Bến Tre: Phát động dự án trồng mới 15ha rừng phi lao
Ngày 28/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam tổ chức “Lễ phát động trồng cây của dự án trồng mới 15ha rừng phi lao” tại 2 huyện Ba Tri và huyện Bình Đại.
Tại buổi lễ triển khai dự án trồng cây xanh tại Bến Tre, có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao bao gồm Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đoàn Văn Đảnh, Phó Tổng Giám đốc cấp cao kiêm Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Từ thiện C.P Việt Nam Lê Nhật Thùy và Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Chinoros Benjachavakul. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong hành trình trồng rừng và bảo vệ môi trường của tỉnh.
Trong khuôn khổ buổi lễ, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã trao tặng bảng tượng trưng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng để triển khai kế hoạch trồng 60.000 cây xanh trong năm 2024, đồng thời cam kết chăm sóc cây thành rừng trong giai đoạn 2024-2026. Phó Tổng Giám đốc cấp cao Lê Nhật Thùy cho biết Bến Tre là địa phương đầu tiên được C.P Việt Nam chọn để thực hiện Dự án “C.P. Việt Nam - Hành trình vì Việt Nam xanh.” Dự án này đặt mục tiêu trồng mới 1,5 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025, không chỉ trong phạm vi công ty mà còn mở rộng ra toàn xã hội. Đây là một trong những sáng kiến mà công ty đặc biệt quan tâm với sự ủng hộ mạnh mẽ từ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường.
Đến nay, C.P Việt Nam đã đạt được 65% mục tiêu của dự án với hơn 650.000 cây xanh đã được trồng và chăm sóc tại nhiều tỉnh thành. Tại Bến Tre, công ty đã thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn và xúc tiến tái sinh tự nhiên trên diện tích 40ha, cùng với hơn 31.200 cây phân tán đã được trồng trong năm 2021. Hiện tại, các khu vực rừng và cây trồng đang phát triển tốt, dự kiến sẽ được bàn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng vào năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của C.P Việt Nam trong việc thực hiện đề án trồng cây xanh của tỉnh. Trong ba năm qua, công ty đã hỗ trợ trồng 31.200 cây phân tán và khoanh nuôi 40ha rừng với hơn 139.000 cây với tổng kinh phí lên đến 2 tỷ đồng. Năm 2024, công ty tiếp tục đóng góp kinh phí cho dự án trồng mới 15ha rừng phi lao phòng hộ tại hai huyện Ba Tri và Bình Đại, đáp ứng lời kêu gọi của Ban Điều hành Đề án trồng cây xanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng cây và trồng rừng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Bến Tre, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với BĐKH. Hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, tỉnh Bến Tre đã đề ra mục tiêu trồng 10 triệu cây phân tán và rừng phòng hộ tập trung giai đoạn 2021-2025. Đến nay, tỉnh đã trồng được 2,6 triệu cây xanh, đạt 25,6% kế hoạch đề ra.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ tin tưởng rằng với quyết tâm và sự hưởng ứng mạnh mẽ, Bến Tre sẽ thành công trong việc hoàn thành Đề án trồng cây xanh, biến tỉnh thành một địa phương xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.
Chia sẻ về vai trò của rừng nói chung trong tình trạng BĐKH ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: “Mỗi hecta rừng có khả năng hấp thụ từ vài chục đến hàng chục tấn CO2 mỗi năm. Thông qua quá trình quang hợp, lá hấp thụ carbon dioxide, nước và sử dụng năng lượng mặt trời để chuyển đổi chúng thành sinh khối. Mặc dù rừng có thải ra khí nhà kính (carbon dioxide) trong quá trình hô hấp nhưng với lượng nhỏ. Quá trình quang hợp vượt quả quá trình hô hấp nên lượng carbon dư thừa sẽ được giữ lại trong các cơ quan sinh dưỡng của cây (thân, lá và rễ). Do đó, rừng ngăn chặn sự tích tụ khí nhà kính trong khí quyển và hoạt động như một bộ điều nhiệt bảo vệ hành tinh khỏi quá nóng. Rừng không chỉ cung cấp nhiều lợi ích sinh thái mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc chống BDKH”.
Để ngăn chặn biến đổi khí hậu hiện nay, việc bảo vệ và phục hồi rừng là một hành động thiết yếu. Rừng không chỉ là nơi sinh sống của hàng triệu loài động thực vật mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ carbon dioxide, một trong những khí nhà kính chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Bằng cách giảm thiểu nạn chặt phá rừng và tăng cường trồng cây mới, chúng ta có thể duy trì khả năng hấp thụ carbon của rừng, đồng thời cải thiện chất lượng không khí. Các biện pháp như thực hiện các chương trình quản lý rừng bền vững, khôi phục các khu rừng bị suy thoái và khuyến khích các phương thức canh tác thân thiện với môi trường cũng cần được triển khai. Ngoài ra, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của rừng trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tạo ra sự đồng lòng trong các hành động bảo vệ rừng. Bằng việc kết hợp giữa chính sách, khoa học và sự tham gia của cộng đồng, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực, góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu lên hành tinh.
Thanh Trúc