Chủ nhật, 24/11/2024 08:03 (GMT+7)
Thứ hai, 28/02/2022 08:17 (GMT+7)

Bất động sản, chế biến chế tạo hút hơn 90% vốn FDI hai tháng đầu năm

Theo dõi KTMT trên

Vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt gần 5 tỷ USD. Triển vọng thu hút và giải ngân FDI của Việt Nam trong năm nay được đánh giá khả quan do nhiều yếu tố, trong đó có sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu.

Thu hút FDI đạt 5 tỷ USD 2 tháng đầu năm.

Số liệu do Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, từ đầu năm đến ngày 20/2, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Bất động sản, chế biến chế tạo hút hơn 90% vốn FDI hai tháng đầu năm - Ảnh 1

Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới từ đầu năm đến 20/2/2022 đạt 631,8 triệu USD với 183 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 80,9% về tổng số vốn nhưng tăng 45,2% về số dự án so với cùng kỳ năm ngoái.

Bất động sản, chế biến chế tạo hút hơn 90% vốn FDI hai tháng đầu năm - Ảnh 2

Lý giải việc vốn đăng ký mới trong 2 tháng đầu năm của Cục Đầu tư Nước ngoài giảm mạnh hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021 là do sự thiếu vắng những dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Ngoài ra, sự tăng mạnh về số lượng dự án phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về kết quả phòng chống dịch Covid-19 cũng như môi trường đầu tư trong nước trong bối cảnh bình thường mới.

Trong khi giá trị vốn đăng ký mới giảm, giá trị dự án điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần trong 2 tháng đầu năm lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng giá trị vốn điều chỉnh tăng đạt gần 3,6 tỷ USD cho 142 lượt dự án, tăng hơn 220% về số vốn và tăng 23,5% về số dự án so với cùng kỳ năm 2021.

Với dự án điều chỉnh tăng vốn quy mô lớn nhất là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore), mức tăng vốn gần 941 triệu USD. Xếp thứ hai là dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), mức tăng vốn 920 triệu USD.

Đứng thứ ba là dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương Đồng thời, có 400 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với trị giá đạt 769,6 triệu USD, giảm 10,1% về số lượt nhưng tăng 41,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn FDI thực hiện đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 phản ánh tiến độ giải ngân tốt hơn đáng kể khi Chính phủ kiên trì với chủ trương kiểm soát an toàn, hiệu quả, thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Ngoài ra, đây cũng là kết quả của các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà Chính phủ nỗ lực triển khai trong thời gian qua.

Bất động sản, chế biến chế tạo hút hơn 90% vốn FDI hai tháng đầu năm - Ảnh 3

Kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo và hút vốn FDI nhiều nhất

Về lĩnh vực đầu tư, trong số 17/21 ngành kinh tế quốc dân nhận vốn FDI trong 2 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành đón nhiều vốn nhất với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Như vậy, chỉ riêng đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản đã chiếm tới 93,1% tổng vốn FDI đăng ký trong 2 tháng đầu năm. Còn lại là đầu tư cho các ngành khác.

Bất động sản, chế biến chế tạo hút hơn 90% vốn FDI hai tháng đầu năm - Ảnh 4

Về đối tác đầu tư, với vốn đầu tư ước tính hơn 1,7 tỷ USD, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai với 1,4 tỷ USD vốn đầu tư và Trung Quốc xếp ở vị trí thứ ba với 538 triệu USD vốn đầu tư.

Về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về tiếp nhận vốn FDI với số vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trên cả nước trong 2 tháng đầu năm. Xếp thứ hai là Thái Nguyên, thu hút 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước nhờ 2 dự án điều chỉnh tăng vốn quy mô lớn. Thủ đô Hà Nội xếp thứ ba, sau đó là các tỉnh Nghệ An, Long An…

Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án, TP.HCM và Hà Nội vẫn là các địa phương được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần.

BSC: Vốn FDI vào Việt Nam năm 2022 vẫn hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng

Chứng khoán BSC Research nhận định có 4 xu hướng chính có khả năng tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2022.

Đầu tiên, công tác phòng chống dịch Covid-19 khả quan - thể hiện qua tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao và chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh - tiếp tục đảm bảo năng suất hoạt động cao cho các nhà máy khu vực FDI.

Thứ hai, nhóm nghiên cứu BSC cho rằng sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu với nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng mạnh trở lại sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp FDI tăng tốc độ giải ngân tại Việt Nam nhằm nâng cao sức sản xuất.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại song và đa phương quy mô lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP, UVFTA… cùng với vị trí địa lý thuận lợi sẽ là yếu tố giúp duy trì sức hấp dẫn đối với dòng vốn FDI.

Cuối cùng, BSC Research cho rằng sự tiếp diễn của làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc do các yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đại lục sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất phân tán ra các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Bất động sản, chế biến chế tạo hút hơn 90% vốn FDI hai tháng đầu năm - Ảnh 5
Hai kịch bản giải ngân FDI mà BSC dự báo (Ảnh: BSC)

Dựa trên những yếu tố này, BSC dự báo dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì triển vọng tăng trưởng trong năm 2022. Dù không đưa ra dự báo vốn FDI đăng ký, BSC ước tính vốn FDI thực hiện trong năm 2022 sẽ nằm trong khoảng 21,4 tỷ USD đến 22,2 tỷ USD, theo hai kịch bản khác nhau.

Ở kịch bản 1, trong tình huống giải ngân vốn FDI cải thiện nhẹ khi các hoạt động kinh tế bình ổn trở lại, vốn FDI thực hiện cả năm ước đạt 21,4 tỷ USD, tức tăng 8,5% so với năm ngoái.

Ở kịch bản 2, trong tình huống giải ngân FDI bùng nổ sau 2 năm 2020-2021 bị dồn nén, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới phục hồi mạnh mẽ kéo theo năng suất nhà máy tăng vọt để đáp ứng nhu cầu này, thì vốn FDI thực hiện trong năm 2022 có thể tăng 12,4% và lên 22,2 tỷ USD so với năm 2021.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản, chế biến chế tạo hút hơn 90% vốn FDI hai tháng đầu năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới