Chủ nhật, 24/11/2024 05:26 (GMT+7)
Thứ năm, 03/03/2022 15:00 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu có thể khiến hàng triệu người dân châu Á mất nhà

Theo dõi KTMT trên

Trong 30 năm tới, biến đổi khí hậu có thể sẽ khiến 143 triệu người, 1/3 trong số đó ở châu Á phải bỏ nhà đi nơi khác do nước biển dâng, hạn hán, nhiệt độ khắc nghiệt và những thảm họa khí hậu khác.

Hơn 140 triệu người phải rời bỏ nhà

Theo báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu được Liên Hợp Quốc công bố ngày 28/2 cho biết, có 143 triệu người, 1/3 trong số đó ở châu Á, có thể phải bỏ nhà đi nơi khác trong 30 năm tới do biến đổi khí hậu. Những người này phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác do nước biển dâng, hạn hán, nhiệt độ khắc nghiệt và những thảm họa khí hậu khác.

Báo cáo cũng chỉ rõ, cứ ba người di cư trên thế giới sẽ có một người ở châu Á, nơi đứng đầu thế giới về số người phải di dời do thời tiết khắc nghiệt, phần lớn là bão và lũ lụt. Giới chuyên gia dự đoán các dòng người di cư và nhu cầu tái định cư sẽ tăng lên.

Biến đổi khí hậu có thể khiến hàng triệu người dân châu Á mất nhà - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là châu Á. 

"Khí hậu toàn cầu đang ấm lên, một số khu vực với mật độ dân cư đông đúc sẽ trở nên không an toàn hoặc không thể ở được", báo cáo có đoạn. Khoảng 40 triệu người ở Nam Á có thể phải di dời đến nơi khác trong 30 năm tới vì thiếu nước, mất mùa, triều cường và các thảm họa khác.

Chris Field, chuyên gia môi trường của Đại học Stanford, người phụ trách báo cáo của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, cho biết nhiệt độ gia tăng là mối lo ngại đặc biệt. "Trên Trái Đất có một số nơi quá nóng để sinh sống", ông Field cho biết. "Nhưng điều này đã bắt đầu diễn ra ở châu Á, có thể xảy ra nhiều hơn nữa trong tương lai và chúng ta cần suy nghĩ thật kỹ về tác động của nó".

Mất nhà đang trở thành nỗi lo của nhiều quốc gia

Biến đổi khí hậu là vấn đề các đảo quốc lo nhất hiện nay. Nhiều quốc đảo đang lo ngại mất nước vì ô nhiễm môi trường. Nếu mực nước biển đang lên thì quốc đảo sẽ bị xóa sạch, có những quốc đảo chỉ cao chừng 1m.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE).

Chưa quốc gia nào cấp quyền tị nạn hoặc các hình thức bảo trợ pháp lý cho những người phải di cư vì biến đổi khí hậu. Amali Tower, sáng lập viên tổ chức Người tị nạn khí hậu, cho biết tốc độ di dân vì khí hậu có thể sẽ chậm lại nếu Mỹ và các nước châu Âu hành động để giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống 0.

Theo báo cáo của LHQ, đối phó với người di cư vì khí hậu sẽ trở thành một vấn đề chính sách lớn đối với khu vực cận Sahara của châu Phi và Mỹ Latinh trong vài thập kỷ tới. Hầu hết dân chúng sẽ di cư từ nông thôn đến các thành phố, đặc biệt là ở châu Á, nơi có thể có tới 2/3 dân số sống ở thành thị trong 30 năm tới.

Biến đổi khí hậu sẽ nghiêm trọng hơn nếu như các quốc gia vẫn "thờ ơ"

Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo, nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không được kiểm soát ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp thì Trái Đất, vốn liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán trong những thập kỷ qua sẽ suy thoái theo hàng trăm cách khác nhau, trong đó có những cách không thể đảo ngược.

"Tình trạng chậm trễ trong cắt giảm khí thải carbon và hỗ trợ để ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ làm lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo một Trái Đất có thể sinh sống được, một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai", báo cáo nêu rõ.

Tình trạng khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C.

Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng lên 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần.

Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần.

Ngày càng nhiều người tử vong trong các đợt sóng nhiệt, dịch bệnh, thời tiết cực đoan, ô nhiễn không khí và nạn đói do tình trạng ấm lên toàn cầu.

Bên cạnh đó, IPCC cảnh báo các thành phố và khu tái định cư ven biển sẽ đối mặt với thách thức lớn để bảo vệ tính mạng con người và tài sản trước các mối đe dọa về triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng.

Báo cáo của IPCC cũng chỉ ra rằng khoảng 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C.

Con số này có thể tăng lên 18% và 29% nếu nhiệt độ tăng lần lượt là 2 độ C và 3 độ C. Nếu nhiệt độ ấm lên khoảng 0,9 độ C, 35% diện tích đất trên Trái Đất sẽ bị các đám cháy rừng tàn phá.

Hiện nay, Trái Đất đã ấm hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiều mô hình dự báo cho thấy nhiệt độ sẽ tăng thêm hơn 1,5 độ C khi lượng khí thải vẫn tăng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định báo cáo là tập bản đồ về những tác động mà con người đang phải hứng chịu, với những dữ liệu thực tế cho thấy cách mà con người và Trái Đất bị biến đổi khí hậu khuất phục.

Đồng tác giả báo cáo, ông Maarten van Aalst - nhà khoa học khí hậu tại Liên đoàn chữ thập đỏ quốc tế cho biết, kể từ khi IPCC công bố báo cáo đầu tiên vào năm 2014, đến nay, mọi nguy cơ được cảnh báo đều xảy ra nhanh hơn dự tính.

Trong khi đó, nhà khoa học khí hậu Katharine Hayhoe, viện nghiên cứu The Nature Conservancy, cho rằng đây chính là một lời cảnh báo tới thế giới rằng "ngôi nhà của họ đang bốc cháy."

Theo chuyên gia Helen Adams thuộc Đại học King’s College London và là đồng tác giả báo cáo, dù mọi thứ đang diễn biến tệ đi, nhưng tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào con người, không phải khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng đã phản ánh những nỗ lực lãnh đạo cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nếu các nước và các Chính phủ không đánh giá đúng mức những nguy cơ để có những phản ứng phù hợp với tính cấp bách của tình trạng khẩn cấp khí hậu thì chắc chắn hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn theo cấp số nhân. Qua đó, các nước cần tăng cường hành động để ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Ông cũng hối thúc các Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để bù đắp cho sự chậm trễ trong tiến trình phi carbon nền kinh tế, hướng tới tương lại năng lượng thân thiện với môi trường.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu có thể khiến hàng triệu người dân châu Á mất nhà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới