Chủ nhật, 24/11/2024 06:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/11/2020 06:30 (GMT+7)

Bất chấp hiện tượng La Nina, năm 2020 vẫn là năm nóng kỷ lục

Theo dõi KTMT trên

Ngay cả khi La Nina diễn ra, tác động làm lạnh khí hậu của hiện tượng này cũng không đủ để bù lại tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, làm khí hậu nóng lên.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), cơ quan khí tượng thuộc Liên hợp quốc (LHQ) mới đây cảnh báo, biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu cao hơn bình thường, bất chấp hiệu ứng "làm mát" của hiện tượng khí hậu La Nina mạnh trong năm nay.

WMO nhận định La Nina đã mạnh lên và sẽ kéo dài sang năm tới, ảnh hưởng đến nhiệt độ, lượng mưa và mô hình bão tại nhiều khu vực của thế giới.

Người đứng đầu WMO Petteri Taalas cảnh báo: "Ngay cả khi La Nina diễn ra, tác động làm lạnh khí hậu của hiện tượng này cũng không đủ để bù lại tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, làm khí hậu nóng lên".

Năm 2020 sẽ vẫn là một trong những năm nóng kỷ lục với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nhiệt độ nóng như thiêu đốt và cháy rừng, lụt lội nghiêm trọng và những đợt gió nóng từ biển vào.

Mới đây, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo, lượng băng trên Bắc Băng Dương bao quanh Bắc Cực đã tan chảy xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 10 vừa qua, phản ánh sự phục hồi chậm chạp trong bối cảnh mùa đông đang đến gần. Với tốc độ tan băng như hiện nay, vùng Bắc Băng Dương đang hướng tới viễn cảnh không còn băng vào mùa hè.

Sự thu hẹp lượng băng đồng nghĩa đại dương hấp thụ nhiệt nhiều hơn, khiến con người có nguy cơ phải hứng chịu nhiều tác động tàn phá của biến đổi khí hậu. WMO cho biết, nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp hai lần so với mức nhiệt trung bình toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến băng quyển, dẫn tới nguy cơ lũ lụt do sự bùng nổ của các hồ, sông băng trên thế giới.

WMO cho biết nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp 2 lần so với mức nhiệt trung bình toàn cầu. Phát biểu tại cuộc họp thường kỳ của Liên Hợp Quốc, người phát ngôn của WMO Clare Nullis đánh giá đây là một “vòng luẩn quẩn”, khi lượng băng giảm nhanh chóng, góp phần làm nhiệt độ tăng thêm, từ đó làm băng tiếp tục tan.

WMO nhận định mùa Hè năm 2020 sẽ tác động nghiêm trọng đến băng quyển, đồng thời cảnh báo nguy cơ lũ lụt do sự bùng nổ của các hồ, sông băng trên thế giới.

Hồi tháng 6, thị trấn Verkhoyansk ở vùng Yakutia của Nga cũng ghi nhận mức nhiệt độ lên đến 38 độ C. Đây là mức nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận ở Bắc Cực. Nhiệt độ trung bình trong ngày ở thị trấn này thường ở mức khoảng 20 độ C, thấp hơn nhiều so với mức nhiệt độ kỷ lục vừa ghi nhận.

Bất chấp hiện tượng La Nina, năm 2020 vẫn là năm nóng kỷ lục - Ảnh 1
Hàng loạt vụ cháy rừng lớn đã thiêu rụi nhiều cánh rừng ở Siberia. (Ảnh: Themoscowtimes.com)

Từ tháng 7, lửa đã biến 6 triệu mẫu rừng Siberia (Nga) thành than. Bắc Cực cũng đang ấm lên với tốc độ gấp đôi bình thường như các khu vực khác trên thế giới. Một số nghiên cứu cho rằng khi khí hậu ấm lên, sẽ có nhiều sét và sẽ có thể là nguyên nhân gây cháy rừng.

Một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cháy rừng xảy ra ở những nơi trước đây hầu như chưa từng cháy và có thể khiến biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn khi thải ra một lượng lớn CO2.

Mặc dù rừng Amazon thường được coi là lá phổi thế giới nhưng những cánh rừng như ở Siberia cũng quan trọng với hệ thống khí hậu toàn cầu không kém rừng mưa nhiệt đới.

Cháy rừng không chỉ được coi là dấu hiệu biến đổi khí hậu mà nó còn có thể làm tình trạng ấm lên toàn cầu tồi tệ hơn vì lượng bồ hóng mà than bùn cháy tạo ra rất giàu carbon. Khi bồ hóng bám lên các sông băng gần đó, băng sẽ hấp thụ năng lượng Mặt trời thay vì phản chiếu nhiệt, khiến sông băng tan nhanh hơn.

Không chỉ nước nghèo bị tổn thương

Thực trạng trên gióng lên "hồi chuông cảnh báo" về nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống con người. Các nước nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.

Châu Phi được đánh giá là khu vực hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ lụt, hạn hán, thời tiết nóng lên và nạn châu chấu hoành hành. Nhiệt độ tăng khiến sản lượng vụ mùa giảm mạnh trong khi nông nghiệp là ngành xương sống của kinh tế nhiều nước châu Phi.

Theo nghiên cứu, GDP toàn khu vực châu Phi sẽ giảm từ 2,25% đến 12,12% khi nhiệt độ tăng. Khu vực cận Sahara đã phải liên tục hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến hàng chục triệu người bị ảnh hưởng và bị đe dọa về an ninh lương thực, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp tới hơn 500 triệu USD.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, châu Phi sẽ cần từ 30 đến 50 tỉ USD/năm trong thập kỷ tới để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có mở rộng đầu tư vào các dự án "xanh". Con số này tương đương từ 2 đến 3% giá trị GDP hằng năm của châu lục.

Bất chấp hiện tượng La Nina, năm 2020 vẫn là năm nóng kỷ lục - Ảnh 2
Các nước nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa: Internet)

Không chỉ các nước nghèo mà những quốc gia phát triển cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu do liên minh CE Delft, gồm một nhóm các cơ quan giám sát môi trường và xã hội có trụ sở ở Hà Lan, đã đưa ra một phân tích sâu rộng về chất lượng không khí, dữ liệu sức khỏe và giao thông tại hơn 400 thành phố châu Âu, trong đó cho thấy, cư dân thành thị ở châu Âu phải chịu thiệt hại hơn 160 tỉ Euro mỗi năm do tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe.

Thế giới hiện đã ấm hơn 1,1oC so với thời điểm bắt đầu cách mạng công nghiệp. Với các kịch bản hiện tại, lượng khí thải CO2 cần phải giảm sẽ là 7,6%/năm trong thập niên tới. Tuy nhiên, lượng khí thải vẫn không ngừng gia tăng.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Bất chấp hiện tượng La Nina, năm 2020 vẫn là năm nóng kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới