Chủ nhật, 24/11/2024 05:44 (GMT+7)
Thứ ba, 14/05/2024 07:05 (GMT+7)

Bình Dương kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để phát triển kinh tế bền vững

Theo dõi KTMT trên

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ, đại diện UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị đến đoàn một số vướng mắc, khó khăn cần quan tâm giải quyết kịp thời.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ do ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm trưởng đoàn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn ngày 10/5, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin, tỉnh đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, luôn đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh.

Thông tin thêm với Đoàn công tác của Chính phủ, ông Võ Văn Minh cho biết, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Bình Dương kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1
Đoàn công tác Chính phủ do ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm trưởng đoàn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tiền Giang

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, địa phương cũng đang gặp phải một số vấn đề liên quan đến quản lý đất đai và xây dựng. Cùng với đó, về việc xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của các doanh nghiệp khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có vốn nhà nước), sau đó thoái toàn bộ vốn nhà nước (chỉ còn vốn tư nhân) mà chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng thời đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn để thực hiện.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị đến Đoàn công tác của Chính phủ một số vướng mắc, khó khăn cần quan tâm giải quyết kịp thời. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đã nêu một số vướng mắc, khó khăn tỉnh đã kiến nghị trước đây nhưng chưa được giải quyết, một số vấn đề phát sinh mới làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cụ thể như thủ tục xây dựng, lĩnh vực đất đai, công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý nhà nước về phát triển dịch vụ logistics...

Trong đó, Bình Dương cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc về công tác di dời lưới điện để giải phóng mặt bằng các dự án. “Hiện nay công tác di dời lưới điện giải phóng mặt bằng thi công xây dựng các dự án đầu tư công về nâng cấp mở rộng đường giao thông trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện”, ông Võ Văn Minh cho biết.

Cụ thể, theo quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công trình lưới điện tồn tại trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư sau năm 1982 phải do chủ quản lý sử dụng tự thực hiện di dời khi có dự án nâng cấp mở rộng đường giao thông, chịu hoàn toàn kinh phí liên quan. Do đó, việc xác định trách nhiệm thực hiện di dời lưới điện theo quy định trên khiến tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Bình Dương kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 2
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị đến Đoàn công tác của Chính phủ một số vướng mắc, khó khăn cần quan tâm giải quyết kịp thời.

Thông tin về nguồn vốn thực hiện di dời, ông Võ Văn Minh cho biết, hiện nay các sở, ngành của Bình Dương đã phối hợp làm việc rất nhiều lần với Tổng Công ty Điện lực miền Nam, tuy nhiên vẫn chưa có sự thống nhất về nguồn vốn. Ngoài ra, Công ty Điện lực Bình Dương là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam, việc phân bổ kinh phí thực hiện hoàn toàn phụ thuộc vào Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Do đó, UBND tỉnh Bình Dương đã tạm ứng vốn để thực hiện công tác di dời nhằm chủ động đáp ứng theo tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, về nguyên tắc thực hiện di dời lưới điện (sử dụng vốn đầu tư công) theo hiện trạng. Việc di dời theo hiện trạng như di dời lưới điện trên không, sử dụng lại dây dẫn, cột điện bê tông hiện hữu sẽ không bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó theo quy định, lưới điện trong đô thị từ loại II phải thực hiện đi ngầm, cần nguồn kinh phí rất lớn...

Nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, ông Võ Văn Minh kiến nghị Chính phủ cần sớm có văn bản hướng dẫn xác định trách nhiệm di dời lưới điện, trách nhiệm bố trí nguồn vốn thực hiện.

Cũng buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm trưởng đoàn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn còn có 2 địa phương là Đồng Nai và Tiền Giang.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, năm 2024, Đồng Nai dự kiến khởi công 5 dự án, quy mô 9 ngàn căn nhà ở xã hội, năm 2025, sẽ khởi công dự án, quy mô khoảng 11 ngàn căn nhà ở xã hội. Đặc biệt, trong tháng 5-2024, tỉnh sẽ tổ chức động thổ 2 dự án nhà ở xã hội ở thành phố Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng kiến nghị Bộ Xây dựng về suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và suất đầu tư nhà máy chế biến nông sản để lập tổng mức đầu tư xây dựng làm cơ sở mời gọi đầu tư. Xem xét ban hành bổ sung một số định mức trong quá trình thi công xây dựng các công trình giao thông do các định mức này có thể xuất hiện ở địa phương khác, không phải đặc thù của tỉnh Tiền Giang. Xem xét ban hành bổ sung định mức chi phí giám sát đối với hoạt động công ích đô thị; các định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị, quét rác thảm cỏ, lối đi công viên; nhặt rác dải phân cách; trồng cây xanh; định mức dự toán sản xuất nước sạch và quản lý, vận hành mạng cấp nước cho công tác vận hành trặm bơm tăng áp có công suất lớn hơn 500m3/ngày đêm…

Đồng thời, ông cũng đề xuất ban hành bổ sung định mức chi phí giám sát cho các hoạt động công ích đô thị, bao gồm duy trì cây xanh, quét rác, trồng cây, sản xuất nước sạch và quản lý mạng cấp nước.

Bình Dương kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận những kết quả về phát triển kinh tế-xã hội của 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận những kết quả về phát triển kinh tế-xã hội của 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang trong thời gian qua, đặc biệt, tình hình thị trường bất động sản tại các địa bàn đã có những bước tiến đáng kể.

Bên cạnh đó bộ trưởng cũng nêu một số khó khăn mà các địa phương gặp phải về giải ngân vốn đầu tư công, tình hình sản xuất kinh doanh và công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị  biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, trong việc “gửi gắm” các kiến nghị, đề xuất đến Chính phủ, Bộ, ngành nhằm sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Bộ trưởng đề nghị thành viên Đoàn ở các Bộ, ngành nghiên cứu kỹ, trả lời thật nhanh những vấn đề mà địa phương kiến nghị, cần trả lời trọng tâm, tránh để các địa phương hỏi lại, mất nhiều thời gian; khẩn trương trả lời các kiến nghị còn tồn chưa trả lời ở những hội nghị trước.

Đối với 3 tỉnh, trừ Tiền Giang, đề nghị tỉnh Đồng Nai, Bình Dương quan tâm đến vấn đề quy hoạch, sớm hoàn thiện công bố phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát lại quy hoạch đô thị; quản lý đô thị, trật tự xã hội trên địa bàn; về đảm bảo an toàn lao động và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án bất động sản trên địa bàn; phát triển NƠXH...

Thuỳ Trinh

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để phát triển kinh tế bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới