Chủ nhật, 24/11/2024 07:25 (GMT+7)
Chủ nhật, 26/09/2021 06:49 (GMT+7)

Biến nước ô nhiễm thành nước sạch từ vi khuẩn, liệu có thể?

Theo dõi KTMT trên

Từ việc hỗ trợ sự sống trên Trái Đất đến việc được sử dụng trong các quy trình công nghiệp và y học, một số loại vi khuẩn thậm chí có thể lọc nước nhiễm bẩn và khiến nó trở nên an toàn hơn với con người.

Các nhà khoa học cho rằng, vi khuẩn thực sự lành mạnh và đóng vai trò quan trọng trong môi trường sống, bao gồm cả cơ thể con người. 

Nhóm nghiên cứu từ Viện Công nghệ Ấn Độ, Đại học Banaras Hindu (IIT-BHU) đã tìm ra một loại vi khuẩn có thể làm được điều đó. Được công bố trên tạp chí Environmental Chemical Engineering, vi khuẩn có tên "chủng microbacterium paraoxydans VSVM IIT (BHU)" có thể tách chromium-6 từ nước theo cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Biến nước ô nhiễm thành nước sạch từ vi khuẩn, liệu có thể? - Ảnh 1
Một cơ sở xử lý nước. (Ảnh: Chunyip Wong/iStock)

Chromium-6 là một ion kim loại nặng được sử dụng trong mạ điện, hàn và sơn cromat. Đây là chất gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe ở người như ung thư, gan thận và vô sinh. So sánh với các phương pháp hiện nay, các nhà khoa học tin rằng chủng vi khuẩn mới này có khả năng chịu một lượng chromium-6 cao, đặc biệt thành công trong việc loại bỏ kim loại độc hại này khỏi nước thải.

Kết quả nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, một số cơ chế kháng kim loại nặng trong tế bào vi khuẩn được kích hoạt khi chúng phát triển ở môi trường nước nhiễm chromium-6.

Tiến sĩ Vishal Mishra, người đứng đầu nghiên cứu cho hay, vi khuẩn này có thể dễ dàng nuôi cấy và loại bỏ chromium-6 một cách hiệu quả, không tốn kém, không độc hại và dễ sử dụng. Ngoài ra, việc phân tách sau khi sử dụng không yêu cầu năng lượng đầu vào lớn và loại bỏ chromium-6 cho đến giới hạn xả thải của Ban kiểm soát ô nhiễm trung tâm", theo Hindustan Times .

Sau khi nghiên cứu bổ sung, kỹ thuật lọc nước bằng vi khuẩn được áp dụng sẽ mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển như Ấn Độ, nơi có nhiều khu vực khó tiếp cận với nước sạch. Theo đó, ước tính rằng cứ 4 người thì có 1 người sẽ thiếu nước sạch để uống vào năm 2050 và thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng nước. Vì vậy, đây có thể là một trong nhiều công nghệ được các kỹ sư sử dụng để làm sạch nước hiệu quả và cung cấp nguồn nước cho các thành phố. 

Lan Anh (Theo Interesting Engineering)

Bạn đang đọc bài viết Biến nước ô nhiễm thành nước sạch từ vi khuẩn, liệu có thể?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới