Chủ nhật, 24/11/2024 08:30 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/06/2022 16:30 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến sức khoẻ con người?

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và gián tiếp đến con người, gây hậu quả nặng nề như tử vong, mất tích, chấn thương và các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu đedoạ sức khoẻ con người

Ngày 3/6, tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Biến đổi khí hậu và sự tác động đến sức khỏe người dân TP.HCM” do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức, các chuyên gia đánh giá, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, đó là lũ lụt, hạn hán, gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe con người như tử vong, mất tích, chấn thương, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tác động gián tiếp đến sức khỏe thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H5N1, tay chân miệng, tiêu chảy, dịch tả; Làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve)…..

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC chia sẻ, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã trở thành cụm từ quen thuộc trên thế giới. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, do đó, cần ứng phó và hành động cụ thể với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến sức khoẻ con người? - Ảnh 1
Dịch bệnh sốt xuất huyết là một trong những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

TS Nguyễn Văn Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, biến đổi khí hậu tác động không ít tới sức khỏe người dân TP.HCM. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng y tế dưới điều kiện biến đổi khí hậu càng gặp nhiều khó khăn, khó đáp ứng nhu cầu cộng đồng nếu chưa có sự chuẩn bị.

"Biến đổi khí hậu gây mưa lớn gây ngập, thoát nước kém, ứ đọng ảnh hưởng đến vệ sinh và gia tăng dịch bệnh. Nhiệt độ tăng, kèm hiệu ứng đảo diện tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Cơ sở hạ tầng y tế dưới điều kiện biến đổi khí hậu càng gặp nhiều khó khăn, khó đáp ứng nhu cầu cộng đồng nếu chưa có sự chuẩn bị", TS Hồng thông tin.

Bên cạnh đó, TS Vũ Xuân Đán, Phó Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phân tích, TP.HCM là 1 trong 10 thành phố hàng đầu thế giới có số dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngập lụt vì 40 - 50% diện tích trong khoảng 0 - 1 m so với mực nước biển; 15 - 20% trong khoảng 1 - 2 m so với mực nước biển và một số khu vực thường xuyên bị ngập. Nhiệt độ trung bình của toàn TP.HCM đã tăng khoảng 0,7oC, gây gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.

Vị chuyên gia này đánh giá, hiện tượng thời tiết cực đoan tăng tần suất và cường độ mưa bão, lũ lụt, gây tai nạn thương tích. Ngập lụt do mưa và triều cường gây ra các bệnh truyền nhiễm và bệnh lây truyền qua da. Nhiệt độ tăng gây gia tăng ô nhiễm không khí, phát sinh bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây.

Cần giảipháp thiết thựcứng phó với biến đổi khí hậu

Năm 2021, UBND TP.HCM cũng đã có quyết định ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn TP.HCM. Nhưng TS Nguyễn Văn Hồng cho rằng, TP.HCM cần có cách tiếp cận và định hướng ưu tiên để ứng phó biến đổi khí hậu gắn liền với phát triển bền vững. Đồng thời, thành phố cần tiến hành các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến sức khoẻ con người? - Ảnh 2
TP.HCM thường xuyên rơi vào cảnh ngập lụt mỗi khi trời mưa khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

"Việc ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn xã hội. Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải có tính hệ thống đồng bộ liên ngành, liên vùng, trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng giai đoạn và các quy định", ông Hồng nhấn mạnh.

TS Vũ Xuân Đán cho biết, dưới tác độc của biến đổi khí hậu, HCDC đang xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của ngành y tế TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Mục tiêu cụ thể là dự báo các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe người dân để có giải pháp y tế phù hợp trong điều trị và dự phòng; Nâng cao nhận thức của xã hội về sự biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe người dân để nâng cao khả năng ứng phó; Cảnh báo sớm các vấn đề môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân… Điều này không chỉ một mình ngành y tế làm được mà còn cần có sự phối hợp với Sở, ngành và các trường đại học có ngành sức khỏe.

Ngoài ra, đối với các biện pháp ứng phó với những loại bệnh truyền nhiễm phổ biến có liên quan tới biến đổi khí hậu, TS Vũ Xuân Đán cho rằng, TP.HCM nên xác định các bệnh, khu vực và đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do bệnh truyền nhiễm có liên quan đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thành phố cần xác định tỷ lệ lây truyền, sự thay đổi các đặc tính của bệnh truyền nhiễm do biến đổi khí hậu.

"TP.HCM cũng cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm dựa trên dữ liệu khí tượng thủy văn và chất lượng môi trường. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa) đến 3 loại bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và vi khuẩn gam âm Vibrio. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực dự phòng, điều trị các bệnh truyền nhiễm phổ biến có liên quan đến biến đổi khí hậu…", ông Đáng nói.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến sức khoẻ con người?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới