Chủ nhật, 24/11/2024 08:19 (GMT+7)
Thứ hai, 04/04/2022 14:00 (GMT+7)

Bình Thuận: Khai thác mỏ đá Chóp Vung khiến người dân bức xúc

Theo dõi KTMT trên

Tuyến đường dẫn vào mỏ đá Chóp Vung (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) bị hư hỏng nghiêm trọng, người dân xung quanh thường xuyên phải sống trong bụi, ô nhiễm tiếng ồn do khai thác đá.

Bụi mù mịt, xe đi hỏng đường, dân trồng thanh long kêu khổ

Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác đá, chế biến đá mỏ núi Chóp Vung (mỏ đá Chóp Vung - địa chỉ: Xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) có diện tích 30 ha, với trữ lượng hơn 12 triệu m3 được UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản - Than Đông Bắc (trực thuộc Tổng Công ty 319 – Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư vào năm 2010; thời gian thực hiện dự án là 27 năm 3 tháng.

Để có đất cho doanh nghiệp làm dự án, năm 2012, UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi hơn 26 ha đất đồi chưa sử dụng tại xã Hàm Kiệm và cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản – Than Đông Bắc thuê lại với giá 1.391 đồng/m2, đơn giá này ổn định trong 5 năm.

Phía Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản – Than Đông Bắc đặt ra mục tiêu, trong quá trình thực hiện dự án sẽ trồng cây xanh quanh moong khai thác và dọc tuyến đường vận chuyện. Đồng thời phun nước chống bụi dọc tuyến đường vận chuyển và quanh khu chế biến vào mùa khô… để bảo vệ môi trường, an toàn và phòng chống cháy nổ.

Bình Thuận: Khai thác mỏ đá Chóp Vung khiến người dân bức xúc - Ảnh 1
Người trồng thanh long ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận phản ánh về việc khai thác mỏ đá Chóp Vung khiến môi trường, đời sống ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân xã Hàm Kiệm, trong quá trình khai thác dự án mỏ đá Chóp Vung, chủ đầu tư đã không đảm bảo vấn đề môi trường trong nhiều năm liền, ảnh hưởng tới đời sinh sinh hoạt và công việc của người dân trên địa bàn.

Theo ghi nhận của Tạp chí Kinh tế Môi trường từ nhiều người dân trồng thanh long gần dự án, hàng ngày, các xe ra vào trong mỏ đá thường xuyên gây bụi mù mịt, làm hỏng đường dân sinh. Bên cạnh đó, việc dùng mìn khai thác đá cũng khiến cho sức khoẻ của người dân bị ảnh hưởng trong nhiều năm qua.

Không những thế, nước từ trong mỏ đá Chóp Vung tràn ra khiến cho nhiều vườn thanh long bị ngập úng. Thậm chí có những lúc, nước chảy mạnh còn khiến cho trụ thanh long được làm bằng bê tông chôn dưới đất nghiêng ngả, phân bón dưới gốc cũng bị cuốn trôi.

“Trước đây trên núi Chóp Vung có nhiều cây nên khi mưa thì nước sẽ được xé lẻ, nhưng khi dự án khai thác đá hoạt động thì các cây bị mất, nước mưa đổ xuống ồ ạt. Cũng vì thế mà từ khi mỏ đá hoạt động, vườn thanh long của các hộ dân xung quanh đây giảm năng suất đi đáng kể.”, một người dân thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm chia sẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, khai thác khoáng sản có những tác động rất đặc thù đối với môi trường, có thể phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan, tạo ra các bãi thải hoặc hồ chứa thải với diện tích lớn. Các tác động môi trường của hoạt động này vẫn tiếp diễn khi kết thúc khai thác do sạt lở bãi thải, sụt lún lòng đất mang theo các chất ô nhiễm ra môi trường. Trong đó cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các vấn đề chất lượng môi trường sống, sinh kế và sức khỏe của họ. Bởi vậy, để hạn chế thực trạng ô nhiễm đáng báo động nêu trên, địa phương cần quan tâm hơn tới công tác quản lý, sử dụng đất sau khai khoáng, đặc biệt cần tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác của các đơn vị được cấp phép trên địa bàn cũng như các đơn vị không phép.

Theo ông Lê Trình, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của việc gây ô nhiễm là do các khu vực khai thác khoáng sản không tập trung, nhỏ lẻ thường ở trong khu sâu vùng xa, nên việc bảo vệ môi trường từ việc khai thác khoáng sản phải phụ thuộc rất nhiều vào ý thức doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lại Hồng Thanh, Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ TN&MT) cũng cho rằng, để đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản bền vững, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai khoáng từ trung ương đến địa phương.

Ngày 1/4/2022, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, lãnh đạo UBND xã Hàm Kiệm xác nhận, kể từ khi Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản – Than Đông Bắc thực hiện dự án khai thác mỏ đá Chóp Vung cũng là nguyên nhân làm cho bụi bay mù mịt khiến môi trường, hạ tầng của địa phương, đời sống, công việc của người dân xung quanh bị ảnh hưởng tiêu cực.

“Năm 2019, doanh nghiệp khai thác mỏ đá Chóp Vung làm hư hại đường, chính quyền địa phương đã làm việc và yêu cầu chủ đầu tư dự án phải khắc phục và cam kết không tái diễn. Phía Công ty có khắc phục nhưng đến năm 2020 lại tiếp tục việc hỏng đường, chúng tôi tiếp tục yêu cầu họ phải khắc phục, làm lại đường.

