Chủ nhật, 24/11/2024 07:55 (GMT+7)
Thứ ba, 29/11/2022 07:55 (GMT+7)

Bhutan - quốc gia đứng đầu thế giới về giảm lượng khí thải carbon

Theo dõi KTMT trên

Bhutan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, cuộc sống và con người thì vô cùng bình dị, thân thiện. Người dân tại đây luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, vì nó được xem là yếu tố hàng đầu để đem lại hạnh phúc cho con người.

Lý giải về thành công của Bhutan trong việc giảm lượng khí thải carbon, nhật báo Les Echos cho biết trong khi các nước chật vật với việc làm thế nào để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Bhutan là một trong ba quốc gia duy nhất trên hành tinh có thể tự hào về việc đáp ứng các cam kết về môi trường, cho phép vương quốc nhỏ bé ở dãy Himalaya này có mức cân bằng carbon âm.

Bhutan - quốc gia đứng đầu thế giới về giảm lượng khí thải carbon - Ảnh 1
Bhutan là đất nước có nhiều rừng - nơi hấp thụ nhiều CO2 hơn là thải ra.

Trên thế giới chỉ có 3 quốc gia có thể tự hào về kỷ lục như vậy, đó là Panama, Suriname và Bhutan. Ba quốc gia này hiện hấp thụ nhiều khí nhà kính hơn là thải ra.

Với diện tích nhỏ, ở vùng núi, lại không phải đất nước công nghiệp, Bhutan chỉ có khoảng 800.000 cư dân sinh sống.

Điều này có nghĩa nhu cầu năng lượng ở quốc gia này là rất thấp, không bị quá tải như nhiều quốc gia khác. Đó là chưa kể, Bhutan sở hữu hệ thống sông rất dày, giúp họ có được hệ thống thủy điện cực mạnh, đủ dư thừa để xuất khẩu sang các quốc gia lân cận. 

Giống như mọi nơi khác trên hành tinh, Bhutan đã phải chịu đựng sự nóng lên toàn cầu từ nhiều năm nay: tuyết rơi ít hơn, sông băng tan chảy, nhiệt độ tăng lên và những cánh đồng lúa xuất hiện ở một số vùng phía bắc của đất nước.

Đối mặt với tình hình này và mặc dù du lịch là hoạt động công nghiệp hàng đầu của đất nước, nhưng chính quyền đã đưa ra một quyết định triệt để khi mở cửa lại biên giới cho khách du lịch nước ngoài vào tháng Chín vừa qua: tăng gấp ba số tiền thuế "phát triển bền vững" áp dụng cho bất kỳ ai muốn thăm Bhutan.

Từ 65 USD, giờ thuế này đã tăng lên đến 200 USD/đêm, một cách để khiến khách du lịch phải đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường. Lý giải với báo giới về quyết định này, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Bhutan khẳng định: "Bảo vệ môi trường lâu dài quan trọng hơn lợi nhuận kinh tế trước mắt."

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Bhutan có những quy định liên quan đến môi trường. Từ những năm 1970, vị vua thứ 4 của Bhutan đã đưa ra một chính sách bảo vệ sinh thái trong đó cấm mọi hoạt động phá rừng vì mục đích thương mại. Năm 2008, Hiến pháp đã yêu cầu diện tích rừng bao phủ ít nhất 60% lãnh thổ. Kể từ đó đến nay, các quy định mới và tiến bộ công nghệ đã giúp quốc gia này giảm thiểu carbon. Máy bay không người lái và hình ảnh vệ tinh hiện có thể kiểm soát mọi hành vi phá rừng bất hợp pháp.

Một giải pháp khác giải thích sự cân bằng carbon âm ở nước này, đó là phương thức sản xuất năng lượng. Bhutan tạo ra điện bằng cách sử dụng thủy điện.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, thủy điện chiếm 32,4% kim ngạch xuất khẩu và 8% GDP của đất nước. Chỉ với hơn 800.000 dân, Bhutan thực sự là "quốc gia mẫu mực" về nỗ lực giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tác hại của khí CO2 là rất lớn đối với môi trường sống của chúng ta. Loại khí thải này được tạo ra từ hầu hết các hoạt động của con người, từ các ngành công nghiệp và các loại phương tiện, máy móc. Nó góp phần làm thay đổi khí hậu, làm nhiệt độ nóng lên và ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, tại Bhutan lại diễn ra một sự bất thường. Trong khi tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang thải khí CO2 ra môi trường, thì Bhutan lại hấp thụ tới 6 triệu tấn carbon mỗi năm. Trong khi đó, lượng carbon thải ra chỉ là 1,5 triệu tấn.

An Như

Bạn đang đọc bài viết Bhutan - quốc gia đứng đầu thế giới về giảm lượng khí thải carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới