Bình Định phê duyệt dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn trị giá 1.500 tỷ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng theo hình thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Thời gian hoạt động 30 năm
Cụ thể, dự án được triển khai tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn, diện tích đất dự kiến sử dụng hơn 100.401m2 (chưa bao gồm phần diện tích đất cho đường dây đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia, hệ thống giao thông kết nối).
Công suất xử lý bình quân 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường/ngày đêm (ưu tiên xử lý chất thải rắn sinh hoạt) có phát điện với công suất phù hợp Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến tối thiểu là 1.500 tỷ đồng và có thể cao hơn, tùy theo công nghệ, thiết bị của nhà đầu tư.
Về lâu dài, sẽ gia tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế và mở rộng phạm vi phục vụ theo Kế hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo danh mục dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định công bố, giá dịch vụ xử lý không quá 430.000 đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT và các chi phí xử lý tro bay, tro xỉ, chất thải thứ cấp hình thành từ quá trình tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt).
3 năm đầu kể từ khi nhà máy đưa vào vận hành chính thức giá dịch vụ sẽ ổn định. Sau 3 năm, tỉnh Bình Định sẽ cập nhật, điều chỉnh tăng giá, tần suất tăng giá là 2 năm/lần. Hệ số giá tăng được tính theo chỉ số CPI trung bình của 2 năm trước đó. Lộ trình điều chỉnh giá này là lộ trình điều chỉnh giá tối đa, khuyến khích các nhà đầu tư có lộ trình tăng giá theo hướng tiết kiệm hơn cho ngân sách nhà nước.
Thời hạn hoạt động của dự án là 30 năm, kể từ ngày có kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án. Tiến độ thực hiện dự án không quá 2 năm kể từ ngày có kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Mục tiêu của dự án là có thể xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt (và chất thải công nghiệp thông thường nếu nhà đầu tư có nhu cầu) với công nghệ đốt rác phát điện; chất thải thứ cấp (tro xỉ) sau khi xử lý được tái sử dụng, tái chế, góp phần giảm chôn lấp chất thải, cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.
Chìa khóa 'then chốt' trong xử lý chất thải rắn
Chất thải rắn xây dựng được ước tính chiếm khoảng 25% khối lượng chất thải rắn tại Hà Nội, TP.HCM và 12-13% tại các địa phương khác như An Giang, Bắc Giang, Hải Phòng. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các khu, cụm công nghiệp và đạt khoảng 8,1 triệu tấn vào năm 2016.
Chất thải nguy hại công nghiệp thường chiếm 15-20% lượng chất thải rắn công nghiệp, phát sinh chủ yếu ở các ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, hóa chất. chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 - 50 tấn là chất thải nguy hại.
Hiện nay, một số loại chất thải rắn đang là vấn đề môi trường mới nổi như chất thải rắn xây dựng, chất thải điện tử và chất thải nhựa trên biển. Theo một nghiên cứu quốc tế, lượng chất thải điện tử trên toàn cầu ước vào khoảng 45 triệu tấn, trong đó lượng phát sinh ở Việt Nam đạt khoảng 141.000 tấn năm 2016 và tiếp tục gia tăng (Balde et al., 2017).
Trước áp lực tác động đến môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, phát triển dân số dẫn đến phát sinh nhiều chất thải rắn, trong đó chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, cần thiết phải có biện pháp quản lý, xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn nhằm đưa ra được các giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý phù hợp và hiệu quả, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt.
Trình bày tham luận tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, TS. Lê Công Lương cho rằng, một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải là phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.
Ngoài ra, theo TS. Lê Công Lương, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hoá quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, biến chất thải thành năng lượng.
Nhật Hạ