Chủ nhật, 24/11/2024 03:56 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/08/2024 13:00 (GMT+7)

Bình Dương hướng tới công nghiệp hiện đại, bền vững đến năm 2050

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh Bình Dương đang kiên định với định hướng phát triển công nghiệp, xem đây là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế. Chiến lược này giúp Bình Dương tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước.

Bình Dương hiện nay đã khẳng định vị thế là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước. Với hệ thống 28 khu công nghiệp hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lấp trên 93%. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 10 cụm công nghiệp cùng hàng ngàn nhà máy nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp không chỉ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn tạo ra việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, Bình Dương đã và đang chủ động hoạch định những bước đi mới, hướng tới một tương lai công nghiệp hiện đại và năng động hơn.

Bình Dương hướng tới công nghiệp hiện đại, bền vững đến năm 2050 - Ảnh 1
Bình Dương đã và đang chủ động hướng tới một tương lai công nghiệp hiện đại và năng động hơn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bước đệm quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Theo quy hoạch này, Bình Dương tiếp tục xác định công nghiệp là động lực tăng trưởng chính với định hướng hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện hữu. Mục tiêu của tỉnh là dần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Định hướng này không chỉ giúp Bình Dương duy trì đà phát triển mà còn giúp nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, Bình Dương đã xác định rõ chiến lược phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại và ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đặc biệt chú trọng vào việc đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính của nền kinh tế. Đồng thời, Bình Dương cũng chủ trương hiện đại hóa và tối ưu hóa hiệu quả thương mại cho các ngành công nghiệp hiện hữu. Bằng cách tập trung vào những ngành mà Bình Dương đã làm chủ được sản phẩm, tỉnh sẽ cải thiện hiệu quả sản xuất thông qua các giải pháp công nghệ tiên tiến và tối ưu hóa quy trình thương mại.

Nhằm đạt được các mục tiêu phát triển công nghiệp, Bình Dương đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030. Theo đó, trong cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp và xây dựng sẽ chiếm 64%. Để phục vụ cho sự phát triển này, 87% lao động trong tỉnh sẽ được đào tạo bài bản, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế liên quan. Tỉnh cũng cam kết rằng 100% chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại sẽ được thu gom và xử lý theo quy định, đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Bình Dương hướng tới công nghiệp hiện đại, bền vững đến năm 2050 - Ảnh 2
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 là bước đệm quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp.

Bình Dương không chỉ tập trung vào phát triển nội địa mà còn mở rộng kết nối quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và dịch vụ toàn cầu. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng kết nối, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực cho quá trình chuyển đổi hệ sinh thái phát triển. Với những bước đi chiến lược này, tỉnh đang hướng tới một tương lai đầy triển vọng, trở thành điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao và dịch vụ công nghiệp, góp phần xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và toàn diện.

Uy Đạt

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương hướng tới công nghiệp hiện đại, bền vững đến năm 2050. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới