do các nguồn nước mặt ô nhiễm thẩm thấu xuống.

“Đây chính là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt do sự thiếu kiểm soát hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm”, TS Vũ Thanh Tâm nhận định.

Bảo vệ tài nguyên nước ngầm trước khi quá muộn - Ảnh 2
TS Vũ Thanh Tâm: "Việt Nam đang phải đối mặt do sự thiếu kiểm soát hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm" (Ảnhh: Báo  TNMT).

Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm ở nước ta thời gian qua thường tập trung với lưu lượng lớn, bố trí công trình khai thác nước chưa hợp lý tại các khu vực đô thị lớn đã gây suy giảm mực nước dưới đất với tốc độ nhanh, liên tục, cục bộ trong các tầng chứa nước. Mặc dù công tác quy hoạch điều tra cơ bản đã được Chính phủ phê duyệt, song việc triển khai còn chậm do thiếu nguồn lực.

Theo TS Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, hiện mới chỉ có một số tỉnh, thành phố được tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác nước dưới đất ở tỷ lệ 1:100.000 như: Hà Nội, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ… Mặt khác, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc còn lạc hậu; Việc tổng hợp, xử lý thông tin, số liệu quan trắc còn khó khăn do thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực dẫn đến các thông tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác quản lý chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Dựa trên các nghiên cứu của Trường đại học Bách khoa TP.HCM, việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm xâm nhập mặn nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể như xâm nhập mặn ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè và gây ô nhiễm ở khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, Tân Bình…

Ở một số nơi của quận Tân Bình, ô nhiễm chì, nhôm trong nguồn nước đã lên đến 8mg/lít, cao gấp 40 lần hàm lượng cho phép (0,2mg/lít).

Lượng khai thác nước ngầm của hộ dân đến nay đã giảm được 81%. Sở TN&MT đã lập kế hoạch hỗ trợ các hộ dân trám lấp giếng khoan với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, đã trình UBND TP.HCM nhưng ngân sách thành phố còn khó khăn nên vẫn chưa được chấp thuận.

Tại ĐBSCL, nước ngầm trong các tầng chứa trong đang phải đối mặt với tình trạng hạ thấp sâu và xâm nhập mặn vào mùa khô. Ở nhiều địa phương, mực nước ngầm có tốc độ hạ thấp mạnh hơn từ 0,3-0,5m/năm như TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau... Thậm chí, một số địa phương tốc độ hạ thấp đến 0,55m/năm như ở thị trấn Tân Trụ - tỉnh Long An, 0,92m/năm ở thị trấn Lai Vung - tỉnh Đồng Tháp.

Không chỉ tồn tại những nguy cơ về suy giảm mực nước, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất, ĐBSCL hiện đang đối diện với nguy cơ hạ thấp bề mặt địa hình với tốc độ lún trung bình 20-40 mm/năm. Các khu vực lún nhanh nhất là bán đảo Cà Mau, TP. Cần Thơ.

UBND các tỉnh cũng đã ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan đơn vị chức năng phối hợp thực hiện việc điều tra cơ bản, thống kê, lưu trữ số liệu tài nguyên nước trên địa bàn; Khoanh định và công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất và công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền, khu vực cấm, tạm cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông; đồng thời công bố danh mục ao, hồ, đầm phá không được san lấp.

An Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ tài nguyên nước ngầm trước khi quá muộn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới