Chủ nhật, 24/11/2024 09:53 (GMT+7)
Thứ hai, 24/08/2020 10:00 (GMT+7)

Bình Thuận: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển

Theo dõi KTMT trên

Tận dụng những lợi thế về tài nguyên biển, trong những năm qua tỉnh Bình Thuận đã xây dựng nhiều chính sách và giải pháp về khai thác, sử dụng tài nguyên biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Bình Thuận: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển - Ảnh 1
Nhiều khu vực ven biển Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có tổng diện chiều dài bờ biển là 192 km, với diện tích vùng biển khoảng 52.000 km2, có 11 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quý là cơ sở hậu cần, chuyển tiếp cho các hoạt động về kinh tế biển, đặc biệt là đánh bắt hải sản xa bờ... đã tạo cho Bình Thuận khả năng để phát triển sản xuất hàng hoá, mở rộng giao lưu kinh tế với cả nước, khu vực và thế giới.

Biển Bình Thuận là một trong bốn ngư trường lớn, đa dạng về chủng loại của cả nước; trong đó, có 02 khu bảo tồn biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam đến 2020 đó là Khu bảo tồn biển Hòn Cau (đã thành lập và đi vào hoạt động) và Khu bảo tồn biển đảo Phú Quý đang trong giai đoạn nghiên cứu để thiết lập khu bảo tồn.

Bên cạnh đó, Bình Thuận là một tỉnh ven biển khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên, giao thông thuận lợi. Nhiều khu vực ven biển có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch ở các lĩnh vực như du lịch thể thao, nghỉ dưỡng biển, du thuyền, câu cá, sân golf, chữa bệnh… và các hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn khác.

Với những lợi thế đó, trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên biển nhằm phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện dự án đánh giá diễn biến, lập bản đồ các khu vực xói lở trên các vùng biển.

Trên cơ sở đó xây dựng và phê duyệt Quy hoạch công trình chống xói lở bờ biển tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020; triển khai dự án Điều tra, đánh giá chất lượng nước và trầm tích vùng ven biển tỉnh Bình Thuận; Xây dựng bản đồ nhạy cảm đường bờ phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận; Xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Bình Thuận và đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương của BĐKH, nước biển dâng đến huyện đảo Phú Quý.

Đồng thời, tổ chức rà soát cơ cấu sử dụng đất vùng ven biển; lập quy hoạch sử dụng đất ven biển nhằm sử dụng đất hợp lý, phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng; Tổ chức kiểm soát khai thác nước mặt, nước dưới đất vùng ven biển, trong giới hạn phục hồi của nguồn nước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, trên đảo và các hoạt động trên biển. Đã phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận với mục tiêu quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm xác định các vấn đề tồn tại cần tập trung giải quyết.

Bình Thuận: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển - Ảnh 2
Sử dụng bền vững tài nguyên gắn bảo vệ môi trường biển tại huyện đảo Phú Quý.

Song song đó, tỉnh Bình Thuận còn tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp từ vùng biển ven bờ như các khu dịch vụ, du lịch…dọc theo bờ biển; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển. Từ năm 1998, hàng năm tỉnh đã tổ chức đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo tại tỉnh Bình Thuận và công bố công khai kết quả đánh giá mức độ ô nhiễm biển và hải đảo năm theo quy định.

Thực hiện nghiêm quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của tỉnh có nguồn thải ra biển, cơ quan quản lý môi trường các cấp của tỉnh tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các Chủ đầu tư thực hiện công tác bảo vệ môi trường sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt và trước khi đi vào hoạt động chính thức. Các hoạt động thu mua, chế biến thủy, hải sản ven biển, các cảng cá được các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu chủ cơ sở phải thu gom, xử lý rác thải, nước thải theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học biển. Theo đó, tỉnh đã xây dựng đề án bảo tồn khu bảo tồn biển Hòn Cau và Phú Quý; lập danh mục các loài thủy sinh, thiết lập vùng cấm, mùa cấm khai thác, đặc biệt là hải đặc sản hai mảnh vỏ; thực hiện các giải pháp tổng thể ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản, từng bước phục hồi và làm giàu nguồn lợi thủy sản vùng biển gần bờ…

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Thuận, mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn như: Diễn biến của BĐKH những năm gần đây ngày càng phức tạp, thiên tai, hạn hán thường xuyên xảy ra, tình trạng sạt ở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, sa mạc hóa đang có cường độ mạnh hơn…; một số quy hoạch phát triển và khai thác tài nguyên ven biển chưa hợp lý và thiếu đồng bộ; việc xây dựng chính sách cụ thể khuyến khích thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển còn hạn chế. Ý thức và trách nhiệm về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trước thách thức của BĐKH chưa cao.

Do đó, để tiếp tục đẩy mạnh quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó, sẽ tập trung nâng cao giá trị sử dụng đất ven biển; xây dựng và thực hiện Quy hoạch phân vùng, sử dụng tài nguyên và môi trường biển của tỉnh làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế biển.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chủ động ứng phó với BĐKH, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường biển…

Linh Nga

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới