Chủ nhật, 24/11/2024 04:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/08/2024 22:00 (GMT+7)

Bình Thuận: Giải cứu vùng đất chết, khôi phục hệ sinh thái

Theo dõi KTMT trên

Bình Thuận là vùng khô hạn hàng đầu Việt Nam đối mặt với sa mạc hóa và cát bay, do đó những năm qua tỉnh đã nỗ lực trồng rừng và khôi phục hệ sinh thái.

Bình Thuận là một vùng đất đặc biệt khắc nghiệt với dư nắng, thừa gió, nhưng lại thiếu nước, tạo nên một trong những môi trường khô hạn nhất Việt Nam. Tình trạng sa mạc hóa và nạn cát bay đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt ở các huyện ven biển, nơi mà gió mạnh và khô hạn đã khiến đất đai trở nên cằn cỗi, hoang hóa nhanh chóng. Những đồi cát không ngừng di chuyển dưới tác động của gió đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân địa phương.

Theo thống kê, diện tích đất hoang hóa tại Bình Thuận chiếm tới 11% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Điều này không chỉ gây khó khăn cho nông nghiệp và sản xuất mà còn đẩy nhanh quá trình suy thoái môi trường, làm giảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Những vùng đất bị hoang hóa này cần được phục hồi khẩn cấp để ngăn chặn sa mạc hóa tiếp diễn và bảo vệ nguồn nước ngầm vốn đã khan hiếm trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng.

Bình Thuận: Giải cứu vùng đất chết, khôi phục hệ sinh thái - Ảnh 1

Việc bảo vệ và phục hồi đất đai tại Bình Thuận không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền và các tổ chức, mà còn cần sự chung tay của toàn cộng đồng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai.

Thực trạng rừng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang thực hiện nhiều nỗ lực đáng kể để phủ xanh rừng và bảo vệ môi trường. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích việc trồng rừng và bảo vệ rừng hiện có. Những nỗ lực này đã góp phần gia tăng diện tích rừng trồng mới, cải thiện chất lượng của các khu rừng hiện có. Môi trường sống và hệ sinh thái cũng được cải thiện nhờ vào những chương trình bảo vệ rừng.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho hay: “Một lần dự một Diễn đàn về môi trường ở Canada, nhóm Việt Nam phải trả lời câu hỏi về nguyên nhân phá rừng, tôi thay mặt nhóm nói một nguyên nhân khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên, hội trường lặng đi vài giây, đó là mất rừng nhiều vì “công nghệ cao” (high technology). Một đại biểu ngồi gần đề nghị tôi nói rõ hơn, tôi giải thích rằng, ngày xưa chặt cây bằng rìu, dùng trâu, voi chở gỗ nên tỷ lệ mất rừng thấp còn sau này dùng cưa máy, xe chuyên dụng với tời, cần cẩu, có thể chở tới 6 cây gỗ dài nên rừng bị khai thác rất nhanh. Những người dự họp nghe như vậy đã thảo luận rất lâu và sau đó người điều khiển tổng kết lại là nguyên nhân không phải là công nghệ cao mà là dùng công nghệ cao không đúng. Nhìn chung có thể thấy giai đoạn trước hội nhập và giai đoạn đầu hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có mức mất rừng rất cao nhưng giai đoạn sau, khi có chính sách bảo vệ rừng tốt và có tác động của rào cản thương mại mà diện tích rừng có tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, rừng nguyên sinh, tự nhiên của Việt Nam không còn nhiều và chất lượng nhiều loại rừng ở mức thấp”.

Thực tế nạn phá rừng trái phép, cháy rừng và khai thác tài nguyên quá mức vẫn tiếp tục xảy ra ở một số khu vực. Tình trạng chuyển đổi đất rừng sang mục đích sử dụng khác, chẳng hạn như nông nghiệp và đô thị hóa cũng làm giảm diện tích rừng tự nhiên. Biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái rừng, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng và tác động đến sự phát triển của cây trồng.

Bình Thuận: Giải cứu vùng đất chết, khôi phục hệ sinh thái - Ảnh 2

Để đối phó với những thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và các tổ chức khác. Việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng là rất quan trọng. Đồng thời, cần thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới trong quản lý và bảo vệ rừng cũng như nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng và lợi ích của việc trồng rừng bền vững.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phủ xanh rừng nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Sự đồng lòng và nỗ lực từ tất cả các bên liên quan sẽ là chìa khóa để bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nỗ lực trồng rừng, phủ xanh của tỉnh Bình Thuận

Những đồi cát di động ven biển ở Bình Thuận thường xuyên bị gió thổi mạnh, xâm thực sâu vào đất liền gây nguy cơ lớn cho môi trường và cuộc sống người dân. Đặc biệt, tại vùng đất nắng gió này còn có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu, một trong 221 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu cần được bảo tồn khẩn cấp. Với sinh cảnh rừng đa dạng bao gồm rừng nhiệt đới cây lá rộng rụng lá mùa khô, rừng cây lá rộng nửa rụng lá và rừng cây lá rộng, Tà Kóu là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật quý hiếm như Voọc bạc Trường Sơn, Chà vá chân đen.

Tuy nhiên, Tà Kóu vẫn còn hơn 100ha rừng nghèo kiệt ven biển và đồi cát di động cần được phủ xanh để giảm thiểu tình trạng cát bay, ngăn chặn sa mạc hóa, bổ sung nguồn nước ngầm quý giá cho khu vực. Trước nhu cầu cấp bách này, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã tiến hành nghiên cứu và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để biến những đồi cát khô cằn thành rừng xanh tươi.

Bình Thuận: Giải cứu vùng đất chết, khôi phục hệ sinh thái - Ảnh 3

Vào ngày 6/8/2024, Gaia đã thành công trong việc kết nối các nguồn lực xã hội, trồng 6.465 cây, phủ xanh 5,17ha đất trên những đồi cát bay ven biển tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu. Các loại cây trồng bao gồm những loài bản địa chịu hạn như Bằng lăng, Giáng hương, Xoay, Thiết đinh lá bẹ, Sắn me, Mận rừng, Cách và Nhãn rừng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt của vùng.

Trong 5 năm tới, đội ngũ cán bộ của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu cùng với Trung tâm Gaia sẽ thường xuyên giám sát sự sinh trưởng của cây, tưới nước bổ sung định kỳ, và thực hiện các can thiệp kỹ thuật lâm nghiệp cần thiết để đảm bảo rừng mới được phát triển một cách bền vững và hiệu quả.

Thanh Trúc

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Giải cứu vùng đất chết, khôi phục hệ sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới