Chủ nhật, 24/11/2024 10:14 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/01/2021 07:03 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu: 2020 và 2016 trở thành hai năm nóng nhất lịch sử

Theo dõi KTMT trên

Nếu như năm 2016 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử do chịu ảnh hưởng của El Nino, thì năm 2020 lại đi vào lịch sử là năm nóng kỷ lục mà không có tác động của El Nino và La Nina.

Biến đổi khí hậu: 2020 và 2016 trở thành hai năm nóng nhất lịch sử - Ảnh 1
Người dân tránh nóng trên bãi biển tại Venice, California, Mỹ, ngày 15/8/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Năm 2020 cùng với năm 2016 được xác định là hai năm có thời tiết nóng nhất trong lịch sử, khép lại một thập kỷ với nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất ấm lên. 

Nếu như năm 2016 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thì năm 2020 lại đi vào lịch sử là năm nóng kỷ lục mà không có tác động của hiện tượng El Nino và La Nina.

Theo báo cáo được Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S) công bố ngày 8/1, xu hướng nền nhiệt toàn cầu không ngừng tăng lên khi thế giới ghi nhận 6 năm qua là những năm nóng nhất trong lịch sử.

Riêng trong năm 2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong khi đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đề ra mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C và có thể đạt mức tăng 1,5 độ C nhằm tránh những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. 

Báo cáo dựa trên các dữ liệu vệ tinh của C3S cũng cho thấy trong năm qua, một số khu vực đã trải qua nền nhiệt cao vượt qua các mức nhiệt trung bình toàn cầu. Tháng 8 vừa qua, mức nhiệt ghi nhận tại Thung lũng Chết ở sa mạc Mojave, bang California (Mỹ), đã có thời điểm lên đến 54,4 độ C.

Sau khi trải qua một mùa Thu và Đông ấm bất thường, châu Âu đã xác nhận 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử khu vực, với nhiệt độ trung bình cả năm cao hơn 2,2 độ C so với mức tiền công nghiệp và hơn gần 0,5 độ C so với năm 2019 vốn từng được xem là năm nóng nhất tại "Lục địa Già."

Bắc Cực và Bắc Siberia có mức tăng nhiệt cao nhất, với nhiệt độ tại một số khu vực trung bình cao hơn 6 độ C so với nhiệt độ trung bình trong 30 năm qua.

Khu vực này cũng trải qua một mùa cháy rừng bất thường, khi các vụ cháy rừng ở khu vực nằm ở Vòng Bắc Cực trong năm 2020 đã giải phóng 244 triệu tấn CO2, tăng hơn 33% so với năm 2019.

Biển băng tại Bắc Cực tiếp tục tan chảy, trong khi lượng băng hồi phục tại khu vực này liên tục ghi nhận mức thấp nhất trong tháng 7 và tháng 10/2020.

Các nhà khoa học cho biết báo cáo trên càng làm nổi bật sự cấp thiết phải nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính trên khắp thế giới nhằm đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Giám đốc C3S Carlo Buontempo nhận định: "Năm 2020 nổi bật với sự nóng lên đặc biệt ở Bắc Cực và số lượng cơn bão nhiệt đới kỷ lục ở Bắc Đại Tây Dương....Đây cũng là lời nhắc nhở khác về sự cấp thiết của việc cắt giảm khí thải để ngăn chặn các tác động xấu đến khí hậu trong tương lai."

Trong khi đó, ông Matthias Petschke, Giám đốc phụ trách chương trình không gian của Ủy ban châu Âu (EC), cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2020 và dữ liệu từ C3S cho thấy con người cần gấp rút hành động nhằm ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm lên. 

Các nhà khoa học cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy biến đổi khí hậu sẽ khiến các cơn bão, lũ quét, cháy rừng và các thảm họa thiên nhiên khác có sức tàn phá khốc liệt hơn.

Tại Mỹ, chuyên gia khí tượng của Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) Adam Smith cho biết thiệt hại về người và vật chất đang tăng nhanh tại nước này do các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo ông, các thảm họa gây thiệt hại tổng cộng 16 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2020 tại Mỹ, tương đương với các mức thiệt hại cao nhất được ghi nhận vào các năm 2011 và 2017.

Một báo cáo sơ bộ cho thấy 13 thảm họa thiên nhiên xảy ra trong năm qua đã khiến ít nhất 188 người thiệt mạng, gây thiệt hại kinh tế lên tới 46,6 tỉ USD. Dự kiến NOAA sẽ công bố báo cáo khảo sát thiệt hại trong năm 2020 do biến đổi khí hậu trong cùng ngày.

Minh Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu: 2020 và 2016 trở thành hai năm nóng nhất lịch sử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới