Chủ nhật, 24/11/2024 09:03 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/04/2022 10:00 (GMT+7)

TP.HCM: Đảm bảo lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện lộ trình giảm khai thác nước dưới đất đến cuối năm 2023 với tổng lưu lượng khai thác còn 150.000 m3/ngày; đến cuối năm 2025 còn 100.000 m3/ngày.

Lắp đồng hồ nước nhưng dùng nước giếng khoan

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) cho biết, hiện nay, sản lượng cung cấp nước của Sawaco là 1,9 triệu m3/ngày. Đến nay, mạng lưới cung cấp nước của Sawaco đã phủ kín toàn địa bàn thành phố (chỉ trừ huyện Củ Chi). Tuy nhiên, nhiều khu vực dù đã được lắp đặt đồng hồ nước nhưng nhiều hộ gia đình lại không sử dụng nước sạch mà dùng nước giếng tự khoan.

TP.HCM: Đảm bảo lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm - Ảnh 1
Cấp nước sạch cho một khu cách ly bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thành phố năm 2021.

“Tháng 2/2022, TP.HCM có hơn 1,5 triệu đồng hồ nước. nhưng có tới 173.000 đồng hồ nước không sử dụng. Số đồng hồ nước này tập trung ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh. Ngoài ra, cả TP có khoảng 20% đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0 - 4m3 nước” - ông Bùi Thanh Giang cho hay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m3/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm tại một số khu vực trên địa bàn thành phố đang suy giảm, đặc biệt các quận huyện ngoại thành… dẫn đến việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều nơi.

Trong khi đó, theo bác sỹ Cao Ngô Lẫm, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, năm 2021, HCDC đã lấy 160 mẫu nước giếng khoan, về hóa lý chỉ đạt 3 mẫu, về vi sinh đạt 85%. Quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn có tỷ lệ mẫu nước không đạt cao. Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy chuẩn đánh giá chất lượng nước sinh hoạt mới, với 99 chỉ tiêu. Vì vậy, nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn này thì 100% mẫu sẽ không đạt, người dân sử dụng để uống trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đảm bảo đúng lộ trình giảm khai thác

Theo Sở TN&MT TP.HCM, lộ trình giảm khai thác nước dưới đất đã được UBND TP.HCM phê duyệt như sau: đến cuối năm 2023, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn TP.HCM còn 150.000 m3/ngày; đến cuối năm 2025, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn thành phố còn 100.000 m3/ngày. Trong năm 2021, TP.HCM đã giảm khai thác nước dưới đất 16.650 m3/ngày. Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình giảm 8.000 m3/ngày; trong khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 1.650 m3/ngày; bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 3.000 m3/ngày; lượng khai thác nước dưới đất của Sawaco giảm 4.000 m3/ngày.

Ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên Nước và Khoáng sản, Sở TN&MT TP.HCM cho biết, hiện có hai nhóm đối tượng sử dụng nước dưới đất là các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đối với doanh nghiệp nếu muốn sử dụng nước ngầm phải xin phép. Sở TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp này phải có cam kết kế hoạch giảm hàng năm. Qua rà soát, kiểm tra, Sở TN&MT cấp phép lưu lượng khai thác giảm dần, thời hạn cấp phép tối đa 2 năm, có đơn vị 1 năm, sau thời hạn đó sẽ xem xét mới cấp lại.

Đối với người dân, hằng năm Sở TN&MT đều phối hợp với quận, huyện, phường, xã rà soát danh sách hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt và nhận thấy số lượng hộ dân khai thác nước ngầm để sinh hoạt giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, ở những khu vực có nhu cầu tưới tiêu nhiều như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.. thì việc hạn chế khai thác nước ngầm còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Sở TN&MT đã lập kế hoạch hỗ trợ kinh phí lắp trám các giếng khoan cho người dân, trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt.

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Nhã, để đảm bảo việc giảm khai thác nước dưới đất theo đúng lộ trình mà UBND TP.HCM đã phê duyệt, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất, trám lấp giếng theo quy định nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, hạn chế các nguy cơ do khai thác nước dưới đất gây ra.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; quy định về thuế tài nguyên nước, phí cấp quyền khai thác cho các mục đích sử dụng nước; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi được cấp phép khai thác (lắp đặt thiết bị quan trắc lưu lượng, mực nước khai thác, chất lượng nước khai thác, trám lấp giếng khoan không sử dụng, giếng khoan hư hỏng, …); quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp, theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco, đơn vị đang triển khai kế hoạch giảm khai thác nước dưới giai đoạn 2021 - 2023 phù hợp với lộ trình Thành phố giao, cụ thể như: năm 2021, giảm tổng lượng khai thác từ 70.000 m3/ngày về mức 66.000 m3/ngày; năm 2022, sẽ giảm tổng lượng khai thác từ 66.000 m3/ngày về mức 60.000 m3/ngày và năm 2023, sẽ giảm tổng lượng khai thác về mức 50.000 m3/ngày.

Báo TNMT

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Đảm bảo lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới