Thứ năm, 09/01/2025 12:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/12/2024 10:11 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu gây nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã đưa ra kết quả nghiên cứu rằng trong năm 2024, biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người gây ra đã làm thời gian nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu tăng thêm trung bình 41 ngày.

Theo báo cáo của World Weather Attribution (WWA) - tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và tổ chức Climate Central có trụ sở ở Mỹ được công bố vào cuối năm, năm 2024 được dự báo có thể trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận với một loạt kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu.

Biến đổi khí hậu gây nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại cuộc họp báo công bố báo cáo, nhà khoa học khí hậu Friederike Otto thuộc WWA cho biết, ác hiện tượng thời tiết đã khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu. Sóng nhiệt, bão và hạn hán,... xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản.

Các nhà khoa học cho hay, những khu vực như Northern California và Death Valley của Mỹ, Mexico, Trung Mỹ, Tây Phi và Nam Âu đã phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng khủng khiếp. Trong khi đó, ở các nước Nam và Đông Nam Á, nhiệt độ cao khiến nhà chức trách phải tạm thời đóng cửa trường học và khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời. 

Bên cạnh đó, các sự kiện thời tiết cực đoan khác như bão nhiệt đới và mưa lớn cũng gia tăng. Theo các nhà nghiên cứu, trong số 29 sự kiện thời tiết khắc nghiệt xảy ra năm 2024 khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng và hơn 3.700 người thiệt mạng thì trong đó 26 sự kiện có mối liên hệ rõ ràng với biến đổi khí hậu. Ông Otto cảnh báo, nếu thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng mức tăng nhiệt độ Trái Đất đang tiến gần đến ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, ngưỡng mà gần 200 quốc gia ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt ra nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Dự báo rằng các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng, các nhà khoa học cho rằng các quốc gia có thể giảm thiểu tác động này thông qua các chiến lược ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị có thể giúp giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ sinh mạng của hàng triệu người dân trên thế giới.

Chống biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu và hành động quyết liệt từ tất cả các quốc gia, tổ chức và cá nhân. Giảm phát thải khí nhà kính là yếu tố then chốt trong việc chống biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần chuyển đổi từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện.

Bảo vệ và khôi phục rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu. Rừng là những bể chứa carbon tự nhiên, giúp hấp thụ CO2 từ khí quyển thông qua quá trình quang hợp. Việc bảo vệ rừng hiện có và khôi phục các khu rừng bị tàn phá giúp giảm lượng CO2, bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì nguồn nước và ổn định khí hậu. Các chương trình trồng cây xanh và khôi phục rừng cần được triển khai rộng rãi và có sự tham gia của cộng đồng để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, rác thải nhựa và các loại chất thải khác khi phân hủy tạo ra lượng lớn khí nhà kính. Việc tăng cường tái chế, giảm thiểu rác thải và xử lý chất thải một cách bền vững có thể giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính từ quá trình phân hủy chất thải. 

Việc giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu cũng là yếu tố quan trọng. Khi mọi người nhận thức rõ ràng, họ sẽ có hành động cụ thể để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường sống.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia là vô cùng cần thiết để chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và tài nguyên. Các quốc gia cần thực hiện các cam kết quốc tế, như Hiệp định Paris, và xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường. Các tổ chức quốc tế và khu vực cũng cần hỗ trợ các quốc gia trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển các chương trình nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các giải pháp giảm thiểu.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu gây nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam xảy ra 482 trận động đất trong năm 2024
Năm 2024 đã xảy ra 482 trận động đất, trong đó có hơn 440 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra ở các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Phú Thọ, Hà Nội...

Tin mới