Trước đây, người dân còn phản ánh tình trạng nổ mìn khai thác đá tại dự án diễn ra liên tục, chúng tôi đã yêu cầu họ chỉ được tiến hành nổ mìn theo khung giờ cố định để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh”, lãnh đạo UBND xã Hàm Kiệm thông tin.

Bình Thuận: Khai thác mỏ đá Chóp Vung khiến người dân bức xúc - Ảnh 2
Tuyến đường dẫn vào mỏ đá Chóp Vung bị hư hỏng nghiêm trọng trong nhiều năm liền.

Dấu hỏi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Theo Quyết định số 567/QĐ-KSTĐB ngày 25/11/2010 của Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản – Than Đông Bắc về việc phê duyệt thiết kế cơ sở khai thác – chế biến mỏ đá xây dựng Chóp Vung, công suất khai thác của dự án là 360.000 m3/ năm đá nguyên khối.

Đến ngày 5/1/2011, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 18/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án mỏ đá Chóp Vung, trong đó thể hiện nội dung phê duyệt công suất khai thác là 360.000 m3/năm.

Thế nhưng, tại giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản – Than Đông Bắc  ngày 23/12/2010 lại cho phép dự án mỏ đá Chóp Vung có mục tiêu, quy mô chế biến đá xây dựng với công suất 490.000 m3/năm.

Theo thông tin từ trang thông tin điện tử của Tổng Công ty 319 – Bộ Quốc phòng ngày 15/9/2013 thì dự án mỏ đá Chóp Vung có năng lực khai thác giai đoạn 1 lên tới 540.000 m3/năm; Gia đoạn 2 có năng lực khai thác lên tới 940.000 m3/năm.

Ngoài ra, theo thông tin từ lãnh đạo Văn phòng Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cung cấp hồi tháng 3/2022 với Tạp chí Kinh tế Môi trường, hiện tại dự án mỏ đá Chóp Vung đang có sự tranh chấp, khiếu nại.

Năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản – Than Đông Bắc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản mỏ đá Chóp Vung với Công ty cổ phần Thương mại Thuỷ Cung (Địa chỉ: Số 3 Hoàng Diệu, phường 1, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với giá trị hơn 94 tỉ đồng.

Bình Thuận: Khai thác mỏ đá Chóp Vung khiến người dân bức xúc - Ảnh 3
Trong quá trình khai thác mỏ đá Chóp Vung, nhiều cây xanh mất đi, bụi bay mù mịt ảnh hưởng tới đời sống người dân xã Hàm Kiệm.

Kèm theo đó, trong năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản – Than Đông Bắc bàn giao tài sản, thiết bị như giàn máy khai thác đá, xe múc… cho Công ty cổ phần Thương mại Thuỷ Cung.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận ngày 18/1/2021 thông tin, mỏ đá Chóp Vung cấp cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản – Than Đông Bắc chưa được UBND tỉnh cấp giấy phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho Công ty cổ phần Thương mại Thuỷ Cung.

Mặc dù vậy, Công ty cổ phần Thương mại Thuỷ Cung đã ký một số hợp đồng nguyên tắc, cung cấp đá và xuất hoá đơn cho nhiều công ty tại tỉnh Bình Thuận để bán đá xây dựng thành phẩm.

Để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến mỏ đá Chóp Vung, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ, đặt nội dung làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản – Than Đông Bắc nhưng chưa nhận được phản hồi cụ thể.

Bình Thuận đấu tranh, xử lý, xóa bỏ “điểm nóng” khai thác khoáng sản

Thời gian qua, ngành công nghiệp khai thác của tỉnh Bình Thuận đã phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những lo ngại về việc tận dung khai thác tài nguyên khoáng sản mà không theo quy trình khoa học, quy định quản lý pháp luật nhà nước đãn tới nhiều hệ luỵ.

Trong đó, hậu quả nghiêm trọng nhất là làm mất đất, mất rừng, ô nhiễm nước, ô nhiễm bụi, khí độc, lãng phí tài nguyên. Quá trình vận chuyển, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm bụi, khí, nước và chất thải rắn. Đồng thời, sử dụng khoáng sản sẽ gây ra ô nhiễm không khí (SO2, bụi, khí độc...) và ô nhiễm nguồn nước.

Để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - ông Phan Văn Đăng yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp quyết liệt, đồng bộ xử lý dứt điểm tình trạng khai thác trái phép.

Trong số đó tập trung xử lý tại các điểm đã được lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra, xử lý, không để tái diễn. Sở TN&MT đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác khoáng sản thông thường để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Các huyện, thị xã thành phố thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ, quản lý nguồn khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Nếu trên địa bàn nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, có cán bộ dưới quyền tiêu cực thì phải tổ chức kiểm điểm người đứng đầu theo quy định.

Các địa phương xem xét xử lý hình sự các trường hợp manh động, vi phạm nhiều lần để tăng tính răn đe; rà soát và nắm cụ thể các khu vực, “điểm nóng” trên địa bàn, nhất là các vị trí khai thác, tập kết vật liệu xây dựng trái phép. Trên cơ sở đó, các địa phương lập danh sách các đối tượng và mở đợt cao điểm đấu tranh, xử lý, xóa bỏ “điểm nóng”.

Thanh Tùng - Thanh Hưng

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Khai thác mỏ đá Chóp Vung khiến người dân bức xúc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới