Chủ nhật, 24/11/2024 08:12 (GMT+7)
Thứ năm, 14/04/2022 11:21 (GMT+7)

Bình Định: Kỳ vọng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của miền Trung

Theo dõi KTMT trên

Việc triển khai các dự án năng lượng tại tỉnh Bình Định sẽ là bước tiến lớn trong việc tận dụng năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và xu thế sử dụng năng lượng sạch trên thế giới.

Đề xuất đầu tư dự án điện gió ngoài khơi 6 tỷ USD

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định vừa đề xuất Bộ Công Thương cho phép đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi ở tỉnh này.

Theo đó, Dự án do Tập đoàn PNE (CHLB Đức) đầu tư với tổng quy mô công suất 2.000 MW, được chia làm 3 giai đoạn đầu tư gồm: Giai đoạn thí điểm, công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2025; giai đoạn mở rộng 1, công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2026; giai đoạn mở rộng 2, công suất 600 MW, dự kiến vận hành năm 2027.

Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Theo UBND tỉnh Bình Định, khu vực khảo sát, nghiên cứu và đề xuất bổ sung quy hoạch dự án khoảng 96.470 ha, chủ yếu là trên mặt nước biển, không chồng lấn với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, qua rà soát, đối chiếu các quy định của pháp luật, việc đề xuất của nhà đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Không chỉ vậy, dự án cũng thể hiện rõ tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE được khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Bình Định: Kỳ vọng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của miền Trung - Ảnh 1
UBND tỉnh Bình Định vừa đề xuất Bộ Công Thương cho phép đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi ở tỉnh này, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, đây là dự án năng lượng tái tạo quan trọng, quy mô đầu tư lớn không chỉ của Bình Định mà còn với cả nước. Dự án sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khai thác được lợi thế vị trí tự nhiên để phát triển năng lượng tái tạo trên biển, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và xu thế sử dụng năng lượng sạch trên thế giới. Bộ Công Thương ủng hộ triển khai dự án và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư xúc tiến triển khai Dự án đúng tiến độ..

Tập đoàn PNE là tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực năng lượng gió của Đức với trên 25 năm kinh nghiệm. Hiện tập đoàn đã có mặt ở 12 quốc gia trên 4 châu lục với trên 400 nhân viên và có 8 dự án ngoài khơi đã bán với tổng sản lượng điện 2.644 MW.

Tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo

Được biết, Bình Định là tỉnh có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên số lượng, quy mô công suất các dự án điện mặt trời và điện gió được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh còn rất ít so với tiềm năng phát triển điện năng lượng tái tạo của tỉnh. 

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 6 nhà máy điện năng lượng mặt trời và điện gió đang hoạt động gồm: Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (huyện Phù Cát); Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Hiệp, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ); Nhà máy điện mặt trời Fujiwara Bình Định, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (khu kinh tế Nhơn Hội). Các nhà máy này có tổng công suất trên 530 MWp, góp phần nâng sản lượng điện sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, sản lượng điện đạt 788 triệu kWh. 

Trong đó, hiện các dự án điện mặt trời đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 415,5  MW (điện mặt trời được quy hoạch là 529,5 MWp) và các dự án điện gió đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất là 77,4 MW (điện gió được quy hoạch là 112,1 MW). Như vậy, sự phát triển mạnh mẽ và đi vào hoạt động của các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh năm qua đã góp phần nâng cao độ tin cậy, giảm thiểu tình trạng thiếu hụt điện trong mùa khô của tỉnh Bình Định.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu, khảo sát, đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời. Tỉnh Bình Định rất quan tâm đến việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nhất là các dự án có quy mô lớn để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, trong thời gian qua, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Bình Định đã quy hoạch khu vực phong điện nằm trong khu kinh tế Nhơn Hội và đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (6 trụ tuabin gió, Pmax: 21MW), tổng mức đầu tư của dự án là 996 tỷ đồng; Nhà máy phong điện Phương Mai 1 (12 trụ tuabin gió, Pmax: 26,4MW), tổng mức đầu tư 1.076 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 (6 trụ tuabin gió, Pmax: 30MW), tổng mức đầu tư là 1.321 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Nhơn Hội 2 (6 trụ tuabin gió, Pmax: 30MW), tổng mức đầu tư là 1.340 tỷ đồng. 

Trong đó, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 đã đi vào vận hành từ tháng 1/2020. Hiện tại 3 dự án điện gió Phương Mai 1, Nhơn Hội 1, 2 đang khẩn trương "về đích" trước ngày 31/10/2021 để được hưởng cơ chế hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Công ty Điện lực Bình Định (PC) Bình Định luôn tạo điều kiện tốt nhất và hỗ trợ các chủ đầu tư dự án trong việc phối hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đi vào vận hành trong tháng 9/2021 theo đúng tiến độ đã đề ra.

Như vậy, đến cuối năm 2021, toàn bộ các dự án điện gió trên địa bàn khu kinh tế Nhơn Hội sẽ đi vào hoạt động với tổng công suất 107,4MW. Các dự án đi vào hoạt động sẽ cụ thể hóa quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Bình Định (đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các dự án là bước tiến lớn trong việc tận dụng năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, làm giảm phát thải CO2 trên địa bàn tỉnh Bình Định; đồng thời sẽ tạo môi trường cảnh quan, thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ - du lịch của địa phương.

Ngoài ra, theo Đề án quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh tỉnh Bình Định đến năm 2030, sẽ có 40 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 2.280 MWp, điều này phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn năng lượng này trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030; nếu được phê duyệt tỉnh Bình Định sẽ là một trung tâm năng lượng tái tạo lớn của khu vực miền Trung.

Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ góp phần tăng nguồn cung cấp năng lượng điện tại chỗ, giảm hiệu ứng nhà kính và các tác động tiêu cực từ phía môi trường, tạo hình ảnh thân thiện của tỉnh Bình Định trong việc xây dựng hình ảnh du lịch xanh, sạch và bền vững. Ngoài ra, khi đi vào vận hành, các dự án sẽ góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh nhà.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, với chiều dài 134 km bờ biển, Bình Định có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn. Bên cạnh đó, còn là tiềm năng điện mặt trời. Việc đầu tư các dự án điện mặt trời và điện gió là rất cần thiết nhằm thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày một cạn kiệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, ông đề nghị Bình Định cần tiếp tục chú trọng phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Bình Định: Kỳ vọng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới